Tạo khuôn khổ pháp lý toàn diện và hiện đại

Tháng 9.2022, Vụ Viễn thông của Chính phủ Ấn Độ đã công bố dự thảo Luật Viễn thông Ấn Độ năm 2022 để lấy ý kiến công chúng. Mục đích là để tạo khuôn khổ pháp lý toàn diện và hiện đại cho lĩnh vực viễn thông nước này. Được biết, trong thời gian sắp tới, dự luật sẽ sớm được trình ra Quốc hội.

Nguồn: ifsecglobal.com

Nguồn: ifsecglobal.com

Dự thảo Luật Viễn thông Ấn Độ năm 2022 là nỗ lực hợp nhất các luật khác nhau hiện điều chỉnh việc cung cấp, vận hành và phát triển viễn thông ở Ấn Độ. Nó sẽ bãi bỏ Luật Điện báo Ấn Độ năm 1885, Đạo luật Điện báo không dây Ấn Độ năm 1933 và Đạo luật Điện báo có dây năm 1950. Chính phủ Ấn Độ cho rằng, dự luật không nên được xem xét một cách biệt lập mà nên là một phần của khuôn khổ kỹ thuật số lớn hơn, theo sau Luật Kỹ thuật số và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Dự luật trao quyền cho Chính phủ quản lý ba khía cạnh quan trọng của viễn thông: đó là thiết bị và hạ tầng viễn thông, mạng và dịch vụ viễn thông, và phổ tần số.

Mở rộng các định nghĩa

Tác động sâu rộng nhất của dự luật là thông qua các định nghĩa pháp lý được mở rộng. Dự luật mở rộng định nghĩa về “dịch vụ viễn thông” để bao gồm một số dịch vụ mới như các kênh truyền hình, đài phát thanh cộng đồng, dịch vụ phát thanh FM, dịch vụ truyền hình qua giao thức Internet, các hộp thư điện tử như Yahoo, Hotmail, Gmail, hộp thư thoại như Vodafone, Airtel, các dịch vụ truyền thông video như Skype, dịch vụ truyền dữ liệu, dịch vụ Audiotex, videotex, các dịch vụ Internet và băng thông rộng, dịch vụ truyền thông dựa trên vệ tinh, dịch vụ liên lạc dựa trên Internet như WhatsApp, Gmail, Zoom, Microsoft Teams, dịch vụ liên lạc cá nhân như Signal, Telegram, WhatsApp, dịch vụ liên lạc giữa máy với máy như ô tô thông minh, tivi thông minh, đồng hồ thông minh, cảm biến công nghiệp…

Dự luật cũng định nghĩa thuật ngữ “viễn thông” là “việc truyền, phát hoặc nhận bất kỳ thông báo nào bằng dây, radio, quang học hoặc hệ thống điện từ khác” và thuật ngữ “tin nhắn” là “bất kỳ dấu hiệu, tín hiệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh, video, luồng dữ liệu hoặc thông tin dành cho viễn thông”.

Chỉ định phổ tần số

Phổ tần số cho viễn thông không dây có thể được chỉ định thông qua: đấu giá, quy trình hành chính đối với các chức năng hoặc mục đích của chính phủ vì lợi ích hoặc sự cần thiết của công chúng... Để cho phép sử dụng phổ tần số hiệu quả hơn, chính quyền trung ương có thể tái sử dụng hoặc chỉ định lại bất kỳ dải tần số nào. Chính quyền cũng có thể cho phép chia sẻ, mua bán, cho thuê và nhượng lại phổ tần.

Thẩm quyền cấp phép

Dự luật trao cho Chính phủ đặc quyền cung cấp dịch vụ viễn thông và quyền thực thi đặc quyền của mình bằng cách cấp giấy phép cho các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông. Do đó, mọi thực thể trong phạm vi của “dịch vụ viễn thông”, như Google Meet, Signal, Gmail, Instagram, Zoom, Microsoft Teams… sẽ phải xin giấy phép từ Chính phủ Ấn Độ để có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ ở nước này. Dự luật đưa ra hình phạt đối với hành vi cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc thiết lập mạng viễn thông mà không có giấy phép, trong đó phạt tù lên đến một năm hoặc phạt tiền lên đến 5 triệu INR hoặc cả hai. Ngoài ra, một người hoặc tổ chức có thể bị phạt tới 100.000 INR vì sử dụng mạng, cơ sở hạ tầng hoặc mạng viễn thông không được cấp phép…

Quản lý người dùng

Ngoài ra, dự thảo Luật Viễn thông năm 2022 quy định, mọi thực thể nhận được giấy phép phải “xác định rõ ràng đối tượng mà họ cung cấp dịch vụ, thông qua phương thức nhận dạng có thể kiểm chứng được theo quy định”. Dự luật nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ngăn chặn gian lận trên mạng và thiết lập nhu cầu xác định danh tính của một người thực hiện cuộc gọi hoặc gửi tin nhắn bằng các dịch vụ viễn thông. Người dùng không được phép cung cấp thông tin sai lệch, che giấu thông tin hoặc mạo danh người khác để sử dụng các dịch vụ viễn thông. Hành vi vi phạm sẽ bị phạt tới 1 năm tù hoặc phạt tiền tới 50.000 INR, hoặc bị đình chỉ dịch vụ hoặc kết hợp các hình phạt này. Chính quyền trung ương có thể quy định các biện pháp để bảo vệ người dùng khỏi liên lạc không mong muốn bao gồm: yêu cầu sự đồng ý của người dùng để nhận một số loại tin nhắn nhất định, chuẩn bị và duy trì đăng ký “Không làm phiền” và báo cáo tin nhắn không mong muốn.

Quyền đình chỉ Internet

Dự luật Viễn thông năm 2022 có điều khoản cho phép Chính phủ Ấn Độ quyền đình chỉ các dịch vụ Internet. Theo đó, các mạng liên lạc hoặc viễn thông có thể bị đình chỉ nếu Chính phủ thấy cần thiết, phù hợp, vì lợi ích của chủ quyền, toàn vẹn hoặc an ninh của đất nước, quan hệ hữu nghị với các quốc gia khác, trật tự công cộng, hoặc để ngăn ngừa xúi giục phạm tội. Trong dự luật cũng có việc yêu cầu các mạng viễn thông xác định và sau đó lọc dữ liệu mà Chính phủ cho là không phù hợp. Ngoài ra, chính quyền trung ương có thể sở hữu tạm thời bất kỳ cơ sở hạ tầng, mạng hoặc dịch vụ viễn thông nào khi xảy ra bất kỳ trường hợp khẩn cấp công cộng nào.

Quỹ Phát triển viễn thông

Ở Ấn Độ, Quỹ Nghĩa vụ dịch vụ toàn cầu đã được thành lập để cung cấp các dịch vụ viễn thông ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, dự luật đổi tên quỹ thành Quỹ Phát triển viễn thông, được sử dụng cho nghiên cứu, phát triển các dịch vụ, công nghệ và sản phẩm viễn thông mới, cũng như hỗ trợ phát triển, đào tạo kỹ năng trong lĩnh vực viễn thông.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/tao-khuon-kho-phap-ly-toan-dien-va-hien-dai-i332130/