Tạo đột phá cho ngành cơ khí
Theo Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam, nhiều DN cơ khí có năng lực tốt tại một số lĩnh vực như khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa...
Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho thấy, thời gian qua, một số sản phẩm cơ khí được sản xuất đạt chất lượng tốt, tương đương với chất lượng sản phẩm của một số quốc gia trong khu vực. Hiện, doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí trong nước có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật... Thêm vào đó, nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ rất lớn nên nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.
Hiện, linh kiện kim loại sản xuất trong nước đã đáp ứng được 85 - 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15 - 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ôtô (tùy chủng loại xe), khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và 40 - 60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng. Cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Trong nước, đã có những doanh nghiệp tiên phong phát triển công nghiệp hỗ trợ như Công ty Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải - Thaco Industries tại Khu công nghiệp Thaco Chu Lai, Quảng Nam. Thaco Industries sản xuất rất nhiều sản phẩm cơ khí phục vụ cuộc sống như máy móc nông nghiệp, đường ống cấp thoát nước, bồn chứa nước, linh kiện và phụ tùng ôtô... Những sản phẩm đó đã giúp Thaco Industries đạt doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm và tăng trưởng liên tục trong các năm gần đây.
Mặc dù có chuyển biến tích cực, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Đại diện Công ty Kỹ thuật ASG Việt Nam lấy ví dụ, để làm ra đầu van 1 chiều cho máy ép nhựa dùng để sản xuất linh kiện ôtô - xe máy, doanh nghiệp phải nhập khẩu 100% các nguyên liệu thép. Với điểm yếu về nguyên liệu, nhiều DN buộc phải nhập khẩu máy móc nguyên chiếc về để bán vì nếu sản xuất ở Việt Nam, vẫn phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài, khiến chi phí giá thành lên cao, khó cạnh tranh.
Để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, cần có chương trình hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành; ưu đãi cho công ty công nghiệp hỗ trợ cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về tài chính… Đồng thời, giúp doanh nghiệp thêm điều kiện tiếp cận công nghệ mới; xem xét việc bình đẳng các ưu đãi đầu tư giữa doanh nghiệp cơ khí trong nước và doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, nhà nước cũng nên tạo nhiều đơn hàng, trong đó, có đơn hàng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nhất là các dự án đầu tư công.
Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam để hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh, nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất linh kiện cơ khí phát triển, nhà nước cần có chính sách mạnh mẽ khuyến khích phát triển sản xuất các loại vật liệu chế tạo; lựa chọn phát triển có trọng điểm các ngành hạ nguồn đi kèm với khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ cho những lĩnh vực đó.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó, có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác, cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tao-dot-pha-cho-nganh-co-khi-264186.html