Tạo dựng nền tảng vững chắc để phát triển theo chiều sâu, bền vững

25 năm xây dựng và trưởng thành ngành Chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, gặt hái được nhiều thành quả đáng tự hào. Ngành Chứng khoán đã tạo được một nền móng vững chắc để đưa thị trường chứng khoán chuyển sang một giai đoạn mới - phát triển triển mạnh mẽ hơn, chất lượng hơn và bền vững hơn. Nhân dịp Kỷ niệm 25 năm Ngày Truyền thống ngành Chứng khoán Việt Nam, phóng viên TBTCVN có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

PV:Là người gắn bó với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ những ngày sơ khởi và trải qua nhiều vị trí khác nhau, ông có thể chia sẻ những cảm nhận, hay kỷ niệm đáng nhớ của mình trong chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển của ngành Chứng khoán?

Ông Trần Văn Dũng: Cá nhân tôi không thuộc thế hệ những người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về chứng khoán và TTCK, nhưng may mắn là một trong những người đầu tiên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khi thành lập 25 năm trước. 1/4 thế kỷ đối với cuộc đời làm việc của một con người là một quãng thời gian dài, lại trong ngành nghề và môi trường hoàn toàn mới nên trong tôi cảm nhận về những thăng trầm trên từng chặng đường phát triển của ngành Chứng khoán Việt Nam là khá rõ nét.

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Nếu được chọn cảm nhận đáng nhớ nhất, chắc tôi sẽ chọn cảm nhận về sự sáng suốt, dũng cảm và tinh thần dám chịu trách nhiệm của Lãnh đạo Đảng và Chính phủ khi quyết tâm khai mở TTCK. Bởi khi đó, bối cảnh nền kinh tế chưa tạo điều kiện thực sự chín muồi, các điều kiện mang tính tiền đề cho TTCK chưa hình thành. Tinh thần và phương châm hành động của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Chính phủ những ngày sơ khởi mãi là tấm gương, bài học để các thế hệ sau này của ngành Chứng khoán noi theo. Đó chính là vừa chủ động, sáng tạo, linh hoạt, vượt khó trong hiện tại, vừa xác định tầm nhìn chiến lược dài hạn trong xây dựng và phát triển TTCK nước nhà. Ở mỗi thời kỳ, ngành Chứng khoán đều nhận được sự quan tâm, động viên sâu sắc của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính,… Đó là nguồn động viên lớn để ngành Chứng khoán vượt qua thách thức và có thành công như hôm nay.

Trong hai năm 2018 và 2019, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã liên tiếp tổ chức 2 cuộc xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc (ảnh bên trái) và tại London - Vương quốc Anh (ảnh phải), tăng cường quảng bá thị trường chứng khoán Việt Nam, lan tỏa rộng rãi tới cộng đồng đầu tư quốc tế. Ảnh: Mai An

Có được TTCK như hiện nay là kết quả phấn đấu của cả hệ thống chính trị, có sự phối hợp của các bộ, ngành và sự đồng hành tham gia vượt khó của cộng cộng đồng doanh nghiệp, thành viên thị trường, nhà đầu tư và các cơ quan báo chí, truyền thông. Trong 25 năm đó, trong tôi lúc nào cũng đầy ắp kỷ niệm. Tôi cảm nhận rất rõ cảm giác vừa vinh dự, vừa bỡ ngỡ khi mới bước vào ngành Chứng khoán - “một bầu trời hoàn toàn mới”,... đến cả những khi phải đứng trước những quyết định khó khăn, đặc biệt là các tình huống khẩn cấp có tạm dừng thị trường hay không. Điển hình như trong phiên giao dịch 1/6/2021 vừa qua, chỉ trong vòng mấy phút buổi trưa buộc phải quyết định và báo cáo Lãnh đạo Bộ cho phép dừng giao dịch phiên chiều để đảm bảo an toàn cho hệ thống giao dịch; hay như phút giây hồi hộp, cân não khi đưa giải pháp chống nghẽn lệnh trên HOSE vừa qua. Điều may mắn là ngành Chứng khoán cũng đã vượt qua những thời khắc khó khăn nhất, nhờ sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Lãnh đạo Bộ Tài chính và đặc biệt là sự nỗ lực ngày đêm không mệt mỏi của các chuyên gia kỹ thuật và anh em trong ngành.

