Tạo đột phá trong nghiên cứu phát triển y học quân sự
Những năm qua, các thầy thuốc quân y-những 'chiến sĩ áo trắng', luôn khẳng định, tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học (NCKH) y học. Kết quả của những công trình khoa học y học đã góp phần quan trọng khẳng định vị thế của ngành y Việt Nam trong khu vực và thế giới. Đây là kết quả lao động nghiêm túc, sáng tạo của Bộ đội Cụ Hồ, thể hiện các bước đột phá mang tầm chiến lược trong NCKH, phát triển y học phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội, nhân dân.
Gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn
Từ đầu năm 2020 đến nay, thế giới chao đảo trước đại dịch Covid-19 với hơn 23,3 triệu ca nhiễm và hơn 800.000 trường hợp tử vong. Ngay từ những ngày đầu xảy ra dịch bệnh, các tổ chức, các nhà khoa học trên toàn thế giới đã tập trung tìm phương pháp chẩn đoán, phát hiện bệnh, tiến tới nghiên cứu thuốc điều trị và vaccine dự phòng. Nhận nhiệm vụ trên giao, đầu năm 2020, trong thời gian chưa đầy một tháng, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y (HVQY) đã nghiên cứu thành công bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus SARS-CoV-2 gây Covid-19.
Đây là sản phẩm thuộc Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)”. Đến nay, bộ sinh phẩm đã được sản xuất rộng rãi phục vụ công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 trong nước, đồng thời được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Sản phẩm này thêm một lần nữa khẳng định trình độ, năng lực NCKH của ngành quân y và các thầy thuốc quân đội.
Không chỉ có bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2, nhìn lại các mốc son của ngành quân y, chúng ta có quyền tự hào về những chiến công của ngành. Chỉ riêng trong lĩnh vực ghép tạng ở HVQY, Đại tá, PGS, TS Nguyễn Tùng Linh, Trưởng phòng Khoa học quân sự, HVQY, khẳng định: "Tất cả các ca ghép tạng đầu tiên tại Việt Nam đều do HVQY tiến hành và gắn với các công trình NCKH: Ca ghép thận trên người đầu tiên tại Việt Nam gắn với dự án ghép thận trên người; ca ghép gan đầu tiên trên người tại Việt Nam gắn với công trình khoa học “Nghiên cứu ghép gan thực nghiệm từ nguồn cho chết não và triển khai ghép gan trên người”; ca ghép tim đầu tiên trên người từ người cho chết não tại Việt Nam gắn với công trình khoa học “Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não”; ca ghép tụy-thận đầu tiên trên người từ người cho chết não tại Việt Nam gắn với công trình khoa học “Nghiên cứu triển khai ghép đồng thời tụy, thận từ người cho chết não”; ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên gắn với công trình khoa học “Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống hoặc người cho chết não”...
Không chỉ ở HVQY, trong câu chuyện với chúng tôi, Trung tướng, GS, TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội (TƯQĐ) 108 tự hào: "Nối tiếp những thành công trong các công trình khoa học phục vụ cứu chữa, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, đầu năm 2020, Bệnh viện TƯQĐ 108 đã thực hiện thành công ca ghép chi thể đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống. Đây cũng là một trong các ca ghép thuộc đề án khoa học công nghệ tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người do Bệnh viện TƯQĐ 108 triển khai nghiên cứu, thực hiện".
Ngoài các đơn vị hàng đầu như HVQY, Bệnh viện TƯQĐ 108, hoạt động NCKH của ngành quân y được triển khai ở hầu hết các cơ quan, đơn vị. Không chỉ ở lĩnh vực ghép tạng, ghép chi thể, các công trình NCKH của các đơn vị còn được thực hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Y học quân sự, công nghệ sinh học, ứng dụng các tiến bộ y học như phẫu thuật nội soi, can thiệp mạch, điều trị bỏng, chẩn đoán và điều trị ung thư; các đề tài nghiên cứu hậu quả chất độc da cam/dioxin, các nghiên cứu phát triển y học quân binh chủng, nghiên cứu điều chế, sản xuất các chế phẩm từ thực vật phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh... Đây là những minh chứng sinh động cho cho thành công của các cán bộ, chiến sĩ quân y trong lĩnh vực NCKH, thiết thực phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân.
Cần tầm nhìn và sự chuẩn bị cho những công trình tương lai
Theo Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy HVQY, thời gian mà nhóm nghiên cứu hoàn thành bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus SARS-CoV-2 chưa đến một tháng từ khi nhận nhiệm vụ. Ngoài tinh thần làm việc “chống dịch như chống giặc”, chạy đua với thời gian của các nhà khoa học, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức lực lượng của Đảng ủy, Ban giám đốc HVQY, thì kết quả này còn là sự chuẩn bị từ nhiều năm trước. Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng cho biết, khi phân tích mã gen virus SARS-CoV-2, các nhà khoa học thấy chúng có 50% giống với chủng virsus MERS-CoV và 79,5% với chủng virus SARS-CoV từng gây ra hội chứng hô hấp Trung Đông và hội chứng SARS trước đây. Đây là các chủng virus đã được HVQY nghiên cứu từ lâu, dự báo chúng có thể tái xảy ra trong tương lai, nên đã bắt tay vào nghiên cứu ngay khi dịch bệnh MERS và SARS xảy ra trên thế giới. Chính vì thế, quá trình phân lập virus SARS-CoV-2 phục vụ nghiên cứu bộ sinh phẩm được các nhà nghiên cứu của học viện tiến hành trong thời gian rất ngắn và đạt được thành công vượt trội so với các đơn vị trong nước cũng như trên thế giới.
Tương tự, để có được thành công của ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống vào đầu năm 2020, thì công trình NCKH của Bệnh viện TƯQĐ 108 đã được triển khai từ năm 2017. Theo Đại tá, GS, TS khoa học-Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thế Hoàng, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật ghép chi thể thì trước đó, Bệnh viện TƯQĐ 108 cũng đã triển khai nhiều công trình NCKH liên quan, cử đội ngũ cán bộ đi học tập ở trong và ngoài nước, chuẩn bị bệnh nhân, người hiến... Vì thế, công trình nghiên cứu đã được hiện thực hóa và triển khai thành công vì đạt tới độ “chín muồi” trong công tác nghiên cứu và chuẩn bị. Từ đó có thể khẳng định, để có các công trình khoa học trong tương lai, ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư thì tầm nhìn, sự chuẩn bị phải được thực hiện từ sớm, từ xa như thời gian qua lực lượng quân y đã tiến hành.
Để làm được điều đó, các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chỉ huy, các nhà khoa học y học quân sự cần quán triệt, bám sát các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ NCKH của quân đội và đất nước, đẩy mạnh NCKH cơ bản và y học quân sự, thực hiện tốt chức năng tham mưu về phát triển NCKH y học phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân. Bên cạnh đó phải tập trung hoàn thành kế hoạch, mục tiêu hoạt động KHCN và các nhiệm vụ khoa học cụ thể, thực hiện “đi tắt đón đầu”, tạo tiền đề, động lực để các công trình khoa học y học của quân đội không ngừng phát triển, nối tiếp xứng đáng những thành công hôm nay.