Bên trong xưởng chế tác linh vật đường hoa Nguyễn Huệ Các nghệ nhân ở xưởng sản xuất Văn Tòng (quận 12, TP.HCM) tất bật hoàn thiện nhiều hạng mục, đặc biệt phần tạo hình linh vật chuẩn bị cho đường hoa Nguyễn Huệ.
Năm Nhâm Dần nên chủ đạo của đường hoa là những chú hổ. Xưởng Văn Tòng (quận 12) phụ trách thực hiện hơn 20 mô hình. Trong đó, hình tượng “song hổ tương phùng” cao 3 m, dài gần 7 m, tạo thành cổng đường hoa.
"Năm nay, đường hoa không còn hình ảnh gia đình sum vầy của các linh vật tại cổng chào như mọi năm. Cặp hổ cao 3 m, dài gần 7 m cũng không nằm ở vị trí trung tâm mà được chuyển sang hai bên, nhấn mạnh đến tập tính sống và hoạt động độc lập của loài này", nghệ nhân Văn Tòng, chủ cơ sở sản xuất, chia sẻ.
"Khoảng 2 tháng nay, công ty cho 40 nhân viên làm việc ngày đêm. Hoàn thiện một con hổ gồm 6 công đoạn, hổ nhỏ cần 3-4 ngày, hổ lớn cần khoảng nửa tháng", ông Tòng nói thêm.
Anh Tuấn cùng nhóm thợ hàn tất bật thực hiện công đoạn tạo khung cho cặp hổ to nhất và cũng là điểm nhấn của đường hoa năm nay.
Mô hình hổ cao 4,6 m, dài hơn 10 m, với bề ngoài lạnh lùng, tư thế sẵn sàng đối đầu và không ngại thử thách.
Những con hổ xốp đủ kích thước, hình dáng, chờ được trang trí. Năm nay, đường hoa có hơn 20 con hổ cỡ lớn bên cạnh nhiều mô hình linh vật nhỏ hoặc tranh ảnh cách điệu...
Hầu hết linh vật được làm từ xốp dẻo, đúc từng phần đầu, thân sau đó ghép lại. Các công đoạn sơn, trang trí được làm thủ công.
"Các linh vật hổ đa phần được làm từ mút xốp vì chất liệu này nhẹ, dễ tạo hình thiết kế. Mỗi công đoạn đều cần tỉ mỉ để tạo ra khí chất của hổ", anh Nghiêm Đại Thuận cho biết.
Ngoài ra, nhiều tiểu cảnh khác cũng được các công nhân tại xưởng tất bật hoàn thành.
Đường hoa Nguyễn Huệ 2022 mang chủ đề "Xuân quê hương - ấm tình nhân ái" ghi dấu ấn về một giai đoạn lịch sử khó quên của TP.HCM đang từng bước hồi sinh sau khi trải qua nhiều tháng là tâm dịch của cả nước. Đường hoa Nguyễn Huệ phục vụ người dân vui Tết trong 7 ngày (29/1-4/2).
Chí Hùng