Tạo giá trị cao hơn

Quý I-2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,79 triệu tấn, giá trị thu về 952 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022, khối lượng gạo xuất khẩu giảm tới 19,3% nhưng lại tăng 30,2% về giá trị kim ngạch. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh quý I-2023 tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm tới 14,4% (đạt giá trị 11,19 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Có mức tăng ấn tượng về giá trị trong khi sản lượng giảm là do mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam bán được giá trên thị trường quốc tế, với mức bình quân 3 tháng đầu năm 2023 đạt 531 USD/tấn. Đáng kể hơn, từ tháng 8-2022 đến nay, giá gạo 5% tấm xuất khẩu củaViệt Nam luôn ở mức cao nhất thế giới, vượt Thái Lan 15-27 USD/tấn và Ấn Độ 40-50 USD/tấn.

Gạo là mặt hàng chủ lực trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong nhiều năm qua. Việc bán được giá cao nhất thế giới trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay cho thấy, chất lượng hạt gạo xuất khẩu của nước ta đã khẳng định được vị thế và uy tín trên thị trường quốc tế.

Nhìn từ hiệu quả của hạt gạo xuất khẩu có thể thấy, việc nâng cao về chất sẽ bảo đảm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt. Nói cách khác, trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, chúng ta cần thống nhất quan điểm là không chỉ nâng cao sản lượng, mà phải tạo ra giá trị cao hơn, bền vững hơn.

Năm 2023, dự báo kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 55 tỷ USD. Ngành Nông nghiệp xác định, cùng với tăng sản lượng sẽ tập trung nâng cao chất lượng nông sản trên chính thị trường nội địa, qua đó làm cơ sở thúc đẩy nông sản vươn ra mạnh mẽ và bền vững trên thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 chậm lại, tình trạng lạm phát cao tại một số nước đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu; chưa kể nông sản nước ta đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa của nhiều nước khác; vì vậy, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông sản trong năm 2023 là điều không hề dễ dàng.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đặc biệt là hệ thống cơ quan thương vụ của nước ta ở nước ngoài để phát huy tốt hơn nữa việc hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng. Đồng thời, tiếp tục tận dụng các hiệp định thương mại tự do để hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực; bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.

Song song, ngành Nông nghiệp và Công Thương cần phối hợp với các bộ, ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ quốc tế kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản; tổ chức cho doanh nghiệp tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam ở các nước để mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, cần tiếp tục quan tâm và nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo, định hướng phát triển thị trường xuất khẩu nông sản.

Ở góc độ các doanh nghiệp xuất khẩu, cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh bằng sản phẩm chất lượng, đáp ứng đầy đủ những tiêu chí của nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp, người sản xuất phải làm sao giữ được chữ tín đối với người tiêu dùng tại nước nhập khẩu với sản phẩm thân thiện môi trường, có lợi cho sức khỏe và bảo đảm an toàn thực phẩm. Đó chính là cách để tạo ra giá trị cao hơn, bền vững hơn cho nông sản xuất khẩu của nước ta trong thời gian tới.

Bắc Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1059961/tao-gia-tri-cao-hon