Tạo giá trị mới cho bảo tàng
Những năm gần đây, nhiều bảo tàng chuyển mình mạnh mẽ từ không gian trưng bày truyền thống sang trung tâm giáo dục và trải nghiệm đa dạng. Điều này không chỉ giúp bảo tàng thu hút đông đảo khách tham quan mà còn góp phần nâng cao nhận thức và kiến thức của công chúng về lịch sử, văn hóa dân tộc.
Vì nghiên cứu và giáo dục
Ngoài các nhiệm vụ căn bản như nghiên cứu khoa học phục vụ bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; sưu tầm, kiểm kê, tư liệu hóa, bảo quản và quản lý hiện vật; trưng bày hiện vật..., dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bổ sung nhiệm vụ mới cho bảo tàng. Khoản d, Điều 12, Chương V, dự thảo Luật quy định bảo tàng có nhiệm vụ “diễn giải, giáo dục và truyền thông di sản văn hóa thuộc đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng”.
Không còn là không gian tĩnh lặng với hàng loạt hiện vật được bảo quản cẩn thận sau tấm kính hoặc trong nhà kho, trên thực tế, bảo tàng đang chuyển mình, trở thành trung tâm giáo dục và trải nghiệm sống động. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, bảo tàng áp dụng nhiều phương tiện mới để tạo ra những trải nghiệm tương tác cho khách tham quan. Các chương trình giáo dục được thiết kế không chỉ cho trẻ em mà còn cho người lớn, nhằm khuyến khích sự hiểu biết và tôn trọng đối với di sản. Bảo tàng cũng trở thành không gian cho các sự kiện cộng đồng, từ triển lãm nghệ thuật đến các buổi hòa nhạc và workshop sáng tạo… thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng.
Sự chuyển mình này không chỉ giúp bảo tàng duy trì mối liên hệ trong đời sống xã hội hiện đại mà còn mở ra cơ hội mới cho giáo dục và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Theo đó, bảo tàng không chỉ là nơi để “nhìn” mà còn để “trải nghiệm” và “tương tác”. Ở đó, mỗi cá nhân có thể tìm thấy một phần của mình trong dòng chảy của lịch sử và văn hóa. Như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, bà Lê Thị Liên, cán bộ Phòng Giáo dục - Công chúng, cho biết, giáo dục là hoạt động thế mạnh của Bảo tàng, với 60 - 70% khách tham quan là học sinh. Bảo tàng là nơi để học sinh đến tìm hiểu, cung cấp kiến thức cơ bản về lịch sử, văn hóa, di sản dân tộc.
“Hiện nay, Bảo tàng xây dựng ba gói sản phẩm cung cấp cho từng đối tượng khách tham quan: tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp cho nhóm gia đình, bố mẹ, con cái cùng tham gia hoạt động tương tác, trải nghiệm; kết nối với các đơn vị du lịch xây dựng chương trình dành cho nhà trường thông qua các hoạt động ngoại khóa; chương trình hoạt động giáo dục mang tính chuyên ngành, chuyên sâu thông qua tổ chức các workshop, giao lưu, tọa đàm hướng đến đối tượng công chúng đặc thù”, bà Lê Thị Liên nói.
Với lợi thế lưu giữ kho tàng di sản quý giá là các tài liệu, hiện vật về lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội của Thủ đô nghìn năm văn hiến, với khuôn viên, không gian lớn, hiện đại, Bảo tàng Hà Nội đã xây dựng các hoạt động trải nghiệm giáo dục ở khuôn viên bảo tàng như: các trò chơi dân gian, chợ Tết, rước trăng chơi phố dịp Trung thu… Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ cho biết: “Chúng tôi coi đó là thước đo quan trọng trên hành trình phát triển, thực hiện sứ mệnh mới của Bảo tàng. Hoạt động trải nghiệm giữ vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục, cũng là hoạt động góp phần tạo nên thành công cho các trưng bày tại Bảo tàng”.
Mối quan hệ tương hỗ
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ, trong thế kỷ XXI, thử thách lớn nhất mà tất cả bảo tàng phải đối mặt chính là khẳng định bảo tàng dành cho con người và tương lai của bảo tàng phụ thuộc vào việc tự nâng cấp, tự phát triển để đáp ứng nhu cầu đã được thị trường chỉ rõ. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra thách thức cho các nhà quản lý bảo tàng trong việc cân bằng giữa bảo tồn và đổi mới. Cùng với sự ứng dụng công nghệ, việc tăng cường kết nối giữa bảo tàng và cộng đồng sáng tạo rất quan trọng.
Bảo tàng ra đời để phục vụ cộng đồng, mang lại cho công chúng những giá trị và trải nghiệm quý giá. Tuy nhiên, giá trị đó không chỉ nằm ở hiện vật trưng bày mà còn thể hiện ở trách nhiệm của người làm bảo tàng với giáo dục. Đó là làm sao để công chúng có thể cảm nhận, hiểu và giữ ấn tượng tốt về di sản. Để đạt được điều này, phải nhìn từ góc độ của công chúng, từ đó đa dạng hóa hoạt động giáo dục và trải nghiệm. Đồng thời, kết nối với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp… có liên quan để đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng.
“Bảo tàng và cộng đồng có mối quan hệ tương hỗ sâu sắc. Đây không phải phép cộng mà là một, là sự hợp nhất tạo ra giá trị mới của bảo tàng”. Nhận định như vậy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam Nguyễn Thị Lệ Quyên phân tích, việc quảng bá di sản văn hóa phi vật thể hiện nay không chỉ dừng ở đưa hình ảnh các di sản hiển thị ngoài cộng đồng qua các buổi biểu diễn quy mô lớn, mà bên cạnh đó, những chương trình biểu diễn quy mô nhỏ, talkshow, triển lãm… vừa mang tính quảng bá gắn với hoạt động giáo dục đã mang lại hiệu quả rất lớn, giúp du khách có “điểm chạm” với di sản và có nhu cầu tìm hiểu sâu kỹ hơn về di sản… Những hoạt động quy mô nhỏ này có thể kết hợp với nhiều không gian, đặc biệt là bảo tàng.
Từ góc độ của người tổ chức các chương trình giáo dục, đạo diễn, MC Ninh Quang Trường cho rằng, để thu hút công chúng tới không gian trải nghiệm cần khai thác chính nền tảng hiện vật, sản phẩm cũng như không gian sẵn có của bảo tàng. Người làm bảo tàng phải tìm ra từ khóa để thu hút công chúng đến với không gian, dò tìm “long mạch” - nắm bắt nhu cầu của khách tham quan để xây dựng chương trình hấp dẫn, vừa có tính giải trí nhưng vẫn bảo đảm tính giáo dục.
“Để bảo tàng trở thành điểm đến thu hút gắn liền với hoạt động giáo dục, trải nghiệm, cần hiểu cốt lõi nhu cầu của người đến thưởng thức, từ đó thiết kế những sản phẩm phù hợp, cung cấp lượng thông tin thích hợp và chọn cách kể chuyện cuốn hút. Tuy nhiên, các bảo tàng đã thực sự sẵn sàng tham gia vào quá trình giáo dục hay chưa? Đây là vấn đề đáng suy ngẫm để các bảo tàng có thể phát huy trọn vẹn vai trò của mình trong việc tổ chức hoạt động trải nghiệm, giáo dục toàn diện”, đạo diễn Ninh Quang Trường nói.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/tao-gia-tri-moi-cho-bao-tang-i372471/