Tạo giá trị mới từ nông nghiệp du lịch
Nhiều nông dân tham gia làm du lịch, hoạt động hiệu quả đã góp phần cải thiện cuộc sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương.
Chiều 30/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề: Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng các bộ: NNPTNT, KHĐT; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân vận Trung ương, Bộ Công an, Bộ KHCN, Bộ TNMT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TBXH, Bộ TTTT, Bộ Tư pháp, Bộ VHTTDL, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bộ Quốc phòng.... cùng trên 70 nông dân tiêu biểu đại diện cho 10,2 triệu hộ hội viên hội nông dân trên cả nước.
Hỗ trợ, khuyến khích người nông dân làm du lịch nông nghiệp để tạo việc làm, sinh kế, thu nhập
Tại buổi đối thoại, nông dân Nguyễn Văn Hữu (Hợp tác xã nông nghiệp và thương mại Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang) bày tỏ, hiện nay, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, nhiều nông dân tham gia làm du lịch, hoạt động hiệu quả, góp phần cải thiện cuộc sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Đây cũng là chủ trương của Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững trong thời gian tới đây.
Ông Nguyễn Văn Hữu mong muốn được biết Thủ tướng, Chính phủ có chính sách gì để hỗ trợ, khuyến khích người nông dân làm du lịch nông nghiệp để tạo việc làm, sinh kế, thu nhập, nâng cao đời sống, phát huy lợi thế địa phương?
Chia sẻ về nội dung này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ 2010 đến nay, đặc biệt từ 2021-2025 đã xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để các bộ, ngành tham mưu.
Theo đó, ngày 22/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg về Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, xác định du lịch nông nghiệp nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Theo Quyết định số 992 mục tiêu chung là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Mục tiêu đến năm 2025: Phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.
Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.
Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù.
Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất một nhân viên thành thạo ngoại ngữ.
Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc.
Theo bà Trịnh Thị Thủy, năm 2023, Bộ VHTTDL đã tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và người dân tiếp cận thông tin về cơ chế chính sách, đặc biệt giới thiệu thêm về phát triển văn hóa du lịch cộng đồng. Đồng thời xây dựng chuyên trang quảng bá, giới thiệu về du lịch nông thôn.
Hiện nay, để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân và người dân đầu tư phát triển du lịch nông thôn có cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, Bộ VHTTDL đang chỉ đạo xây dựng các hướng dẫn, thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế kỹ thuật, hướng dẫn triển khai thực hiện, cung cấp dịch vụ công tổ chức phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam.
Bộ VHTTDL cũng đang triển khai xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam, trong đó xác định nâng cao thu nhập cho người dân, tổ chức tập huấn cho người dân, nâng cao năng lực, kỹ năng du lịch cộng đồng, giới thiệu về điểm đến…
Về phía các địa phương, theo tổng hợp, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức triển khai Quyết định số 992 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đã xây dựng các đề án, kế hoạch để triển khai thực hiện phát triển du lịch nông thôn. Đặc biệt, Bắc Giang là địa phương rất sớm triển khai Quyết định này, trong đó tỉnh đã xác định 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Phải làm tốt quy hoạch phát triển du lịch gắn với thiên nhiên, di sản, truyền thống văn hóa lịch sử
Trao đổi thêm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, nông nghiệp là ngành vừa phát thải, vừa hấp thu, hấp thu thì có rừng, phát thải có trồng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Bộ NNPTNT đang xây dựng lại cấu trúc phát thải của tất cả các ngành liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, thời gian vừa rồi, Lục Ngạn đã làm du lịch nông nghiệp với các show diễn rất hay. Nền nông nghiệp giải trí hay nông nghiệp du lịch sẽ tạo ra giá trị mới.
Cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chúng ta rất tự hào về phong cảnh thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa của đất nước ta – đây cũng là những trụ cột chính để phát triển đất nước. Người dân Việt Nam rất cần cù, nông dân cởi mở, thật thà…, đây cũng là những yếu tố rất cần để phát triển du lịch.
Thủ tướng nhắc tới một số di sản văn hóa tiêu biểu của các vùng miền như tín ngưỡng thờ mẫu; hát then, hát xoan, quan họ tại miền Bắc; miền Trung có hát ví dặm, nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; đàn ca tài tử, cải lương ở Nam Bộ… Cùng với đó là rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa, các di sản thiên nhiên như Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng, Yên Tử…
Theo Thủ tướng, muốn khai thác, phát huy được các tiềm năng này, trước hết, phải làm tốt việc quy hoạch phát triển du lịch gắn với thiên nhiên, di sản, truyền thống văn hóa lịch sử tại các vùng miền.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/tao-gia-tri-moi-tu-nong-nghiep-du-lich-20231230193114627.htm