Tạo đột phá trong tổ chức bộ máy hành chính tại Thủ đô
Việc thí điểm không tổ chức HĐND tại 177 phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội sẽ được Quốc hội xem xét, biểu quyết trong những ngày tới. Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới bên lề kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai khẳng định: Nếu được Quốc hội thống nhất cho thực hiện, nghị quyết sẽ tạo sự đột phá mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy hành chính tại Thủ đô.
Đại biểu Bùi Huyền Mai Ảnh: dbndhanoi.gov.vn
- Theo tờ trình của Chính phủ và dự thảo nghị quyết của Quốc hội, sẽ thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 177 phường và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội. Có nhiều ý kiến cho rằng, khi triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ tại Thủ đô. Đại biểu bình luận thế nào về vấn đề này?
- Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, với nhiều nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. Nhờ vậy, chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn đã bước đầu hình thành. Điều này càng thể hiện rõ vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội của Thủ đô Hà Nội, nơi có quy mô dân số đứng thứ hai cả nước.
Là đô thị đặc biệt, thành phố Hà Nội có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, nhất là tại các quận mới thành lập. Các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội và đời sống nhân dân có sự đan xen giữa các yếu tố đô thị với nông thôn và ngày càng chuyển dịch theo hướng đô thị hóa. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các khu vực đô thị lớn của thành phố chưa tương xứng với sự phát triển của xã hội, không đồng đều, thiếu đồng bộ; chưa có sự khớp nối giữa các khu vực đô thị, giữa các vùng, địa phương. Công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị cũng còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa; tính bền vững chưa cao, chưa phản ánh rõ nét các bản sắc văn hóa của từng khu vực. Mô hình quản lý hiện hành cũng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa tự chủ, thiếu linh hoạt. Trong đó, khả năng tự quyết định, tự chịu trách nhiệm để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra đối với đô thị còn bất cập.
Do đó, nếu được Quốc hội cho thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 177 phường để bước đầu xác lập cách thức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, chắc chắn sẽ tạo sự đột phá mạnh mẽ trong cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính tại Thủ đô Hà Nội.
- Theo đại biểu, khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây sẽ tạo ra những thay đổi cụ thể nào?
- Theo tôi, tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở phường sẽ bảo đảm được sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy hành chính các cấp tại thành phố Hà Nội sẽ bảo đảm ổn định và thông suốt. Tình hình kinh tế - xã hội ở các địa phương nơi thực hiện thí điểm sẽ duy trì được sự ổn định và có bước phát triển; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội sẽ chuyển biến tích cực do có sự sắp xếp, điều chỉnh các cơ quan công an, quân sự theo hướng tập trung thống nhất, xuyên suốt từ cấp quận. Việc cung cấp các dịch vụ công như: Giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội… cũng sẽ được cải thiện.
Việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường cũng gắn liền với đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin trên một số lĩnh vực sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước. Lúc đó, hơn ai hết, đối tượng hưởng lợi sẽ là người dân và doanh nghiệp.
- Tại các phiên thảo luận về dự thảo nghị quyết, đại biểu cho rằng khi thực hiện thí điểm, cần xác định rõ 7 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường nơi không tổ chức HĐND để không tạo ra những “khoảng trống quyền lực”. Đại biểu có thể nêu rõ thêm về vấn đề này?
- Trong phiên thảo luận tổ về dự thảo nghị quyết, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần rà soát kỹ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm chuyển đổi đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phường cho HĐND, UBND và chủ tịch UBND quận, thị xã.
Trên thực tế, theo quy định tại Điều 61 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND phường có 7 thẩm quyền, trong đó có 3 thẩm quyền riêng về thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, phân bổ ngân sách, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do HĐND bầu. Những thẩm quyền này sẽ được rà soát, điều chuyển cho HĐND và UBND quận, thị xã. Ngoài ra, còn một số luật chuyên ngành quy định về thẩm quyền của HĐND các cấp (trong đó có cấp phường) như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Tiếp công dân, Luật Đầu tư công, Luật Tố cáo, Luật Kiểm toán nhà nước… cũng đã được rà soát, điều chuyển cho HĐND quận, thị xã thực hiện bảo đảm thống nhất, phù hợp với các quy định hiện hành, không làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý công việc và đặc biệt là không tạo ra “khoảng trống quyền lực”.
- Nếu dự thảo nghị quyết được Quốc hội chính thức thông qua, thành phố Hà Nội cần chuẩn bị như thế nào để vận hành hiệu quả bộ máy hành chính trong thời gian thí điểm, thưa đại biểu?
- Việc Quốc hội xem xét cho phép thí điểm không tổ chức HĐND phường tại quận, thị xã thuộc thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 là cơ hội để Thủ đô tổ chức quản lý nhà nước theo một phương thức mới. Tuy nhiên, cần có sự chuẩn bị kỹ thì mới có thể thành công. Cùng với thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, cần song song tiến hành với củng cố chính quyền nông thôn.
Đặc biệt, để vận hành hiệu quả bộ máy hành chính trong thời gian thực hiện thí điểm, theo tôi, cần đổi mới cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức quận, phường đáp ứng tốt nhiệm vụ quản lý. Bên cạnh đó, cần tích cực xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia xây dựng chính quyền.
- Trân trọng cảm ơn đại biểu!