Tạo dựng thủ phủ vải không hạt

Tỉnh Thanh Hóa sẽ là thủ phủ của cây vải không hạt, khi mô hình trồng thành công loại vải này được nhân rộng ra trên địa bàn toàn tỉnh

Hơn 1 tấn vải không hạt trồng tại Thanh Hóa vừa được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh, mở ra cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp công nghệ cao mà tỉnh này đang hướng đến trong những năm qua.

Mô hình quy mô đầu tiên

Sự kiện trên là dấu mốc quan trọng của ngành nông nghiệp Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung, bởi vải không hạt là giống cây nhập khẩu mới được trồng thử nghiệm tại Việt Nam những năm gần đây.

Năm 2019, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm (Công ty Hồ Gươm - Sông Âm) phối hợp Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chọn trồng thử nghiệm hơn 1.200 gốc vải không hạt được nhập khẩu từ nước ngoài trên địa bàn xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Giống vải được trồng theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, với quy trình chăm sóc khoa học, hiện đại nên chỉ sau 3 năm, cây đã cho ra quả bói và năm thứ 4 đã cho thu hoạch lứa đầu tiên.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc điều hành Công ty Hồ Gươm - Sông Âm, cho biết lứa quả đầu tiên với sản lượng khoảng 20 tấn, chất lượng quả được lãnh đạo Bộ NN-PTNT đánh giá rất cao. "Ngay trong năm đầu tiên tung ra thị trường, trái vải không hạt đã có mặt ở hầu hết thị trường trong nước, đặc biệt là Hà Nội, TP HCM. Ngoài ra, chúng tôi đã xuất khẩu được 600 kg sang thị trường Nhật Bản và 500 kg sang Vương quốc Anh, mở ra cơ hội, hướng đi cho loại quả có giá trị kinh tế này" - ông Huệ hồ hởi.

Về quy trình trồng, chăm sóc, cây vải được công ty ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm thời gian, công chăm sóc và phân bón bảo đảm cây sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, đây là vải không hạt nên để quả khi chín được căng tròn, không bị tách vỏ cũng là vấn đề mà công ty rất quan tâm, tính toán thế nào khi tưới nước, bón phân đúng thời điểm để có những quả vải bảo đảm chất lượng tốt nhất khi tới tay người tiêu dùng. "Giống vải không hạt có lượng đường thấp và có vị thanh mát, cùi vải mọng, giòn, trắng nên rất phù hợp cho nhiều phân khúc khách hành, kể cả những người có bệnh tiểu đường" - ông Huệ thông tin.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thăm mô hình vải không hạt tại Thanh Hóa hôm 10-6

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thăm mô hình vải không hạt tại Thanh Hóa hôm 10-6

Vải không hạt được thu hoạch tại Thanh Hóa

Vải không hạt được thu hoạch tại Thanh Hóa

Xây dựng vùng trồng sản phẩm đặc trưng

Do là giống vải chất lượng, có giá trị kinh tế cao nên trong lứa quả đầu tiên, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm đã bán với giá 170.000 đồng/kg, giá bán lẻ tại các siêu thị trong nước khoảng 250.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần giống vải thông thường hiện nay.

Theo ông Nguyễn Văn Huệ, ngoài diện tích 30 ha trồng thử nghiệm, trong thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng diện tích lên khoảng 50 ha. "Hiện chúng tôi đã ươm được 20.000 cây giống chọn từ những cây thuần dòng tại vườn để tiếp tục mở rộng diện tích. Mục tiêu của công ty là mang đến cho người dân những sản phẩm chất lượng nhất, đồng thời sẽ hướng tới các thị trường lớn, khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ" - ông Huệ cho hay.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, cho biết đây là loại cây mới được trồng thử nghiệm tại địa phương từ năm 2019. Đây là mô hình tiên phong đưa giống cây ăn quả mới về Thanh Hóa, phục vụ cho đề án phát triển cây ăn quả của tỉnh tới năm 2030.

"Ngay khi cho thu hoạch lứa đầu tiên, giá trị bán ra thị trường của vải không hạt đã rất khác biệt, hiệu quả cao hơn rất nhiều so với giống cây ăn quả khác. Hơn nữa, giống vải này được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên chất lượng và độ sạch rất an toàn. Giống cây rất phù hợp với đồng đất nên dù mới trồng thử nghiệm nhưng có hiệu quả" - ông Cường chắc nịch.

Từ thành công bước đầu này, ông Cường cho biết tại buổi kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm cùng với lãnh đạo Bộ NN-PTNT, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm trên cơ sở vườn vải không hạt này sẽ chọn ra những vườn vải đầu dòng tốt nhất, chất lượng nhất để nhân giống, gia tăng diện tích trồng trong những năm tiếp theo. Đồng thời, liên kết, chuyển giao công nghệ, bao tiêu sản phẩm cho người dân sống trong vùng dự án tham gia trồng.

Theo ông Nguyễn Văn Huệ, sở dĩ công ty của ông chọn trồng thử nghiệm cây vải không hạt tại nông trường Sông Âm tỉnh Thanh Hóa mà không chọn các địa phương trồng vải nổi tiếng như Bắc Giang, Hải Dương... vì khu vực này có thổ nhưỡng và khi hậu tương đồng, thuận lợi cho cây vải phát triển nhưng vùng này cách xa các vùng vải truyền thống nên tránh được thụ phấn chéo, khiến sản phẩm không thuần khiết. Ông Huệ cho hay công ty của ông sẽ mở rộng diện tích trồng lớn hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/tao-dung-thu-phu-vai-khong-hat-20230620205102229.htm