Tạo động lực phát triển thị trường vốn

NHNN Việt Nam mới ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD để thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một trong những thay đổi chú ý là quy định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn sẽ được giảm dần về còn 30% theo lộ trình như sau: từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2020 là 40%; từ 1/10/2020 đến hết ngày 30/9/2021 giảm xuống còn 37%; từ 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 giảm xuống 34% và từ ngày 1/10/2022 giảm còn 30%.

Theo các chuyên gia ngân hàng, việc giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn điều cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của các ngân hàng bởi hiện nguồn vốn huy động của các ngân hàng đa phần là ngắn hạn. Quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, thậm chí ở nhiều nước phát triển, tỷ lệ này chỉ ở mức 20%. “Tỷ lệ này càng cao thì rủi ro đối với các ngân hàng cũng tăng lên”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.

Mặc dù quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được áp dụng chung cho mọi khoản vay, chỉ căn cứ trên thời hạn vay; thế nhưng theo các chuyên gia, lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất có thể là bất động sản bởi các khoản vay thuộc lĩnh vực này đa phần đều có kỳ hạn rất dài. Các chủ đầu tư bất động sản quy mô lớn cũng nắm bắt được tinh thần này nên những năm gần đây đã chủ động hơn trong việc huy động vốn trung dài hạn từ thị trường quốc tế và kêu gọi các cổ đông góp vốn để phát triển dự án.

Điển hình, công ty cổ phần bất động sản Sơn Kim, từ đầu năm đến nay đã huy động thành công 121 triệu USD của nhóm nhà đầu tư EXS Capital, ACA Investments và Credit Suisse AG - chi nhánh Singapore (Credit Suisse). Mức độ huy động vốn quốc tế của SonKim Land có xu hướng số vốn đợt sau huy động cao hơn đợt trước, cụ thể năm 2016 nhà phát triển bất động sản cao cấp ở TP.HCM này huy động vốn quốc tế được 46 triệu USD và 2013 là 37 triệu USD.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn - Chủ tịch hội đồng quản trị SonKim Land cho biết: “Thành công của đợt huy động 121 triệu USD trong năm nay đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự phát triển của SonKim Land. Chúng tôi tiếp tục nhận được sự ủng hộ và tin tưởng từ những nhà đầu tư hiện hữu như EXS Capital, ACA Investments và các nhà đầu tư mới gồm Skymont Capital và Credit Suisse - một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới. Từ đó, doanh nghiệp yên tâm mở rộng kinh doanh các dự án bất động sản nhà ở, thương mại, nghỉ dưỡng có quy mô lớn hơn nữa.

Ngoài ra các chủ đầu tư bất động sản trong nước gần đây đang có xu hướng thực hiện các thương vụ M&A đối với nhà đầu tư nước ngoài, như nhà đầu tư Singapore Keppel Land mua 3 lô đất của địa ốc Phú Long (Nhà Bè, TP.HCM) để phát triển căn hộ, trung tâm thương mại và các dịch vụ cao cấp.

Thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại, khi mới đây Tập đoàn quản lý khách sạn toàn cầu Swiss-Belhotel International có trụ sở ở Hồng Kông tiết lộ lên kế hoạch mở rộng danh mục đầu tư tại Việt Nam, với mục tiêu khai trương ít nhất 10 khách sạn và khu nghỉ dưỡng trong 3-4 năm tới. Các điểm đến đang được cân nhắc bao gồm các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng, các điểm đến ven biển như Phú Quốc, Quy Nhơn, vịnh Vân Phong, và các di tích văn hóa như Sapa và Hội An.

Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam thu hút các nhà đầu tư quốc tế bỏ vốn vào. Nguyên lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp ba lần trong 10 năm qua nên nhu cầu khách sạn, căn hộ cho thuê nghỉ dưỡng, làm việc cần nhiều hơn. Đáng chú ý là tháng 10 vừa qua lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt con số kỷ lục 1,5 triệu lượt người, đưa tổng số khách du lịch trong 10 tháng đầu năm nay lên mức 14,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

Thực tế này đã minh chứng thêm cho một nhận định nữa của các chuyên gia: Việc siết chặt hơn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng là động lực để Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn thị trường vốn, khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, từ đó khắc phục hiện tượng mất cân bằng trong hệ thống tài chính. Điều đó một mặt sẽ giúp thị trường tài chính Việt Nam phát triển cân bằng hơn, đồng thời giảm áp lực “gánh” vốn cho hệ thống ngân hàng, qua đó giảm rủi ro cho khu vực ngân hàng.

Đặc biệt, nhiều nghiên cứu các nước tương đồng với Việt Nam cho thấy mức độ giám sát và áp lực minh bạch hóa hoạt động, tuân thủ quy định trên thị trường chứng khoán đối với doanh nghiệp vay vốn là tốt hơn so với vay vốn ngân hàng.

Nam Minh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tao-dong-luc-phat-trien-thi-truong-von-95235.html