Tạo khung quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách

Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (QLKT) - Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn về chế độ kế toán đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Cần thiết phải xây dựng văn bản pháp lý chung về kế toán đối với các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Ảnh: Khánh Huyền

Cần thiết phải xây dựng văn bản pháp lý chung về kế toán đối với các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Ảnh: Khánh Huyền

Dự thảo được xây dựng nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Góp phần huy động thêm nguồn lực tài chính

Hiện nay, có khoảng trên 40 quỹ/loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở trung ương và địa phương. Các loại quỹ rất đa dạng và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, được quản lý bởi nhiều bộ, ngành, địa phương và có quy mô khác nhau.

Các quỹ hiện nay được tổ chức chủ yếu theo 3 phương thức: hoạt động theo mô hình kiêm nhiệm được quản lý bởi các cơ quan nhà nước, đơn vị, tổ chức có hoạt động hỗ trợ của ngân sách nhà nước; hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập; hoạt động theo mô hình chuyên biệt (công ty TNHH một thành viên).

Nguồn lực tài chính của các quỹ về cơ bản được hình thành từ các nguồn chính như: nguồn độc lập với ngân sách nhà nước (NSNN), có nguồn thu và nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu và nhiệm vụ chi của ngân sách; NSNN cấp vốn điều lệ ban đầu khi thành lập, không hỗ trợ kinh phí hoạt động; NSNN hỗ trợ kinh phí hoạt động và vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, còn có các quỹ xã hội, quỹ từ thiện do các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và địa phương thành lập nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khuyến học, từ thiện, nhân đạo, phát triển cộng đồng, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện được Nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ đối với những hoạt động gắn với các nhiệm vụ của Nhà nước giao.

Việc thành lập và hoạt động của các quỹ đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra, góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực tài chính trong xã hội thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, giảm bớt gánh nặng cho NSNN.

Thông qua các hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính, thị trường tiền tệ, một số quỹ đã góp phần đa dạng các hoạt động tài chính của nhà nước, thúc đẩy sự phát triển của các thị trường này.

Xây dựng một văn bản pháp lý chung về chế độ kế toán

Theo đại diện lãnh đạo Cục QLKT, hiện nay chưa có một văn bản pháp lý quy định về chế độ kế toán chung áp dụng cho tất cả các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, quỹ xã hội, quỹ từ thiện khá phức tạp, chưa rõ ràng, chưa có một văn bản pháp luật mang tính khuôn khổ pháp lý chung để quản lý các quỹ một cách thống nhất, đặc biệt chưa có một hướng dẫn kế toán thống nhất áp dụng cho tất cả các loại quỹ.

Tùy theo mô hình hoạt động, các quỹ hoạt động là một đơn vị kế toán độc lập lựa chọn áp dụng chế độ kế toán phù hợp, trong đó: Một số quỹ có chế độ kế toán riêng, như: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Quỹ Tích lũy trả nợ, Quỹ Dự trữ quốc gia, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Quỹ Đầu tư địa phương.

Một số quỹ vận dụng chế độ kế toán của quỹ khác, như: Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện chế độ kế toán theo quy định đối với Quỹ Đầu tư phát triển địa phương. Một số quỹ áp dụng chế độ kế toán đơn vị hành chính, sự nghiệp: Quỹ Phát triển rừng Việt Nam, Quỹ Bảo trì đường bộ, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá,...; một số quỹ áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp. Do chưa có hướng dẫn kế toán cho các quỹ, việc vận dụng chế độ kế toán của quỹ khác hay chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp, chế độ kế toán doanh nghiệp chưa thật sự phù hợp với mô hình tổ chức và hoạt động của các quỹ, gây khó khăn cho quỹ trong công tác kế toán.

Hiện nay, ngày càng nhiều các quỹ được thành lập ở cả trung ương và địa phương. Tại các nghị định về cơ chế tài chính cho các quỹ mới thành lập đều có điều khoản quy định Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán cho quỹ, như: Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, Quỹ Bảo lãnh tín dụng,... Việc Bộ Tài chính phải hướng dẫn kế toán riêng cho từng quỹ sẽ làm phát sinh một khối lượng lớn công việc và các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính. Đồng thời, điều này dẫn đến việc thiếu đồng bộ trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, một trong số các kiến nghị mà Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra tại báo cáo là Chính phủ cần sớm nghiên cứu hình thành cơ sở pháp lý để thống nhất quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Hơn nữa, việc chưa có một hướng dẫn kế toán thống nhất cho các quỹ dẫn đến công tác kế toán của các quỹ tuy có hoạt động nghiệp vụ tương đối giống nhau nhưng áp dụng các chế độ kế toán khác nhau, dẫn đến việc cung cấp thông tin không thống nhất, gây khó khăn cho công tác quản lý điều hành của cơ quan quản lý nhà nước và thu thập số liệu để lập báo cáo tài chính nhà nước.

Do vậy, theo đại diện lãnh đạo Cục QLKT cho rằng, việc xây dựng, ban hành một thông tư hướng dẫn chế độ kế toán chung cho tất cả các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trong bối cảnh hiện nay là cần thiết.

Nội dung chính của dự thảo thông tư

Dự thảo thông tư này sẽ hướng dẫn chế độ kế toán cho quỹ (bao gồm hướng dẫn về hệ thống chứng từ kế toán, hệ thống tài khoản kế toán, hệ thống sổ kế toán, hệ thống báo cáo tài chính và hệ thống báo cáo quyết toán), không áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế của quỹ đối với ngân sách nhà nước.

Dự thảo thông tư hướng dẫn kế toán áp dụng cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, quỹ xã hội, quỹ từ thiện là đơn vị kế toán độc lập. Còn các quỹ khác, các chương trình, dự án vi mô và các tổ chức, đơn vị có mô hình, tính chất hoạt động tương tự được quyền vận dụng các quy định tại dự thảo thông tư này để thực hiện công tác kế toán của mình.

Dự thảo thông tư sẽ không áp dụng đối với Quỹ Tích lũy trả nợ, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Dự trữ quốc gia và Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và các quỹ không phải là đơn vị kế toán độc lập.

Đức Minh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2021-04-16/tao-khung-quan-ly-quy-tai-chinh-nha-nuoc-ngoai-ngan-sach-102541.aspx