Tạo đồng thuận, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân
Chúng tôi về xã An Viên (Tiên Lữ) khi xã vừa đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Những con đường trải nhựa phẳng phiu, rộng rãi, ven đường, hoa vươn mình khoe sắc; những ngôi nhà cao tầng khang trang; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây từng bước được nâng cao. Nhân dân phấn khởi, đoàn kết đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng địa phương trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đạt được thành công trên là do cấp ủy, chính quyền xã đã phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhờ đó tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiền, Bí thư Đảng ủy xã An Viên cho biết: Khi có chủ trương đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, chúng tôi đều đưa ra bàn bạc công khai tại các thôn, khi Nhân dân thống nhất mới triển khai thực hiện. Quá trình từ khâu lập kế hoạch, thực hiện, hạch toán kinh phí đến kiểm tra, giám sát đều tổ chức lấy ý kiến và có sự tham gia của Nhân dân. Sau khi hoàn thành, chúng tôi công khai cụ thể từng khoản chi với Nhân dân một cách rõ ràng, minh bạch. Nhờ đó, trong quá trình huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, Nhân dân đồng thuận cao, góp công, góp của với tâm thế vui vẻ.
Hiện nay, cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trong tỉnh luôn chú trọng triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiều nội dung công khai để Nhân dân biết, Nhân dân bàn, tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Nhân dân giám sát được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Thông qua các kỳ họp HÐND, UBND, thông báo trên hệ thống đài truyền thanh, niêm yết tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn, họp dân, qua tiếp xúc cử tri, qua các tổ chức đoàn thể để thông báo trực tiếp đến Nhân dân biết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, công tác an sinh xã hội, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án trên địa bàn…
Tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều tiến bộ. Trong năm 2024, cấp ủy, chính quyền các cấp có 4082 cuộc tiếp công dân; tổ chức 3710 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Qua đó, nhiều vụ việc nổi cộm, phát sinh được giải quyết ngay từ cơ sở.
Ðối với thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện tốt những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết; những việc cán bộ, công chức, viên chức được tham gia ý kiến. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị thường xuyên chỉ đạo và kiểm tra công chức, viên chức trong việc giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân; kịp thời có những biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với những công chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức, cá nhân… Việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đã được 100% thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức. Chất lượng hội nghị ngày càng được nâng cao, các ý kiến, kiến nghị được đưa ra và giải đáp thỏa đáng tại hội nghị. Các công đoàn cơ sở đã kiện toàn và 100% đơn vị bầu Ban Thanh tra nhân dân theo quy định.
Trong các doanh nghiệp, hầu hết các đơn vị đều chú trọng phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, người lao động, từ đó tạo động lực để thúc đẩy doanh nghiệp ngày càng phát triển. Anh Trần Trọng Ðức, công nhân Công ty Cổ phần May Hưng Long 2 (thành phố Hưng Yên) cho biết: Ngoài các cuộc họp, hội nghị người lao động, chúng tôi có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình với các cấp lãnh đạo doanh nghiệp thông qua nhiều kênh thông tin nội bộ của công ty. Hầu hết các kiến nghị của chúng tôi gửi tới ban lãnh đạo công ty đều được tiếp nhận, giải quyết thỏa đáng...
Từ thực tiễn tại các địa phương, cơ sở cho thấy: Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đạt hiệu quả thiết thực; dân chủ đại diện được phát huy, dân chủ trực tiếp được mở rộng; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực ở cơ sở. Cơ chế “Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” tiếp tục được thực hiện đồng bộ, cụ thể hơn.
Trong thời gian tới, để việc thực hiện dân chủ ở cơ sở bảo đảm thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu về dân chủ và thực hành dân chủ. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thực hiện có hiệu quả việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Ban chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; rà soát, bổ sung các văn bản liên quan cho phù hợp với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở của địa phương, đơn vị.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tao-dong-thuan-phat-huy-quyen-lam-chu-cua-nhan-dan-3178393.html