Tạo đột phá mới

Kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản 8 tháng năm 2019 đạt 26,58 tỷ USD, tăng 1,6% cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính (gạo, sắn, cà phê, rau quả) ước đạt 12,41 tỷ USD, giảm 8,3% so cùng kỳ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, xuất khẩu nông, thủy sản (NTS) từ nay đến cuối năm sẽ còn đối mặt nhiều thách thức, khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ. Theo đó, mục tiêu xuất khẩu nông sản ước đạt 43 tỷ USD rất khó khả thi. Thậm chí, nếu không thích ứng và chuyển đổi kịp thời trong cơ cấu ngành hàng, phương thức sản xuất, xuất khẩu thì nhóm hàng tiềm năng của Việt Nam sẽ đánh mất thị trường trong dài hạn.

Không khó nhận ra thách thức chính đối với xuất khẩu NTS của Việt Nam chính là sự thay đổi chính sách ở các thị trường.

Đơn cử, Hiệp định Thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu (EVFTA) mở ra cơ hội lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng đến nay, quá trình đàm phán về công nhận lẫn nhau các bảo hộ sở hữu trí tuệ NTS giữa Việt Nam và EU vẫn chưa kết thúc.

Danh sách hơn 40 nông sản Chỉ dẫn địa lý, tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang trong quá trình chờ đợi để có thể xuất khẩu vào châu Âu. Kể từ ngày 1-9-2019, Ủy ban châu Âu (EC) còn yêu cầu kiểm dịch thực vật chặt chẽ đối với nhiều loại NTS nhập khẩu từ các nước bên ngoài EU, trong đó có Việt Nam.

Ngay cả Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu NTS lớn của Việt Nam cũng đang chuyển mạnh từ chỗ tổng hợp nhiều hình thức xuất nhập khẩu thành một hình thức duy nhất là xuất nhập khẩu chính ngạch, từ ngày 1-6-2019. Các tiêu chí nhập khẩu được đặt ra theo hướng nghiêm ngặt hơn về kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm... Từ ngày 1-10-2019, Trung Quốc bắt đầu áp dụng quy định quản lý, giám sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói sẵn xuất, nhập khẩu của Trung Quốc.

Rõ ràng, ngành nông nghiệp phải sớm thích ứng với xu thế chung toàn cầu, khi nhiều nước đang áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, nuôi trồng nhiều mặt hàng NTS mà Việt Nam có thế mạnh. Nhiều nước giảm nhập khẩu, hoặc dựng những hàng rào kỹ thuật để bảo hộ trong nước, gây khó cho hàng hóa từ Việt Nam. Áp lực cạnh tranh dự báo sẽ ngày càng khốc liệt hơn...

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, vượt qua những thách thức trên chính là cơ hội để nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, từ đó có thể xác lập được vị thế tại những thị trường đòi hỏi cao, tiềm năng lớn.

Mặt hàng rau quả hoàn toàn đủ khả năng giữ thị trường truyền thống và thâm nhập hiệu quả vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ... nếu đáp ứng được các quy định về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng cũng như các quy định kiểm dịch thực vật...

Muốn nắm bắt được cơ hội sẽ cần phải có chiến lược phát triển ngắn, trung và dài hạn một cách hợp lý.

Để tiếp tục nâng cao, uy tín hàng NTS của Việt Nam và xuất khẩu vào nhiều quốc gia trên thế giới. Trước mắt, các địa phương, doanh nghiệp và người nông dân phải sớm thích nghi, chủ động nắm bắt trước nhu cầu của thị trường để tháo gỡ được các nút thắt trong xuất khẩu.

Về lâu dài, để xuất khẩu NTS ổn định, các doanh xuất khẩu cần nâng cao trình độ chuyên nghiệp hóa và đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa các chuỗi giá trị nông sản.

Muốn giảm rủi ro về thị trường, gia tăng giá trị hàng hóa, cần có giải pháp thúc đẩy chế biến, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ xuất khẩu; tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp chế biến với các vùng sản xuất quy mô. Đặc biệt, Nhà nước cần xây dựng chiến lược phát triển các dịch vụ phụ trợ như hệ thống bảo quản, kho vận lạnh chuyên nghiệp, logictics...

Chúng ta có lợi thế về giống, về điều kiện địa lý, chỉ cần những bước đi đúng sẽ giúp cho NTS Việt Nam xác lập được vị thế của mình trên thị trường thế giới.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tao-dot-pha-moi/