Tạo đột phá cho phát triển không gian ngầm đô thị
Theo nhiều chuyên gia, việc triển khai các không gian dưới lòng đất (không gian ngầm) còn rất chậm, xa với nhu cầu hiện hữu.
Điều này dẫn đến sự cấp thiết của những chiến lược mới cho sự phát triển của không gian ngầm.
Chưa được quan tâm trong đồ án quy hoạch
Chia sẻ tại Hội thảo "Ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng công trình ngầm đô thị" tổ chức ngày 15/6, ông Đỗ Quốc Khánh - Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, sự phát triển không gian ngầm đô thị có vai trò rất lớn nhằm giảm thiểu áp lực hạ tầng, sự quá tải trong khu vực đô thị trung tâm.
Việc khai thác, sử dụng hợp lý còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của đô thị nói chung. Tuy nhiên, thực trạng sử dụng không gian ngầm đô thị tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu, chưa tương xứng cả về số lượng lẫn chất lượng với mức độ phát triển, đặc biệt tại các đô thị lớn.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, TP đã đặt ra các chỉ tiêu hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, thông tin tại các khu vực phát triển đô thị, tuyến đường cải tạo, xây dựng mới. Đồng thời tiếp tục triển khai hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực tại khoảng 300 tuyến phố. TP tập trung nguồn lực, ưu tiên huy động nguồn vốn DN (xã hội hóa) để hoàn thành hạ ngầm đồng bộ các đường dây, cáp viễn thông và điện lực treo tại 45 tuyến phố còn lại trong khu vực 4 quận nội đô lịch sử.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch không gian ngầm chưa thực sự được chú ý trong các đồ án quy hoạch đô thị (mức độ tổng hợp đường dây, ống ngầm, chưa chú trọng gắn kết khai thác không gian ngầm với không gian trên mặt đất phục vụ phát triển đô thị). Hiện nay cả nước chỉ có TP Hà Nội đã phê duyệt đồ án "Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050".
Trong công tác đầu tư xây dựng, chưa có công trình công cộng ngầm xây dựng độc lập. Các công trình giao thông ngầm có số lượng ít hầm chui cho xe cơ giới, hầm chui cho người đi bộ được xây dựng; đường sắt đô thị tuyến số 3 tại Hà Nội dài 12,5km (4km ngầm); tuyến số 1 tại TP Hồ Chí Minh với 2,6km ngầm đang được xây dựng...
"Nhu cầu phát triển không gian ngầm theo quy hoạch đô thị rất cao, đặc biệt là phát triển hệ thống tàu điện ngầm tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là công tác hạ ngầm đường dây, đường ống trong các khu vực đô thị trung tâm; hệ thống các đường ống cấp nước, thoát nước quy mô lớn..." - ông Đỗ Quốc Khánh cho hay.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tại, hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý và phát triển không gian ngầm đô thị vẫn còn một số thiếu sót, không phù hợp với tình hình phát triển trong giai đoạn hiện tại và tương lai của các đô thị ở Việt Nam.
Việc triển khai các không gian ngầm vẫn còn rất chậm. Ví dụ như TP Hà Nội đã lên kế hoạch cho 8 làn đường sắt Metro, với khoảng 70% đi ngầm nhưng hiện tại chỉ có 1 tuyến với hầm ngầm đang trong quá trình xây dựng. Tình hình tương tự cũng đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh khi chỉ mới gần hoàn thiện 1/7 tuyến theo quy hoạch.
Tăng cường cải thiện cơ chế, chính sách
Nhiều chuyên gia về lĩnh vực quy hoạch nhìn nhận, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các văn bản pháp lý về quản lý không gian ngầm như xây dựng luật về quản lý không gian ngầm; bổ sung nội dung quy hoạch không gian ngầm trong Luật Quy hoạch đô thị và các hướng dẫn luật; sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn quản lý sử dụng đất dưới lòng đất trong Luật Đất đai...
Cùng với đó, cần hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật có liên quan đến quy hoạch, thi công xây dựng, bảo trì công trình ngầm; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công trình ngầm, cơ sở dữ liệu cấu trúc nền địa chất đô thị phục vụ xây dụng công trình ngầm...
Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ đào mới nhằm giảm độ ồn, đảm bảo vệ sinh môi trường, giao thông. Hiện tại nhiều công trình đang áp dụng 2 biện pháp thi công hầm bằng khiên đào (TBM) và khoan kích ống ngầm (pipe jacking), được đánh giá đặc biệt phù hợp các công trình phải đào ngầm sâu (từ 6m trở xuống), khi mà công nghệ đào hở không thể thực hiện được.
Giám đốc điều hành Huyndai E&C Park Young-ill cho biết, DN đang triển khai dự án thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội và hiện tại đang chịu trách nhiệm cho 4km đoạn ngầm với 4 ga.
Đây là tuyến Metro được khởi công vào tháng 2/2017 và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2027. Về biện pháp thi công, ông Park Young-ill chia sẻ, là sự kết hợp giữa công nghệ thi công tường vây (Diaphragm Wall) và thi công hầm bằng khiên đào (TBM) nhằm đảm bảo sự chắc chắn, giảm tiếng ồn, không tạo ra dư chấn, không ảnh hưởng đến công trình xung quanh, giao thông.
"Công nghệ TBM mỗi ngày có thể đào và lắp vỏ bê tông trung bình từ 10 - 20m/ngày trong đất yếu và 50 - 100m/ngày trong địa chất là đá. Đó là chưa kể đến những ưu điểm khác như ít làm ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế cao khi công trình được đưa vào sử dụng nhanh hơn. Máy TBM đào đất, đá và lắp vỏ hầm theo một chu trình được kiểm soát nghiêm ngặt, khi thi công hầm bằng TBM thì trên mặt đất xe cộ vẫn chạy bình thường" - ông Park Young-ill cho hay.
Phát triển không gian ngầm đô thị là nhu cầu tất yếu trong quá trình đô thị hóa. Điều này đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, DN nhằm tăng năng lực công nghệ và tài chính để thực hiện các dự án xây dựng đô thị ngầm, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tao-dot-pha-cho-phat-trien-khong-gian-ngam-do-thi.html