PV:Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn những thành quả đáng ghi nhận mà ngành Chứng khoán đã đạt được trong chặng đường vừa qua?

Ông Trần Văn Dũng: Trải qua 25 năm thành lập UBCKNN và hơn 21 năm vận hành TTCK, dù chặng đường chưa thực sự dài và dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những thành quả đạt được của ngành Chứng khoán là rất đáng tự hào.

Việt Nam đã tạo lập được một thể chế TTCK đúng định hướng và phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế trong từng thời kỳ; từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế và quá trình hội nhập quốc tế và khu vực. Qua từng giai đoạn, đến nay, TTCK Việt Nam đã có sự hoàn thiện về hệ thống khung khổ pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, trong đó điển hình là các thế hệ Luật Chứng khoán cơ bản phù hợp với thực tế vận động của thị trường và thực tiễn đời sống kinh tế đất nước.

Nguồn: UBCKNN Đồ họa: Hồng Vân

TTCK đã không ngừng lớn mạnh về mặt tổ chức và cơ cấu. Từ 1 Trung tâm Giao dịch chứng khoán (GDCK) TP. Hồ Chí Minh, đến nay Việt Nam đã thành lập Sở GDCK Việt Nam với 2 sở con và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cùng nhau vận hành các hệ thống giao dịch, lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán một cách thông suốt, an toàn, góp phần thúc đẩy thanh khoản và hiệu quả của thị trường. Cơ cấu của thị trường cũng từng bước được hoàn thiện, từ chỗ chỉ có thị trường cổ phiếu lúc ban đầu, đến nay chúng ta đã có thêm các thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), chứng khoán phái sinh và tới đây là trái phiếu DN, hay xa hơn là sàn starup.

Về quy mô của TTCK đã có sự tăng trưởng vượt bậc và đã trở thành trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng của DN và nền kinh tế. Trong đó, thị trường cổ phiếu khởi nguồn có 2 DN niêm yết ban đầu, thì đến nay đã có trên 1.600 DN niêm yết và đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa tương đương 109% GDP. Thị trường TPCP mới chính thức ra đời được hơn 10 năm nhưng đã nhanh chóng khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho Chính phủ, hỗ trợ cho việc huy động TPCP được nhiều hơn, chủ động hơn, kỳ hạn ngày một dài hơn đến 30 năm và với mức lãi suất huy động liên tục năm sau giảm hơn so với năm trước, góp phần hiệu quả vào tái cơ cấu nợ công của Chính phủ, tăng tính bền vững cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, TTCK phái sinh mặc dù mới ra đời được hơn 4 năm nhưng đã phát triển nhanh chóng, cung cấp thêm các công cụ đầu tư và quản lý rủi ro hữu hiệu.

TTCK hiện phát triển đa dạng các loại sản phẩm. Không chỉ bao gồm các sản phẩm đầu tư truyền thống như trước đây là cổ phiếu, trái phiếu, thị trường còn có nhiều sản phẩm mới, sản phẩm cơ cấu như các chứng chỉ quỹ, sản phẩm đầu tư và phòng ngừa rủi ro như chứng quyền và phái sinh. Bên cạnh đó, các nghiệp vụ kinh doanh trên TTCK cũng khá đa dạng như giao dịch ký quỹ, nghiệp vụ vay và cho vay chứng khoán để hỗ trợ thanh toán chứng khoán (SBL), giao dịch repos…

Cùng với đó, TTCK cũng đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy cổ phần hóa DN nhà nước. Từ năm 2005 đến nay 2 sở GDCK đã tổ chức trên 1.000 cuộc đấu giá để cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước cho DN nhà nước. Rất nhiều DN sau khi đấu giá cổ phần hóa đã lên sàn chứng khoán và tiếp tục phát triển hiệu quả hơn.

