Tạo đột phá trong công tác xây dựng pháp luật
Chú trọng chất lượng và tiến độ của công tác góp ý kiến tham gia đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đây là những giải pháp thiết thực để xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện, minh bạch, hiệu quả, từ đó góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Khi đó pháp luật mới trở thành công cụ hữu hiệu trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội và quản lý nhà nước, góp phần hoàn thiện thể chế và chống lãng phí. Để làm được điều này, trong quá trình xây dựng pháp luật cần phải tôn trọng và bảo đảm nguyên tắc dân chủ.
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” - nội dung này đã được khẳng định trong Hiến pháp. Từ khi thành lập nước cho đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Chính vì vậy tại Điều 28, Hiến pháp nêu rõ “công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội”, và “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội”.
Trong hoạt động xây dựng pháp luật, sự tham gia đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân chính là biểu hiện sinh động của việc người dân tham gia quản lý nhà nước, phát huy quyền làm chủ. Do đó tại Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Theo đó người dân được tạo điều kiện tối đa để tham gia một cách thực chất và hiệu quả vào quá trình thảo luận, đóng góp ý kiến các dự thảo luật.
Thực tế cho thấy việc phát huy trí tuệ, trách nhiệm của người dân trong hoạt động xây dựng pháp luật đã mang lại những lợi ích to lớn. Trước hết người dân được tạo điều kiện để tiếp cận và hiểu được nội dung các quy định của pháp luật, trực tiếp tham gia phổ biến, tuyên truyền pháp luật, đồng thời phát huy được trí tuệ trong quần chúng nhân dân vào hoạt động xây dựng pháp luật, góp phần giúp các quy định pháp luật trở nên gần gũi hơn với cuộc sống.
Về phía các cơ quan xây dựng pháp luật, thông qua ý kiến đóng góp của người dân sẽ có thêm thông tin đa chiều để trên cơ sở đó đưa ra những quy định phù hợp với tâm tư nguyện vọng, lợi ích của đa số quần chúng nhân dân. Có như vậy, văn bản sẽ dễ dàng đi vào cuộc sống, niềm tin của nhân dân đối với chính quyền sẽ được củng cố. Nhất là với những dự thảo luật liên quan trực tiếp đến các nhóm đối tượng cụ thể, các nhà làm luật càng cần lắng nghe những ý kiến đóng góp của họ, trên cơ sở đó hoàn thiện các văn bản pháp luật cho “đúng và trúng” với đòi hỏi của thực tiễn.
Hiện nay có nhiều hình thức khác nhau để người dân bày tỏ ý chí, nguyện vọng của mình vào công tác xây dựng pháp luật như thông qua hình thức đại diện: Người dân lựa chọn người/tổ chức đại diện cho mình tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật. Đồng thời người dân có thể tham gia góp ý trực tiếp tại các hội nghị, gửi thư điện tử tới cơ quan chức năng, gửi ý kiến tới các cơ quan báo chí, bỏ phiếu trực tuyến, tham gia các hoạt động thăm dò dư luận.
Một thí dụ tiêu biểu thời gian qua đó là sự tham gia đông đảo, tích cực của các tầng lớp nhân dân góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ, đúng tiến độ, bám sát văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Kế hoạch của Chính phủ cũng như các văn bản chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền. Số liệu tổng hợp của cơ quan chức năng cho thấy đã có 12.107.457 lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai; trong đó nhóm ý kiến tập hợp về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 8.363.162 lượt ý kiến; tập hợp về các bộ, ngành, cơ quan Trung ương có 2.771 lượt ý kiến; các tổ chức và cá nhân góp ý qua cổng thông tin điện tử Chính phủ và qua website của Bộ Tài nguyên và Môi trường có 9.947 lượt ý kiến,…
Các đối tượng được lấy ý kiến đã phát huy tốt quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận đối với nội dung sửa đổi Luật Đất đai. Đây là cơ sở quan trọng giúp Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được ban hành đã nhanh chóng đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả.
Thí dụ trên đây cho thấy quá trình xây dựng pháp luật, nếu thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, chú trọng triển khai bài bản việc lấy ý kiến, sự tham vấn của các chuyên gia, các tổ chức pháp lý, xã hội, người dân và doanh nghiệp sẽ mang lại ý nghĩa và tác dụng to lớn. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến góp ý, các cơ quan chủ trì soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật rà soát, kịp thời phát hiện các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý, không phù hợp với tình hình thực tiễn để đề xuất hướng giải quyết.
Nhằm làm tốt hơn nữa công tác lấy ý kiến nhân dân trong quá trình xây dựng pháp luật, thời gian qua cơ quan chức năng đã có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức, xử lý, sử dụng thông tin của việc lấy ý kiến góp ý, phản biện chính sách và pháp luật từ đó góp phần nâng cao chất lượng soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Việc lấy ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân được đề xuất thực hiện ngay từ khâu xây dựng chính sách chứ không chỉ góp ý vào các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời đối với nhóm đối tượng chịu sự tác động của văn bản quy phạm pháp luật cũng được các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tham vấn, lấy ý kiến từ sớm.
Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn tình trạng nóng vội, “chạy theo tiến độ” cho nên một số dự thảo luật hoàn thành vội vàng, chưa bảo đảm chất lượng, việc thực hiện nguyên tắc dân chủ trong lấy ý kiến của quần chúng nhân dân có lúc có nơi chưa hiệu quả. Ở một số cơ quan, đơn vị, việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức lấy ý kiến chưa thực sự được quan tâm, thay vì nhấn mạnh nội dung trọng tâm của văn bản cần được lấy ý kiến thì chỉ đưa ra những gợi ý chung chung đến các đối tượng khiến việc góp ý lan man, không đi vào trọng tâm cho nên hiệu quả không cao.
Hoặc việc chậm triển khai lấy ý kiến tại một số nơi dẫn đến thời gian lấy ý kiến quá ngắn vì vậy kết quả thu lại không cao. Đây cũng là một biểu hiện của sự lãng phí: Lãng phí thời gian, công sức của nhân dân, lãng phí các nguồn lực của Nhà nước. Đồng thời đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chất lượng một số dự thảo Luật chưa đạt yêu cầu nên đã phải kéo dài thời gian chuẩn bị so với dự kiến để tiếp tục hoàn thiện.
Có thể thấy trong nhiều kỳ họp Quốc hội, người đứng đầu Quốc hội thường xuyên đề nghị lãnh đạo các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các vị đại biểu Quốc hội trong xây dựng pháp luật, cần phải ưu tiên cao nhất cho chất lượng, không chạy theo số lượng, dẫn đến tình trạng “đến phút bù giờ vẫn phải bỏ lại”. Những thí dụ nêu trên phần nào cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó việc giữ vững nguyên tắc dân chủ là yêu cầu có tính bắt buộc.
Nhằm thực hiện âm mưu chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc việc lấy ý kiến đóng góp của các quần chúng nhân dân vào các dự thảo luật từ đó bôi nhọ, công kích đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Như việc cho rằng việc lấy ý kiến chỉ là hình thức, không có giá trị, tạo cơ hội để các nhóm lợi ích cài cắm, điều chỉnh nội dung dự thảo luật nhằm bảo vệ quyền lợi của mình; Việt Nam có sửa đổi luật nhiều lần thì cũng chỉ là hoạt động kém hiệu quả, không thực tiễn, do vậy các quy định pháp luật của Việt Nam thường xuyên phải sửa đổi.
Song song đó, các đối tượng chống phá tăng cường sử dụng mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, mượn cớ đóng góp ý kiến, dùng tài khoản ảo để tham gia bình luận, đưa ra những nhận định phiến diện chủ quan, lan truyền những thông tin sai sự thật liên quan đến dự thảo luật đang được lấy ý kiến để tạo cái nhìn tiêu cực, lệch lạc, gây chia rẽ trong quần chúng nhân dân. Từ đó các đối tượng kích động người dân không tham gia góp ý, bất hợp tác, không tin tưởng vào việc lấy ý kiến xây dựng luật.
Cá biệt có người bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo, thậm chí chỉ vì “thù lao” vài trăm nghìn đồng đã tham gia tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự xã hội, tấn công lực lượng chức năng, đốt phá tài sản nhà nước với lý do là “phản đối dự luật”, “thực hiện quyền làm chủ”... Các trường hợp này đã bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật, qua đây cũng là lời răn đe đối với các phần tử chống đối cũng như cảnh tỉnh kịp thời những người dân nhẹ dạ, cả tin, vì lợi ích của bản thân mà sẵn sàng chà đạp lên lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Thời gian tới, việc thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân thông qua hoạt động xây dựng pháp luật, thực hiện nguyên tắc dân chủ cần phải được đẩy mạnh, bảo đảm yêu cầu tuân thủ đúng quy định, hướng đến lợi ích chung của toàn xã hội, vì sự phát triển của đất nước.
Các cơ quan liên quan cần chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và các đối tượng liên quan của các quy định trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đa dạng hóa cách thức tổ chức lấy ý kiến góp ý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong việc tiếp nhận ý kiến đóng góp; tăng cường hoạt động tham vấn, huy động sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, thực sự cầu thị trong việc tiếp thu những ý kiến góp ý, thẩm định để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.
Chú trọng chất lượng và tiến độ của công tác góp ý kiến tham gia đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đây là những giải pháp thiết thực để xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện, minh bạch, hiệu quả, từ đó góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-dot-pha-trong-cong-tac-xay-dung-phap-luat-post851555.html