Tạo dựng sân chơi trong phố cổ Hà Nội: Khi quyết tâm phải gắn liền với sáng tạo

Các không gian công cộng ngoài trời tại khu phố cổ Hà Nội xưa kia đã hiếm nay lại càng quý giá khi mà sức ép đô thị hóa, bất động sản ngày càng gia tăng. Với mỗi mét vuông đất có giá từ vài trăm triệu đến một tỉ đồng, không gian công cộng ngoài trời, vườn hoa, sân chơi tại khu phố cổ Hà Nội có thể coi là không có.

Thiếu hụt sân chơi công cộng

Gia đình 5 người của chị Nguyễn Lan Hương (phường Hàng Gai, Hà Nội) mấy chục năm nay sinh sống trong ngôi nhà vỏn vẹn gần 15m2. Nhà chật nên hầu như không có không gian cho các con tự vui chơi, vận động. Mỗi khi tan trường, hoạt đồng giải trí thường xuyên của các con chỉ là đọc sách hoặc xem ti vi.

Chị Hương luôn phải “đau đầu” tìm chỗ chơi cho con. Chị chia sẻ: “Do không gian vui chơi, sân chơi công cộng cho trẻ em khu vực phố cổ Hà Nội quá khan hiếm, sân chơi cho trẻ em hoàn toàn không có, vì vậy chỉ mỗi dịp cuối tuần các con mới được bố mẹ dẫn đi chơi, được vận động một cách thoải mái nhất. Gia đình tôi thường phải đưa cháu ra các không gian công cộng ở các quận xung quanh, thậm chí ra ngoại thành để chơi. Mặc dù mất thời gian nhưng đây là cách duy nhất để các con được chơi một cách đúng nghĩa sau những giờ học căng thẳng”, chị Hương chia sẻ.

Vườn hoa Đường Thành nhếch nhác, chưa phát huy được vai trò là nơi vui chơi, giải trí của người dân (Ảnh: K.Tiến)

Vườn hoa Đường Thành nhếch nhác, chưa phát huy được vai trò là nơi vui chơi, giải trí của người dân (Ảnh: K.Tiến)

Không chỉ gia đình chị Lan Hương mà hầu hết các gia đình có trẻ con ở trong khu vực phố cổ đều rơi vào tình trạng như vậy. Khi sức ép đô thị hóa, nhà cửa, đất đai có giá từ vài trăm triệu đến một tỷ đồng một mét vuông thì để có không gian cho trẻ em chơi đùa tại khu phố cổ Hà Nội là điều vô cùng hiếm.Theo thống kê, với dân số khoảng 7 vạn người, ước tính một phần tư là trẻ em, đang sinh sống tại khu phố cổ hiện không có đủ sân chơi công cộng.

Cũng theo thống kê, tại khu vực quận Hoàn Kiếm có khoảng hơn 10 vườn hoa, chia ra đầu người, dân khu vực Hoàn Kiếm chỉ có 0,1m2 vườn hoa trên đầu người. Đặc biệt, ở khu phố cổ dân số khoảng 7 vạn dân chỉ có duy nhất vườn hoa Đường Thành diện tích gần 1.000m2, diện tích chia đầu người rất nhỏ.

Những số liệu trên cho thấy người dân phố cổ Hà Nội, đặc biệt là trẻ em, đang sống trong một môi trường đô thị vô cùng thiếu thốn cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ các hoạt động thể chất, vui chơi, giao tiếp xã hội thường xuyên. Trong mắt con trẻ ở đây, không gian công cộng chỉ gói gọn trong các ngõ phố, vỉa hè hay sân trong giữa các công trình.

Vào các dịp cuối tuần, cả nghìn người lại đổ về các khu phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Ngoài ra, các đại siêu thị tích hợp khu mua sắm, nhà hàng, rạp chiếu phim, khu giải trí... cũng là một loại hình không gian công cộng được người dân Thủ đô thường xuyên lui đến trong những năm gần đây.

