Tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững

Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, các tiêu chí quan trọng về thu ngân sách nhà nước, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đều tăng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân thương mại… đều đạt và và vượt so với kế hoạch đề ra.

Sáng 12/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng".

Dự báo GDP 2023 trên 5%

Báo cáo đề dẫn tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng do PGS.TS. Vũ Trọng Lâm - Giám đốc - Tổng Biên tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nêu rõ, trong gần 40 năm qua, thực hiện đường lối đổi mới, trong đó trọng tâm là đổi mới kinh tế, do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6-6,5%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011- 2022, và là mức tăng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại.

"Dự báo năm 2023, tăng trưởng GDP đạt trên 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới"- PGS.TS Vũ Trọng Lâm nhấn mạnh.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, các ý kiến cho rằng, sau nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, ở trong nước, nền kinh tế nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Cụ thể, để hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5%/năm trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 như đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ thì tăng trưởng bình quân 3 năm 2023 - 2025 phải đạt khoảng 7,3%/năm; đây là mức rất cao, đòi hỏi phải có sự quyết tâm rất cao và nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được.

Trên thế giới, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt... Trong nước, thị trường tài chính - tiền tệ, nhất là thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thanh khoản của một số ngân hàng thương mại yếu kém và doanh nghiệp, dự án lớn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm; nợ xấu ngân hàng, nợ thuế Nhà nước có xu hướng tăng… hiện vẫn là những vấn đề lớn có nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục. Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh chuyển đổi số

Tại Diễn đàn, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế cho rằng, để đạt được mục tiêu chung của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII, trước hết cần chủ động phân tích, dự báo diễn biến các thị trường để kịp thời ứng phó phù hợp; tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường từ chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, xăng dầu... nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giải phóng mặt bằng, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai, chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh.

TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã đề xuất các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển đồng bộ các loại thị trường; gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Về định hướng xuất khẩu, ông Dũng đánh giá đây là chính sách lớn bởi giá trị của nền kinh tế Việt Nam có tới 70% là xuất khẩu, và thực tế, Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới, nếu không có chính sách khai thác cân bằng với trong nước, sẽ luôn luôn rủi ro.

"Xuất khẩu ra thị trường thế giới vẫn là định hướng nên giữ, nhưng rõ ràng cần chiến lược để thúc đẩy khai thác thị trường nội địa bởi đây là thị trường rất quan trọng" - ông Dũng nhấn mạnh cần cân đối lại định hướng xuất khẩu.

PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kinh tế Việt Nam) từ Đại hội XIII, không gian phát triển của Việt Nam đã được mở rộng, không bị "đóng cứng" như trước.

Vị chuyên gia kinh tế cho rằng việc vừa điều chỉnh chính sách, vừa giữ vững lập trường đường lối, đó là việc rất khó. "Trong bối cảnh sóng gió và biến động kinh khủng như vậy, bên cạnh việc kiên định những cái "bất biến", Việt Nam vẫn có những cái "ứng vạn biến", mà nhờ vào đó để ứng phó được với khó khăn" - ông Thiên nói.

Nhắc đến việc nhiều tập đoàn công nghệ gần đây vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội và đặt nền móng đầu tư, ông Thiên nhấn mạnh chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận để định hình chiến lược, tìm giải pháp hiệu quả hơn trong nửa nhiệm kỳ sau và nhiệm kỳ tới.

Phát biểu kết luận, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Diễn đàn. Ban Tổ chức kỳ vọng kết quả Diễn đàn sẽ là cơ sở khoa học, thực tiễn quan trọng để các cơ quan liên quan tham khảo để có có những quyết sách, định hướng quản lý, phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tao-dong-luc-moi-cho-phat-trien-nhanh-va-ben-vung.html