Tạo động lực thúc đẩy kinh tế di sản
Sáng nay (21/12), Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh đồng tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn 'Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh'.
Quảng Ninh là một trong những địa phương có đầy đủ địa hình từ biển đảo, biên giới tới đồng bằng, miền núi. Bên cạnh vị trí đặc biệt, Quảng Ninh còn sở hữu khoảng 640 di sản vật thể và 360 di sản phi vật thể, trong đó có hàng chục khu di tích quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà nổi bật nhất là Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới và Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử.
Những năm qua, Quảng Ninh đã tiến hành cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa trên ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa. Kinh nghiệm của Quảng Ninh trong bảo tồn và phát triển các di sản trở thành động lực phát triển là bài học có giá trị đối với các địa phương khác trên cả nước.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh những tiềm năng này mở ra cơ hội giúp Quảng Ninh ghi dấu ấn kỳ tích trong giai đoạn mới; khẳng định vị thế tiên phong, trở thành hình mẫu phát triển tiêu biểu của cả nước.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, từ những vấn đề chung trong yêu cầu phát triển kinh tế di sản đến những cơ hội, thách thức của vấn đề đặt ra trong thực tiễn Quảng Ninh đều có ý nghĩa rất quan trọng để định hình cho một xu hướng phát triển mới mang tính thời đại.
"Tôi đánh giá cao việc hội thảo đã mạnh dạn đặt ra cách tiếp cận về kinh tế di sản, một góc nhìn mới rất thú vị đã cho thấy rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Trước hết là gắn liền với việc khai thác, sử dụng, phát huy các giá trị để không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn bảo tồn và phát huy những giá trị đó một cách bền vững", ông Nguyễn Xuân Thắng nói.
Tại Hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh”, các chuyên gia đã đóng góp cho Quảng Ninh nhiều ý kiến quan trọng, trong đó tập trung tìm các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế chính sách riêng nhằm khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực kinh tế di sản đặc biệt là tận dụng hạ tầng giao thông để xây dựng liên kết vùng di sản tạo thành những sản phẩm du lịch bền vững, gắn chặt với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; từng bước xây dựng nền móng công nghiệp văn hóa giàu bản sắc, phù hợp với kỷ nguyên số hóa.
Tiến sĩ Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng cần đẩy mạnh hiện đại hóa công cụ quản lý di sản, ứng dụng công nghệ (như công nghệ trí tuệ nhân tạo đưa vào hệ thống bảo tàng, phục dựng di sản bằng công nghệ 3D…).
Cùng với đó tiếp tục cập nhật, số hóa hồ sơ di sản trên cơ sở khai thác có hiệu quả các nguồn tư liệu mới phát hiện trong nước và quốc tế được sưu tầm, phổ biến.
"Việc làm giàu hồ sơ di sản văn hóa sẽ góp phần nâng cao được giá trị của di sản và giúp cho việc giáo dục, phổ biến tri thức văn hóa, lịch sử gắn với di sản một cách chân thực hơn, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới", theo ông Phương.
Hội thảo đã góp phần khẳng định tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện đại, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và hành động về phát triển kinh tế di sản - động lực phát triển kinh tế mới cho toàn khu vực.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tao-dong-luc-thuc-day-kinh-te-di-san-post1143692.vov