Các không gian công cộng ngoài trời tại khu phố cổ Hà Nội xưa kia đã hiếm nay lại càng quý giá khi mà sức ép đô thị hóa, bất động sản ngày càng gia tăng. Với mỗi mét vuông đất có giá từ vài trăm triệu đến một tỉ đồng, không gian công cộng ngoài trời, vườn hoa, sân chơi tại khu phố cổ Hà Nội có thể coi là không có. Riêng vườn hoa Đường Thành (phường Cửa Đông) thì vườn hoa này cũng chỉ như một đảo giao thông, khó tiếp cận vì nằm trên đường biên của khu phố cổ, bị ngăn cách bởi các đường giao thông khu vực.

Mặc dù được coi là vườn hoa công cộng duy nhất trên địa bàn Khu phố cổ, thế nhưng đến nay, vườn hoa này lại không phát huy được vai trò vốn có. Theo ghi nhận, vườn hoa Đường Thành nhếch nhác, không đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân khu vực xung quanh. Tại một góc, một số người đã ngang nhiên bày bàn ghế làm nơi bán nước. Ở góc khác, rác thải, vật liệu xây dựng tràn lan…Nhìn từ xa, nơi đây không hề giống một nơi để vui chơi, giải trí cho người dân.

Nỗ lực phát triển không gian chung

Có thể thấy, về những khó khăn khi phát triển sân chơi cho trẻ em tại khu vực này, nguyên nhân chính do không có quỹ đất. Tuy nhiên, trong những năm qua, để khắc phục tình trạng này, Hà Nội cũng đã quan tâm, nỗ lực rất nhiều trong việc phát triển không gian công cộng tại phố cổ. Cụ thể, từ nhiều năm nay, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vẫn kiên trì với việc phát triển khu phố đi bộ với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và phát triển đô thị bền vững. Năm 2003, một tuyến phố đi bộ thương mại hay còn gọi là “Chợ đêm”, từ phố Hàng Đào đến Đồng Xuân, đã được đưa vào hoạt động vào ba tối cuối tuần.

Việc tạo dựng các sân chơi trong phố cổ cần sự quyết tâm và sáng tạo của các cấp chính quyền và người dân (Ảnh: K.Tiến)

Việc tạo dựng các sân chơi trong phố cổ cần sự quyết tâm và sáng tạo của các cấp chính quyền và người dân (Ảnh: K.Tiến)

Sau thời gian 10 năm vận hành thử, rút kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến của nhân dân, đến ngày 3/10/2014, khu phố đi bộ Hà Nội gồm 6 phố, Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Đào Duy Từ, chính thức hoạt động vào các tối cuối tuần. Nối tiếp thành công, ngày 1/9/2016, quận Hoàn Kiếm tiếp tục mở rộng không gian đi bộ ra khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và các 16 đoạn đường phố lân cận.

Trên nền tảng phát triển của khu vực phố đi bộ, Thinkplaygrounds (Nhóm tình nguyện xây dựng các sân chơi miễn phí cho trẻ em) và HealthBridge (Tổ chức phi chính phủ quốc tế đang thực hiện chương trình phát triển các thành phố sống tốt tại Việt Nam) cùng Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã chọn Đào Duy Từ, một trong những đường phố thương mại truyền thống nằm trong khu vực này, làm địa điểm phát triển sân chơi cho trẻ em.

Trên thế giới, việc tái thiết các đường phố thành không gian công cộng đô thị dành cho con người chứ không phải cho xe cộ không còn là ý tưởng mới mẻ. Times Square (Quảng trường Thời đại) tại thành phố New York, Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình. Từ năm 2009, chính quyền thành phố New York đã quyết định hạn chế toàn bộ phương tiện cơ giới đi qua Times Square. New York đã tốn nhiều công sức để tái thiết Times Square từ một trong những đường phố có lưu lượng giao thông cơ giới nhộn nhịp bậc nhất thế giới trước đây thành một khu vực hoàn toàn dành cho người đi bộ. Hiện hàng ngày có khoảng 400,000 người thường xuyên hoạt động vui vẻ và an toàn tại không gian công cộng này này. Ngoài ra còn rất nhiều những ví dụ thành công khác khắp nơi trên thế giới khi chính quyền các đô thị nỗ lực chuyển đổi các đường phố chỉ để xe cộ qua lại thành những điểm đến mang lại bản sắc, giá trị, thương hiệu cho thành phố như đại lộ Boulevard Saint Laurent tại Montreal, Canada, Van Gogh Walk tại London, Anh hay Insadong-gil tại Seoul, Hàn Quốc…

