Tạo đột phá trong cải cách hành chính

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành cùng sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2015-2020 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, được các bộ, ngành Trung ương đánh giá có những cải thiện vượt bậc về Chỉ số CCHC. Năm 2019, tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 14 trong cả nước về Chỉ số CCHC, tăng 40 bậc so với năm 2016. Sự đột phá về CCHC thực sự là 'thuốc tăng lực' trong công tác quản lý Nhà nước về các lĩnh vực và tạo nội lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển…

T.P Thái Nguyên vừa đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại trụ sở UBND Thành phố. Ảnh: L.K

T.P Thái Nguyên vừa đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại trụ sở UBND Thành phố. Ảnh: L.K

Với quyết tâm thay đổi trong công tác quản lý, điều hành, triển khai toàn diện các nhiệm vụ của cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh, thời gian qua, công tác CCHC đã trở thành vấn đề “nóng” trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, xác định CCHC là một trong những khâu đột phá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, UBND tỉnh đã kịp thời xây dựng, ban hành Đề án CCHC giai đoạn 2016-2020, thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo nâng cao Chỉ số CCHC, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động này (tổng nguồn kinh phí đã chi cho công tác CCHC giai đoạn 2015-2020 là trên 300 tỷ đồng).

Hàng năm, UBND tỉnh đều xây dựng kế hoạch thực hiện CCHC và xây dựng các kế hoạch tuyên truyền, kiểm tra; triển khai thực hiện chỉ số đánh giá CCHC các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã (bình quân mỗi năm, UBND kiểm tra 20 đơn vị, địa phương về thực hiện công tác CCHC). UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương, góp phần hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách pháp luật (trong nhiệm kỳ, các cấp trong tỉnh đã rà soát được 7.043 văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị xử lý 566 văn bản). Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý Nhà nước đã đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần thay đổi diện mạo nền hành chính. Nhất là việc khai thác, sử dụng các phần mềm quản lý văn bản đi, đến qua hệ thống văn bản điện tử của tỉnh có hiệu quả rất rõ rệt...

Đặc biệt, UBND tỉnh đã xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những khâu đột phá góp phần quan trọng đẩy mạnh CCHC, từ đó chỉ đạo các cấp, ngành trong tỉnh tập trung rà soát, đơn giản hóa các TTHC theo hướng tinh gọn, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh. Đến nay, tỉnh đã cung cấp được 571 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông giải quyết TTHC tiếp tục được thực hiện có nền nếp, chất lượng trong toàn tỉnh (trong nhiệm kỳ, cơ quan hành chính các cấp của tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết đúng hạn trên 7,8 triệu hồ sơ TTHC). Việc đánh giá, xác định Chỉ số CCHC đối với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh có hiệu quả tác động mạnh mẽ trong triển khai thực hiện CCHC; trách nhiệm của người đứng đầu; của đội ngũ cán bộ, công chức làm CCHC tại các đơn vị, địa phương được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu thời gian đi lại cho tổ chức và cá nhân, từng bước tạo sự hài lòng của người dân.

Với nỗ lực đó nên Chỉ số CCHC tỉnh tiếp tục được cải thiện về thứ hạng, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trong tỉnh đạt mức cao. Nhiều đơn vị, địa phương trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực trong công tác CCHC, như các sở: Khoa học - Công nghệ, Công Thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cùng các địa phương: T.P Sông Công, T.X Phổ Yên, huyện Võ Nhai...

Trong giai đoạn 2015-2020, lần đầu tiên tỉnh ta tổ chức khảo sát sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công. Trong ảnh: Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên tiến hành khám sàng lọc cho những người thuộc nhóm nguy cơ dễ mắc bệnh lao tại Trạm Y tế xã Động Đạt, huyện Phú Lương (tháng 9-2020). Ảnh: P.T

Bộ máy các cơ quan, đơn vị trong tỉnh được hoàn thiện, sắp xếp ngày càng tinh gọn, tránh chồng chéo, thực hiện tinh giản biên chế có hiệu quả. Đến hết quý III-2020, toàn tỉnh đã giảm được 100 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 7 phòng thuộc sở, 2 chi cục thuộc sở, 8 phòng thuộc chi cục, giảm được 696 xóm, tổ dân phố, giảm 2 xã và giảm được 2.055 biên chế. Cùng với đó, tỉnh không ngừng đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh ngày càng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh có hiệu quả, đảm bảo tiết kiệm chi công và tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động...

Có thể nói, các nhiệm vụ lớn trong công tác CCHC của tỉnh giai đoạn 2015-2020 đều đã đạt được những kết quả ấn tượng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiểu quả hoạt động của cơ quan hành chính, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ. Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh triển khai thực hiện công tác CCHC ở mức độ cao hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Văn Hiến

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/tao-dot-pha-trong-cai-cach-hanh-chinh-275591-205.html