Tạo 'đột phá' cho công nghiệp

Trong những năm qua, sự đóng góp rất lớn của lĩnh vực công nghiệp góp phần để Bình Thuận duy trì được đà tăng trưởng cao. Trong giai đoạn mới, tỉnh đang tiếp tục đề ra nhiều giải pháp tạo 'đột phá' ở lĩnh vực này, trong đó quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tạo

Chỉ số công nghiệp tăng trưởng

Công nghiệp chế biến là ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất của dịch Covid - 19 về nguyên liệu và đơn hàng. 3 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp đã từng bước ổn định sản xuất, có thêm những đơn hàng nên các sản phẩm chủ yếu như: thủy sản khô, đông lạnh, chế biến cao su, nhân hạt điều, sản xuất giày dép… đều tăng so cùng kỳ năm ngoái. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 3.825 tỷ đồng trong tổng số 8.487 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành, tăng 2,2%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này được đánh giá là còn thấp so với cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp khai khoáng vẫn giữ mức tăng trưởng 4,01% đạt 160 tỷ đồng do các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực khai thác khoáng sản đang đẩy mạnh chuẩn bị nguyên liệu cung cấp cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Không chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành sản xuất và phân phối điện giữ tốc độ tăng trưởng nổi bật 9,36% so cùng kỳ, đóng góp 4.420 tỷ đồng. Cùng với đó là các dự án điện gió, điện mặt trời đóng điện vào cuối năm 2020 cũng góp phần làm tăng giá trị ngành điện so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lĩnh vực nhiều năm liền đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng về giá trị tăng thêm của ngành, góp phần khẳng định ngành công nghiệp tiếp tục là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế tỉnh. Nhận định của ông Phạm Quốc Hùng - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: “Trên lĩnh vực công nghiệp, ngành sản xuất và phân phối điện thời gian đến sẽ không còn phát sinh tăng đột biến do hiện nay các nhà máy nhiệt điện lớn đã đi vào hoạt động, chỉ còn các nhà máy phong điện, điện mặt trời đóng góp vào chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp không nhiều, cần phải tập trung cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo”.

Thúc đẩy công nghiệp chế biến sản phẩm chủ lực

Theo Sở Công Thương tỉnh, ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản của tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm lợi thế như: Thanh long, cao su, hạt điều, đồ gỗ, hải sản đông lạnh -khô các loại… Thời gian qua, đã có một số cơ sở tham gia chế biến sản phẩm từ nguyên liệu nông sản như: Chế biến nhân hạt điều rang muối, sản phẩm thanh long sấy khô, thanh long sấy dẻo, rượu vang, nước ép, si rô chế biến từ thanh long... có mặt trên thị trường và được đón nhận.

Sản phẩm nước ép thanh long ở Tân Lập, Hàm Thuận Nam

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có thêm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản nổi tiếng nào, ngoài nước mắm. Bình Thuận với ngư trường rộng 52.000 km2, sản lượng khai thác hải sản năm 2020 ước đạt 222.000 tấn, sản lượng thanh long hơn 640.000 tấn/năm, đây là nguồn nguyên liệu đầu vào rất dồi dào cho ngành chế biến nhưng việc bán hàng chưa qua chế biến chiếm tỷ trọng lớn. Đây cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo tỉnh phải làm sao thời gian tới sẽ có thêm những sản phẩm nông, thủy sản cá - tôm đóng hộp; bánh, kẹo, nước uống chế biến từ nông sản, trái thanh long với nhãn hiệu “Made in Bình Thuận” trên kệ hàng các hệ thống siêu thị.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã xác định: Công nghiệp là 1 trong 3 trụ cột quan trọng để tập trung phát triển gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị. Thời gian tới, tỉnh quyết tâm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt hải sản theo hướng tạo ra chuỗi giá trị, gắn trồng trọt, chăn nuôi, khai thác với chế biến. Ngoài ra, địa phương sẽ liên kết với các vùng để các sản phẩm của tỉnh có vị trí, chỗ đứng trên thị trường.

Sở Công Thương đã đề ra một số giải pháp tạo động lực tăng trưởng mới trong năm 2021 trên lĩnh vực công nghiệp chế biến là triển khai các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, công nghiệp chế biến theo hướng tăng sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị tăng cao, nhất là chế biến nông, lâm, thủy sản và các sản phẩm lợi thế của tỉnh. Song song đó, đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đảm bảo hạ tầng thiết yếu và mặt bằng để thu hút dự án đầu tư đối với các khu công nghiệp, thu hút các dự án công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đón làn sóng dịch chuyển dự án đầu tư nước ngoài.

Thanh Duyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/tao-dot-pha-cho-cong-nghiep-136402.html