Tạo không gian đưa Hà Giang phát triển bứt phá

Quỹ đất phát triển đô thị hạn chế, dân cư sống không tập trung là thách thức trong phát triển của Hà Giang. Tuy nhiên, Hà Giang lại có những đặc trưng nổi trội, khác biệt về cảnh quan, đa dạng về dân tộc, văn hóa, kiến trúc làm thế mạnh mà không phải địa phương nào cũng có được. Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã định hướng chiến lược cụ thể để Hà Giang tạo ra không gian, động lực phát triển mới.

Đặt mục tiêu GRDP giai đoạn 2021-2030 đạt 8%/năm

Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là phên giậu của quốc gia trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ, phát triển rừng và an ninh nguồn nước. Bên cạnh đó, Hà Giang là cửa ngõ phía Bắc, kết nối thuận lợi với hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc; có tiềm năng du lịch phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích, lễ hội truyền thống và địa danh lịch sử. Tuy nhiên, Hà Giang cũng có không ít khó khăn, thách thức như: Địa hình đồi núi hiểm trở, chia cắt, cách xa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, không gian phát triển hạn chế; nền kinh tế nhỏ, cơ cấu kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, nguồn nhân lực trình độ, năng suất lao động thấp...

 Hẻm Tu Sản là địa điểm du lịch độc đáo của Hà Giang. Ảnh: TUẤN HUY

Hẻm Tu Sản là địa điểm du lịch độc đáo của Hà Giang. Ảnh: TUẤN HUY

Theo đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ pháp lý, là công cụ quan trọng giúp Hà Giang khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, toàn diện trong thời gian tới. Quy hoạch tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của địa phương giai đoạn 2021-2030 đạt 8%/năm. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Hà Giang là tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ... Tầm nhìn đến năm 2050: Phấn đấu xây dựng tỉnh Hà Giang là tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước, theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; giữ vị trí quan trọng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ về phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, du lịch và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Quy hoạch tỉnh cũng xác định 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, 5 đột phá phát triển. Theo ý kiến của các chuyên gia, quy hoạch tỉnh Hà Giang đã thể hiện được tư tưởng đổi mới, với tư duy, tầm nhìn chiến lược và đầy khát vọng hướng tới sự phát triển toàn diện, bền vững, thể hiện sự bứt phá, có tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tạo ra tiềm năng mới, không gian mới, động lực và các giá trị mới. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Quy hoạch tỉnh Hà Giang đã cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chú trọng việc tăng cường công tác giữ đất, giữ rừng, giữ dân; củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại; góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực

Quy hoạch tỉnh Hà Giang đã đề ra những phương hướng, lộ trình cụ thể phát triển miền cao nguyên đá, nhưng điều quan trọng tiếp theo là triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch, hiện thực hóa cơ hội mở đường cho Hà Giang phát triển. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vấn đề quan trọng là phải huy động tốt các nguồn lực để thực hiện; trong quá trình triển khai cần đặc biệt chú ý đến việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực, các tài nguyên, nhất là đất đai. Cùng với đó, Hà Giang cần chủ động nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách đột phá; xác định có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên đầu tư các công trình có tính chất chiến lược, các dự án động lực, có tính lan tỏa lớn và có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội như: Các dự án tạo không gian phát triển mới và những động lực, năng lực mới, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững; trước hết tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án đường bộ cao tốc giai đoạn 1 từ Tuyên Quang-Tân Quang (Bắc Quang); đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh được nghiên cứu chuẩn bị dự án giai đoạn 2 từ Tân Quang-TP Hà Giang và Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp triển khai quy hoạch. Trong đó tập trung sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động khác để ưu tiên đầu tư, sớm hoàn thành các dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc, giao thông liên kết vùng, hạ tầng khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp, đô thị và kết cấu hạ tầng xã hội. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, các chỉ số cải cách hành chính, chuyển đổi số; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư để Hà Giang thực sự trở thành điểm đến đầu tư nổi bật, hấp dẫn. Tỉnh cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đóng góp những ý tưởng, triển khai thành công các dự án, đồng hành hiện thực hóa quy hoạch tỉnh Hà Giang.

MINH ĐỨC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tao-khong-gian-dua-ha-giang-phat-trien-but-pha-767288