Tạo hình độc đáo trên trái cây phục vụ thị trường Tết

Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025, nhà vườn ở tỉnh Hậu Giang đã ứng dụng biện pháp tạo hình trên trái cây cho ra đời nhiều sản phẩm tạo hình độc đáo có tính thẩm mỹ cao, góp phần nâng tầm giá trị nông sản trên thị trường.

Nông dân kiểm tra sản phẩm xoài in chữ thư pháp.

Nông dân kiểm tra sản phẩm xoài in chữ thư pháp.

Từ trái xoài thông thường, anh Bùi Văn Thức, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã học hỏi, đúc kết kinh nghiệm đưa ra thị trường sản phẩm xoài in chữ thư pháp thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng gần xa. Qua bàn tay khéo léo, đam mê sáng tạo, năm nay anh dự kiến sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 1.500 trái xoài chữ các loại.

Anh Bùi Văn Thức chia sẻ, vì đam mê, nhà vườn quyết làm cho được sản phẩm tốt nhất đưa ra thị trường. Các mẫu chữ năm nay có cải tiến, nếu năm rồi chủ yếu là mẫu xoài chữ tài lộc, thì nay tôi có thêm các mẫu chữ theo theo yêu cầu của khách và mẫu logo công ty, tên cá nhân theo yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, anh tiếp tục làm bộ combo giỏ quà tặng “cầu - dư - dừa - đủ - xoài” cho các đơn đặt hàng biếu, tặng, phục vụ trưng bày.

Từ những loại trái cây thông thường, qua bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, nông dân Hậu Giang đã nâng tầm giá trị, tạo tiếng vang cho nông sản Hậu Giang trên thị trường. Năm nay nhà vườn trong tỉnh dự kiến đưa ra thị trường trên 4.500 sản phẩm trái cây tạo hình phục vụ nhu cầu trưng Tết, biếu, tặng. Nhiều nhất là xoài chữ thư pháp khoảng 3.000 trái, đu đủ in chữ khoảng 500 trái, còn lại là dưa hấu hồ lô, đào tiên hồ lô, dừa, bưởi hồ lô…

Bảo quản trái xoài được in chữ thư pháp của nông dân huyện Châu Thành (Hậu Giang).

Bảo quản trái xoài được in chữ thư pháp của nông dân huyện Châu Thành (Hậu Giang).

Là nhà vườn có nhiều kinh nghiệm trong việc tạo hình trên trái bưởi, năm nay ông Trần Văn Đủ, ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang dự kiến cho ra thị trường khoảng 100 trái bưởi hồ lô đạt chuẩn. Theo ông Đủ, trái bưởi tạo hình giúp nông dân tăng giá trị nông sản, tuy nhiên việc tạo hình trên trái đòi hỏi lắm công phu, thời gian chăm sóc; yếu tố thời tiết và độ tuổi của vườn bưởi cũng tác động lớn đến tỷ lệ thành công của sản phẩm.

Ông Đủ chia sẻ, bắt đầu từ tháng 5 đã phải xử lý bông, bón phân bổ sung dinh dưỡng để cây cho trái. Đến khoảng tháng 7 chọn trái tốt nhất, đẹp nhất cho vào khuôn vì muộn hơn không được, quả bưởi sẽ không đầy khuôn, chữ không nổi, không đạt yêu cầu. Đặc biệt, thời tiết năm nay khá thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến bưởi tạo hình. Nguồn cung dịp Tết hàng năm không đủ bởi việc tạo hình trên trái bưởi không dễ, đòi hỏi nhiều về kỹ thuật.

Cán bộ ngành nông nghiệp khảo sát tình hình sản xuất trái cây tạo hình phục vụ Tết Ất Tỵ 2025 tại Hậu Giang.

Cán bộ ngành nông nghiệp khảo sát tình hình sản xuất trái cây tạo hình phục vụ Tết Ất Tỵ 2025 tại Hậu Giang.

Theo đánh giá của nhà vườn, sản lượng trái bưởi tạo hình năm nay khá ít nên dự đoán sẽ hút hàng. Mọi năm, mỗi cặp bưởi tạo hình có giá bán gần 600.000 đồng, đơn đặt hàng chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Năm nay, nhà vườn đã nhận được yêu cầu đặt hàng từ sớm, giá bán sẽ được chốt gần thời điểm thu hoạch trái.

Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho hay, số lượng sản phẩm tạo hình phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm tạo hình được sản xuất chủ yếu ở vùng trồng cây ăn trái huyện Châu Thành. Bên cạnh việc tập trung vào kỹ thuật tạo hình, tạo chữ trên trái, những năm gần đây nông dân đã linh động hơn trong việc quảng bá sản phẩm đa kênh, xúc tiến tìm kiếm thị trường trên các nền tảng thương mại điện tử để tiêu thụ sớm.

Vườn trái cây tạo hình của ông Bùi Văn Thức, xã Đông Phú, huyện Châu Thành (Hậu Giang).

Vườn trái cây tạo hình của ông Bùi Văn Thức, xã Đông Phú, huyện Châu Thành (Hậu Giang).

Bà Nguyễn Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang cho biết: Từ ý tưởng của nông dân đã phát triển rất nhiều sản phẩm trái cây tạo hình phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Đây là những mặt hàng tạo ra nét độc đáo nâng tầm giá trị nông sản ngày Tết. Về chủng loại, bà con làm trên nhiều mặt hàng như đu đủ in chữ, bưởi hồ lô, xoài thư pháp, dưa hấu thỏi vàng, đào tiên hồ lô…, nhìn chung sản lượng có tăng hơn so với cùng kỳ.

Ngoài trái cây tạo hình, toàn tỉnh có khoảng 3.000 ha diện tích trồng cây ăn trái sẽ thu hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025. Ước sản lượng phục vụ Tết gần 40.000 tấn trái, chủ yếu là xoài, bưởi, cam, quýt, mãng cầu xiêm, mít, dứa… Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, đối với sản xuất nông sản nói chung và sản xuất nông nghiệp phục vụ Tết nói riêng, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, ngành đã sớm khuyến cáo nông dân chú ý đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lưu ý sử dụng những loại sản phẩm có nguồn gốc sinh học, cách ly trước khi thu hoạch để đảm bảo an toàn.

Bài và ảnh: Nguyễn Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tao-hinh-doc-dao-tren-trai-cay-phuc-vu-thi-truong-tet-20250115154646425.htm