Qua quá trình phát triển và tái cấu trúc, hệ thống các tổ chức trung gian trên TTCK ngày càng hoàn thiện, phát huy vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư (NĐT) và DN. Quy mô các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ ngày càng lớn và chất lượng dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng.

TTCK đã thu hút ngày càng đông đảo các NĐT trong và ngoài nước tham gia, đặc biệt là những năm gần đây: từ mức 3.000 tài khoản năm 2000 lên mức 3,7 triệu tài khoản hiện nay. Trong đó, có khoảng 38,7 nghìn tài khoản của các tổ chức và cá nhân nước ngoài với tổng giá trị chứng khoán nắm giữ tương đương gần 50 tỷ USD.

Số lượng doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin 10 năm qua.

Bên cạnh đó, công nghệ giao dịch, thanh toán phục vụ cho giao dịch chứng khoán của NĐT đã được cải tiến không ngừng. Nếu như cách đây 20 năm NĐT muốn mua bán chứng khoán bắt buộc phải đến cơ sở của công ty chứng khoán, thì đến nay, NĐT có thể mở tài khoản, giao dịch ở mọi nơi. Trong đại dịch Covid – 19 vừa qua, nền tảng giao dịch trực tuyến đã cho phép Bộ Tài chính triển khai phương án vận hành thị trường trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong trường hợp trụ sở của các sở GDCK, VSD và các công ty chứng khoán bị phong tỏa do ảnh hưởng của dịch bệnh. Một hệ thống giao dịch mới hiện đại hơn trong thời gian tới, cho phép triển khai thêm nhiều dịch vụ mới, sản phẩm mới để phục vụ cho nhu cầu của NĐT, của DN và yêu cầu quản lý thị trường ở mức độ cao hơn.

Ngoài ra, công tác quản lý thị trường, thanh tra, giám sát đã được củng cố, tăng cường theo nhu cầu phát triển của TTCK. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của thị trường được nâng cấp dần từ nghị định năm 1998 lên Luật Chứng khoán năm 2006, 2010 và năm 2019 vừa qua Luật Chứng khoán, Luật DN và Luật Đầu tư cũng được sửa đổi toàn diện để bảo đảm tính đồng bộ trong môi trường đầu tư. Công tác phối hợp quản lý, điều hành giữa các cơ quan của Chính phủ được củng cố thông qua việc Tổ điều hành thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính chủ trì, với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan và nhiều quy chế phối hợp song phương.

Công tác thanh tra giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán thường xuyên được chú trọng. Do vậy, các hành vi vi phạm trên TTCK đã được cơ bản xử lý nghiêm minh, đảm bảo cho thị trường được hoạt động công khai, minh bạch.

Công tác quản lý điều hành cơ bản đảm bảo được tính chủ động, linh hoạt, qua đó giúp cho TTCK vượt qua những giai đoạn khó khăn, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 – 2009 hay tác động của dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua.

PV: Thưa ông, hành trình đã qua với nhiều thành công, song tiềm năng phát triển của TTCK Việt Nam vẫn còn rất lớn. Đâu là định hướng, giải pháp mà ngành Chứng khoán sẽ triển khai trong chặng đường tiếp theo, thưa ông?

Ông Trần Văn Dũng: Trong thời gian tới, UBCKNN trình các cấp có thẩm quyền quan điểm phát triển theo hướng chuyển đổi mục tiêu chiến lược từ phát triển nhanh, mạnh sang chiến lược phát triển bền vững, chú trọng hơn vào chất lượng phát triển. Theo đó, UBCKNN sẽ tập trung triển khai theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, trong đó sẽ cụ thể hóa các chỉ đạo thành các giải pháp cụ thể, quyết liệt triển khai để vừa nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước, vừa hỗ trợ TTCK phát triển ổn định, bền vững. Cụ thể như sau:

Thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút ngày càng đông đảo các nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước tham gia, đặc biệt là những năm gần đây: từ mức 3 nghìn tài khoản năm 2000 lên mức 3,7 triệu tài khoản hiện nay. Trong đó, có khoảng 38,7 nghìn tài khoản của các tổ chức và cá nhân nước ngoài với tổng giá trị chứng khoán nắm giữ tương đương gần 50 tỷ USD.

