Tạo dựng những 'công dân điện tử'

Cũng như mọi người đến giao dịch tại 'Bộ phận một cửa' T.P Sông Công và các xã, phường của địa phương này, anh Nguyễn Văn Hải (thường trú tại xã Tân Quang) dễ dàng tra cứu thủ tục hành chính mình cần, đăng ký xếp hàng tự động và đánh giá mức độ hài lòng đối với cán bộ qua một màn hình cảm ứng. Đây là hệ thống hiện đại vừa được T.P Sông Công đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giúp địa phương này tiếp tục khẳng định là một điểm sáng, đi đầu trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh.

Cán bộ tại Bộ phận một cửa T.P Sông Công kiểm tra, thao tác trên màn hình cảm ứng thông tin dịch vụ công mới được đầu tư.

Cán bộ tại Bộ phận một cửa T.P Sông Công kiểm tra, thao tác trên màn hình cảm ứng thông tin dịch vụ công mới được đầu tư.

Trao đổi với chúng tôi khi vừa làm xong thủ tục đăng ký kinh doanh (mở cửa hàng điện thoại), anh Nguyễn Văn Hải phấn khởi nói: Mọi thứ dễ dàng, thuận lợi, chỉ qua vài thao tác, tôi đã biết những thủ tục mình cần biết, cần làm. Việc xếp hàng tự động như này là sự văn minh, các thông tin trên phiếu đăng ký cũng được máy tự động in đầy đủ, chi tiết. Cán bộ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của tôi cũng tận tình, hòa nhã nên tôi tích vào ô “rất hài lòng” trong máy…

Đề án Mua sắm trang thiết bị và bổ sung phần mềm phục vụ CCHC cho Bộ phận một cửa Thành phố và các xã, phường được T.P Sông Công triển khai từ cuối năm 2019 với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Trọng tâm của Đề án là đầu tư 12 màn hình cảm ứng (tên đầy đủ là hệ thống thiết bị Kios cảm ứng thông tin dịch vụ công) đặt tại Bộ phận một cửa của Thành phố và tất cả 10 xã, phường. Kèm với đó là việc trang bị phần mềm “tích hợp 4 trong 1”: Đăng ký giao dịch - xếp hàng tự động, tra cứu thông tin hướng dẫn, kết quả giải quyết TTHC và đánh giá sự hài lòng của công dân. Ngoài ra, phần mềm còn có dịch vụ tin nhắn SMS thông báo kết quả tiếp nhận và giải quyết giúp người dân nắm bắt hiện trạng hồ sơ của mình; đồng thời cung cấp thêm 7 TTHC dịch vụ công mức độ 4 để người dân có thể giao dịch ngay cả khi họ ở nhà.

Trước khi đầu tư hệ thống này, T.P Sông Công cũng đã có nhiều nỗ lực trong công tác CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng, nhiều năm, Thành phố đứng tốp đầu (có năm đứng số 1) trong bảng xếp hạng CCHC cấp huyện của tỉnh. Năm 2019, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn ở Thành phố cũng như cấp xã đều đạt 100%. Thành phố và một số xã, phường đã có nhiều giải pháp mang tính sáng tạo trong CCHC, ví dụ như việc xây dựng bộ tiêu chí và xếp hạng CCHC đối với các phòng quản lý Nhà nước 2 lần/năm; đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị CCHC (tiêu biểu là phường Mỏ Chè và phường Thắng Lợi); riêng phường Mỏ Chè đã chủ động đầu tư máy đánh giá mức độ hài lòng của người dân… Bộ phận một cửa của Thành phố và một số xã, phường được coi là điểm sáng để nhiều địa phương đến tham quan, học tập.

Tuy vậy, theo chị Dương Thị Hoa, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND, cán bộ phụ trách Bộ phận một cửa T.P Sông Công, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ CCHC sau nhiều năm khai thác đã xuống cấp hoặc bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Hệ thống xếp hàng tự động và màn hình cảm ứng tại Bộ phận một cửa Thành phố được trang bị từ những năm trước không còn hoạt động; hệ thống mạng chắp vá, thiếu thẩm mỹ và không ổn định; một số thiết bị được bổ sung, sửa chữa nhiều nên thiếu đồng bộ; một số công việc vẫn phải làm thủ công khiến mất nhiều thời gian và tiềm ẩn sai sót… Việc triển khai Đề án nêu trên đã góp phần đáp ứng yêu cầu đó. Các phần mềm tích hợp giúp công dân dễ dàng tra cứu các TTHC cần giải quyết.

Theo đánh giá của nhiều người, việc đầu tư hệ thống máy móc và bổ sung, nâng cấp phần mềm CCHC như vậy dù kinh phí không lớn nhưng đem lại nhiều lợi ích, thuận lợi cho cả cán bộ và công dân tại các bộ phận một cửa. Chị Lê Thị Minh Hải, cán bộ phụ trách Bộ phận một cửa phường Thắng Lợi cho biết: Qua hai buổi tập huấn, chúng tôi đã nắm rõ và sử dụng thành thạo hệ thống này, việc hướng dẫn công dân sử dụng cũng không khó khăn. Mọi người đến giao dịch chỉ cần thao tác theo hướng dẫn dễ hiểu trên màn hình cảm ứng, việc tra cứu của họ cũng thuận lợi, nhanh chóng hơn như khi phải lật giở đọc tài liệu niêm yết. Việc phải xếp hàng tự động cũng giúp người dân có ý thức văn minh hơn, tránh tình trạng lộn xộn khi đông người giao dịch. Trong khi đó, chúng tôi không phải làm nhiều việc thủ công như trước, thời gian được rút ngắn đáng kể… Còn chị Đặng Thị Ngọc Mai, cán bộ tiếp nhận hồ sơ lĩnh vực y tế, đăng ký kinh doanh tại Bộ phận một cửa Thành phố, nói: Khi được người dân đánh giá mình, tôi không cảm thấy áp lực mà coi đó là một kênh để tự hoàn thiện, làm việc trách nhiệm và phục vụ nhân dân tốt hơn.

Việc xây dựng chính quyền điện tử và tạo dựng những “công dân điện tử” đang được nhiều cấp, ngành quan tâm thực hiện. Có thể nói, việc T.P Sông Công nghiên cứu, triển khai Đề án mua sắm trang thiết bị và bổ sung phần mềm phục vụ CCHC cho Bộ phận một cửa, đồng thời với việc coi trọng yếu tố con người trong CCHC đã phần nào thể hiện nỗ lực của địa phương trong thực hiện chủ trương này.

Trần Quyền

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/tao-dung-nhung-%E2%80%9Ccong-dan-dien-tu%E2%80%9D-268908-205.html