Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội
Năm 2022, lĩnh vực khoa học và công nghệ của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Thành lập từ năm 2009, Công ty TNHH Phát triển ong miền núi Thanh Xuân là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, ứng dụng thành công phương pháp nuôi ong nội, cung cấp các sản phẩm từ ong (mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa) ra thị trường. Hiện nay, công ty đang nuôi gần 900 đàn ong, bình quân mỗi năm thu từ 25 - 30 tấn mật ong nguyên chất. Sản phẩm của công ty được kiểm soát chất lượng chặt chẽ theo hệ thống quản lý an toàn thực phẩm IS 22000:2005, đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhận diện thương hiệu và có tem truy xuất nguồn gốc.
Đây cũng là 1 trong 5 doanh nghiệp của tỉnh được cấp giấy chứng nhận là Doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa; Công ty TNHH giống gia cầm Lào Cai; Công ty TNHH Thùy Dung và Công ty Cổ phần Linh Dương cũng được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh.
Không chỉ là cầu nối chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất, các doanh nghiệp này còn tạo ra sản phẩm có giá trị phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đang được tỉnh Lào Cai xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phục vụ phát triển sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã tổ chức và tham gia thành công nhiều hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, thiết bị chuyên ngành, như chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), diễn đàn, hội thảo khởi nghiệp sáng tạo…, đồng thời chủ động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Xuất phát từ mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ đã lựa chọn danh mục đề tài, dự án thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong năm 2022, toàn tỉnh có 52 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh được triển khai. Điển hình có 16 dự án thuộc chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của tỉnh được thực hiện, trong đó tập trung khảo nghiệm, nhân rộng các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản mới có giá trị kinh tế cao, như trà hoa vàng, cây ngân đằng, cà chua Doufo, cải thảo, địa lan, cá chạch, dưa lưới, lạc đen... Kết quả của việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã đem lại hiệu quả. Nhiều hộ trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, chăn nuôi gia cầm giống mới cho hiệu quả kinh tế cao.
Để phát triển các sản phẩm đặc thù sau khi được bảo hộ, Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm và triển khai toàn diện, đa dạng cả về hình thức lẫn nội dung, mang lại hiệu ứng tích cực. Năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nhiều hội thảo hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu dành cho các doanh nghiệp và kỹ năng quản lý thực thi trong sở hữu trí tuệ. Việc phát triển các sản phẩm đặc thù được ngành chức năng, các địa phương triển khai toàn diện, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi khép kín. Hướng tới mục tiêu nâng tầm thương hiệu các mặt hàng nông sản, trong năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã ký kết, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 7 sản phẩm, gồm bò vàng Mường Khương, lợn đen bản địa Văn Bàn, hồng không hạt Bảo Hà (Bảo Yên), nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn Bảo Thắng, cốm Bắc Hà, bánh chưng đen Bắc Hà và cá nước lạnh Văn Bàn. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu với UBND tỉnh cho phép sử dụng địa danh và xác nhận bản đồ sản phẩm trà cổ thụ Tả Củ Tỷ (Bắc Hà); kiểm tra, quản lý tiến độ 11 dự án sở hữu trí tuệ, đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm.
Trong năm vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 1 quyết định về quy định hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh; 5 kế hoạch về các hoạt động thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ; chương trình phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lào Cai…
Nhìn lại năm 2022 cho thấy, để nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nhóm ngành trụ cột như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ - thương mại, ngành chức năng đã tìm hiểu, nắm thông tin các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu, từ đó đề xuất triển khai các hợp phần công việc phù hợp trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, các đề tài triển khai có tính ứng dụng cao, giải quyết được các vấn đề trong sản xuất và cuộc sống.
Ông Bùi Khắc Hiền, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Bước sang năm 2023, ngành khoa học và công nghệ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh hướng trọng tâm và nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ phát triển các sản phẩm đặc thù, chủ lực của tỉnh, có chất lượng tốt, quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực thi quyền sở hữu trí tuệ, ưu tiên đầu tư mở rộng quảng bá, kết nối thị trường, thương mại hóa các sản phẩm đặc thù đã được tỉnh xác lập, lựa chọn.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363480-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te--xa-hoi