Công nghệ giao dịch, thanh toán phục vụ cho giao dịch chứng khoán của NĐT đã được cải tiến không ngừng. Nếu như cách đây 20 năm NĐT muốn mua bán chứng khoán bắt buộc phải đến cơ sở của công ty chứng khoán, thì đến nay, NĐT có thể mở tài khoản, giao dịch ở mọi nơi. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nền tảng giao dịch trực tuyến đã cho phép Bộ Tài chính triển khai phương án vận hành thị trường trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong trường hợp trụ sở của các sở GDCK, VSD và các công ty chứng khoán bị phong tỏa do ảnh hưởng của dịch bệnh. Một hệ thống giao dịch mới hiện đại hơn trong thời gian tới, cho phép triển khai thêm nhiều dịch vụ mới, sản phẩm mới để phục vụ cho nhu cầu của NĐT, của doanh nghiệp và yêu cầu quản lý thị trường ở mức độ cao hơn.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, trong đó điểm nhấn là xây dựng 2 đề án gồm Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho DN khởi nghiệp sáng tạo...

Thứ hai, hoàn thiện mô hình tổ chức thị trường và mô hình bù trừ thanh toán theo hướng hiệu quả, hạn chế rủi ro và phù hợp với thông lệ quốc tế: Chấp thuận quy chế nghiệp vụ của Sở GDCK Việt Nam gắn với việc phân chia các mảng thị trường giao dịch gồm cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh...

Thứ ba, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước gắn với niêm yết cổ phiếu trong bối cảnh TTCK đang có diễn biến tích cực, nhằm tạo thêm nguồn cung có chất lượng cho TTCK.

Thứ tư, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện phương án tổ chức thị trường trái phiếu DN và xây dựng, ban hành các quy định, quy chế về giao dịch trái phiếu DN; đồng thời UBCKNN sẽ tăng cường giám sát, thanh tra các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu DN riêng lẻ và sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm.

Thứ năm, thắt chặt quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra việc cho vay giao dịch ký quỹ là đúng pháp luật, an toàn cho công ty chứng khoán và an toàn bền vững cho dòng tiền trên TTCK; thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Thứ sáu, tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành chính thức trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện cho việc ra đời các sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường.

Thứ bảy, UBCKNN sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm cho TTCK phát triển bền vững, công khai, minh bạch, trong đó sẽ tập trung giám sát đối với hoạt động huy động vốn và việc sử dụng vốn huy động đúng mục đích; tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên và triển khai các nội dung quan trọng khác về nghiệp vụ…; tăng cường công tác thanh tra và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK, góp phần tăng kỷ cương, kỷ luật để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.

Thứ tám, tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế: tổ chức đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý với các cơ quan quản lý các nước, các tổ chức quốc tế để có các giải pháp, chính sách phù hợp với tình hình thế giới, điều kiện của Việt Nam; triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE.

PV: Xin cảm ơn ông!

Khẳng định vai trò, vị trí của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế

“25 năm chưa phải là hành trình dài, nhưng với những thành quả đạt được của thị trường chứng khoán, đó là hành trang, là nền tảng vững chắc để ngành Chứng khoán tiến bước, vươn xa. Hiện nay, chúng ta đã có cơ sở vững chắc vào một giai đoạn phát triển mới trong 10, 20 năm nữa - giai đoạn tăng trưởng mạnh hơn về chất, tăng tính bền vững, để khẳng định vị trí của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế quốc dân và để làm được điều đó, ngành Chứng khoán vẫn rất cần sự quan tâm, chỉ đạo, động viên của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính, sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành và sự đồng hành của thành viên thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ngành Chứng khoán đặt quyết tâm và nỗ lực cao nhất để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, đưa thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ, bền vững, tiếp tục nâng cao vai trò trong nền kinh tế, khẳng định vị thế trong khu vực và quốc tế”. - Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCKNN.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tao-dung-nen-tang-vung-chac-de-phat-trien-theo-chieu-sau-ben-vung-96266.html