Tạo đột phá phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Ngày 22-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về 'Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam'. Đây là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.

Đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.

Công nghiệp văn hóa đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế trong phát triển công nghiệp văn hóa, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam; kinh nghiệm của các nước; đề xuất những giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.

Hội nghị đánh giá, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong giai đoạn năm 2018 -2022, giá trị sản xuất ngành công nghiệp văn hóa ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).

Tuy nhiên, các ngành công nghiệp văn hóa còn những khó khăn, hạn chế như: Chưa có khung pháp lý, cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp để phát triển công nghiệp văn hóa; nguồn lực đầu tư còn dàn trải; nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ chưa tập trung khai thác các giá trị truyền thống, văn hóa bản địa; tình trạng vi phạm bản quyền…

Nguyên nhân được nhiều đại biểu phân tích: công tác quản lý, cơ chế chính sách, đầu tư, vai trò dẫn dắt… của Nhà nước đối với ngành công nghiệp văn hóa chưa được như các ngành kinh tế khác; Việt Nam có kho tàng văn hóa bản địa đồ sộ và vô giá, song nền móng này chưa được khai thác, phát huy… Vì thế cần có cơ chế chính sách, giải pháp, đào tạo nguồn nhân lực và liên kết phát huy giá trị truyền thống, tạo một làn sóng sáng tạo và kết nối toàn cầu xây dựng, quảng bá công nghiệp văn hóa Việt Nam trên toàn thế giới...

Kết luận hội nghị, nhắc lại nội dung các nghị quyết, chiến lược liên quan phát triển ngành công nghiệp văn hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, công nghiệp văn hóa Việt Nam bước đầu phát triển và đạt được một số kết quả đáng khích lệ, một số lĩnh vực dần vươn lên trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm; đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, công nghiệp văn hóa chưa phát triển tương xứng tiềm năng. Công nghiệp văn hóa là phạm trù rộng, tuy nhiên, chưa quy định rõ vai trò quản lý Nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn đối với một số lĩnh vực trong ngành công nghiệp văn hóa; cơ chế phối hợp thiếu đồng bộ; thể chế, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa chưa theo kịp thực tiễn; nguồn lực đầu tư cho công nghiệp văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải; nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn hạn chế;nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…

Sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững

Nêu rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm; phân tích bối cảnh tình hình, thách thức đặt ra đối với các ngành công nghiệp văn hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, đa dạng, có bản sắc riêng và điều kiện thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú và thị trường quy mô lớn; đặc biệt cộng đồng 54 dân tộc có bản sắc độc đáo, trong tổng thể văn hóa Việt Nam; những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong gần 40 năm đổi mới tạo những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có ngành công nghiệp văn hóa; Việt Nam đã và đang đẩy mạnh quá trình hội nhập sâu rộng về nhiều mặt tạo điều kiện, cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có công nghiệp văn hóa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị.

Người đứng đầu Chính phủ quán triệt 6 quan điểm trong phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, phát triển công nghiệp văn hóa phải góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; kết nối các hoạt động sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật với sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hài hòa; dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, có tính cạnh tranh cao, đồng thời đa dạng hóa, liên kết đa ngành, đa lĩnh vực; phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường và xu thế của thời đại.

Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn liền với việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa phải đảm bảo đáp ứng được các yếu tố "sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững", trên nền tảng "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng"; từng bước tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp lớn hơn vào GDP.

Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa

Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương phối hợp nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó có các chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa gắn với thực hiện chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa có tiềm năng xuất khẩu.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Chỉ đạo một số nội dung về các chính sách đầu tư, khai thác, hỗ trợ phát triển nghề thủ công mỹ nghệ, nghề, làng nghề, chương trình OCOP, kiến trúc; triển khai hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết; đầu tư, khai thác, hỗ trợ phát triển ngành phần mềm và các trò chơi giải trí; đưa các giá trị văn hóa truyền thống, nghệ thuật, lịch sử Việt Nam vào phần mềm ứng dụng tương tác… Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các hiệp hội phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động, làm giàu chính đáng, tuân thủ đúng pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Phạm Tiếp

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/tao-dot-pha-phat-trien-nganh-cong-nghiep-van-hoa-post288420.html