Tạo hành lang pháp lý ngăn chặn doanh nghiệp tạo thế độc quyền

Ngày 13-9, tại Hà Nội, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức Hội thảo tuyên truyền phổ biến Luật cạnh tranh 2018.

Ngày 12-6-2018, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5. So với Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Cạnh tranh 2018 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế. Trong đó, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp là Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Cụ thể, Luật quy định điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam cho dù hành vi được thực hiện ở trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam.

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm tạo hành lang pháp lý để điều tra, xử lý toàn diện mọi hành vi cạnh tranh dù xảy ra tại đâu nhưng có tác động hoặc có khả năng gây tác động tiêu cực đối với cạnh tranh trên thị trường Việt Nam, góp phần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh cho thị trường trong nước. Quy định này cũng giúp cơ quan cạnh tranh Việt Nam hợp tác với cơ quan cạnh tranh của các nước khác trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh, tạo điều kiện thực thi các cam kết về cạnh tranh trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương.

Theo ông Phùng Văn Thành, Phòng Điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), Luật Cạnh tranh năm 2018 đã thay đổi căn bản cách tiếp cận để hoàn thiện các quy định kiểm soát tập trung kinh tế. Luật Cạnh tranh mới đã thay đổi căn bản về tư duy lập pháp, theo đó Luật thừa nhận tập trung kinh tế là quyền tự nhiên của doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh. Do đó, Luật không quy định cấm tập trung kinh tế một cách máy móc dựa trên mức thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan như qui định tại Luật Cạnh tranh năm 2004. Ngược lại, Luật chỉ quy định cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế khi hành vi tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.

Bên cạnh đó, Luật cũng tổ chức lại cơ quan cạnh tranh để tăng cường hiệu quả thực thi khi quy định thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trên quan điểm tổ chức lại các cơ quan cạnh tranh. Đây là điểm mới quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi của cơ quan cạnh tranh. Mô hình Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phù hợp với xu hướng chung của thế giới đồng thời giúp thu giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với bối cảnh kinh tế và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/tao-hanh-lang-phap-ly-ngan-chan-doanh-nghiep-tao-the-doc-quyen-549431