Từ tháng 4/2015, mỗi tối thứ Bảy hàng tuần, phố Đào Duy Từ đã được tổ chức thành một “sân chơi trong phố” di động để phục vụ miễn phí các em nhỏ trong khu vực và du khách. Các thiết bị chơi được làm bằng vật liệu thiên nhiên, thân thiện môi trường như tre, gỗ hay vật liệu tái sử dụng như lốp xe ô tô, bobbin (lõi cuộn cáp điện) và pallet (tấm kê hàng) bằng gỗ.Theo đó, mỗi tối thứ Bảy, một nhóm các tình nguyện viên cùng lắp đặt các thiết bị chơi để tạo ra một sân chơi di động tại phố Đào Duy Từ, Hà Nội.

Diện tích của sân chơi này khoảng 1.000 m2 (diện tích mặt đường), dài 200m và rộng 5m. Trẻ em và phụ huynh có cơ hội vui chơi miễn phí với các thiết bị chơi ở đây, tham gia vào các trò chơi dân gian phát triển tư duy, thể chất, rèn luyện sự kiên trì, nhanh nhẹn và khéo léo. Tại sân chơi này, các em nhỏ còn có cơ hội gặp gỡ các bạn bè cũ, làm quen thêm các bạn mới. Sân chơi trong phố mang đến cho trẻ em phố cổ cơ hội vui chơi hoạt động thể chất, giao tiếp xã hội trong phạm vi khu dân cư nơi mà các trải nghiệm cần thiết như vậy đang rất thiếu.

Với những trò chơi dân gian như phi ngựa tre, cà kheo, hay ô ăn quan, nhảy dây, đánh chuyền… các trò chơi thể chất, trí tuệ hay khéo léo đều thu hút không chỉ các em nhỏ địa phương mà còn cả trẻ em du khách thích thú trải nghiệm. Mỗi tối thứ Bảy hàng tuần có khoảng năm trăm trẻ em cùng cha mẹ, hàng nghìn lượt khách đến với phố đi bộ và Sân chơi trong phố để trải nghiệm những trò chơi và giao lưu với bạn bè. Trong đó hơn 60% là trẻ em dưới 6 tuổi và hơn 30% là các em sống trong khu vực phố cổ.

Trong thời gian thử nghiệm, mô hình Sân chơi trong phố đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Có phụ huynh đã tình nguyện tài trợ nước uống cho trẻ em chơi, nhiều em nhỏ cùng tham gia với các tình nguyện viên vận chuyển và lắp đặt đồ chơi. Từ tháng 4/2015 đến tháng 6/2015, Sân chơi trong phố đã được thử nghiệm thành công tại phố Đào Duy Từ, và sau đó mô hình sân chơi di động đã được áp dụng trong không gian phố đi bộ cuối tuần Hồ Hoàn Kiếm từ năm 2016. Một cơ chế cho việc sử dụng nguồn lực của chính quyền địa phương cùng với việc huy động sự tham gia của cộng đồng chung tay tạo dựng sân chơi cho trẻ em là cần thiết để duy trì hoạt động nhiều lợi ích và ý nghĩa này một cách bền vững.

Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải, cán bộ cấp cao Dự án Thành phố Sống tốt, Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam, cho biết: “Với bài học kinh nghiệm thành công của Sân chơi trong phố, chúng ta có thể khẳng định rằng “thiếu quỹ đất” không phải là rào cản không thể vượt qua cho vấn đề thiếu sân chơi. Bằng lòng nhiệt tình, hiểu biết và sáng tạo, cộng đồng sẽ cùng chung tay để “biến điều không thể thành có thể”, tổ chức không gian công cộng nói chung và sân chơi nói riêng nhằm góp phần xây dựng một Hà Nội sống tốt cho trẻ em và mọi người”./.

Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tao-dung-san-choi-trong-pho-co-ha-noi-khi-quyet-tam-phai-gan-lien-voi-sang-tao-116355.html