Tạo lập môi trường kinh doanh vận tải minh bạch, công bằng

Sở GTVT Hà Nội thu hồi 85 giấy phép kinh doanh, tước hàng nghìn phù hiệu xe vi phạm. Đây là một động thái cứng rắn, cần thiết nhằm mục đích tạo sân chơi công bằng, trong sạch cho các đơn vị kinh doanh vận tải'.

Thu hồi 85 giấy phép kinh doanh

Theo quy định tại mục b, Khoản 6 Điều 19 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các đơn vị vận tải “không kinh doanh vận tải trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh. Sở GTVT TP Hà Nội vừa ra quyết định thu hồi 85 giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nằm trong trường hợp này.

Đại diện lãnh đạo Sở GTVT TP Hà Nội cho biết: “Các đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm, nộp lại giấy phép kinh doanh đã được Sở GTVT TP Hà Nội cấp trong thời hạn 7 ngày kể từ khi quyết định có hiệu lực. Đồng thời, các đơn vị này, dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của đơn vị đối với loại hình bị thu hồi theo quyết định”.

Lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội kiểm tra các điều kiện vận tải của xe khách.

Lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội kiểm tra các điều kiện vận tải của xe khách.

Ngoài việc phải nộp lại phù hiệu, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị này phải dừng ngay việc kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải khách du lịch bằng xe ô tô. Đồng thời, Sở GTVT Hà Nội giao Thanh tra Sở phối hợp với Phòng Quản lý vận tải tổ chức kiểm tra, giám sát; phối hợp với các sở, ngành, lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố xử lý nghiêm nếu đơn vị không chấp hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh.

Sở GTVT các địa phương tổ chức tổng kiểm tra tình hình hoạt động của xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch, chú trọng kiểm tra đối với phương tiện từ 10 chỗ trở lên; kiểm tra, xử lý nghiêm “xe dù, bến cóc”, xe trá hình tuyến cố định.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Sở GTVT Hà Nội cũng ra quyết định thu hồi 1.126 phù hiệu, biển hiệu của các phương tiện vi phạm tốc độ, thông qua trích xuất dữ liệu trên Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam.

Trong danh sách phương tiện vi phạm Sở GTVT Hà Nội vừa công bố, đáng chú ý có xe container mang biển kiểm soát 29H - 721.xx, của Công ty cổ phần PGG Việt Nam, vi phạm tốc độ 256 lần; xe container biển kiểm soát 29H - 719.xx của Công ty cổ phần Chuỗi cung ứng AVS vi phạm 257 lần; xe tải biển kiểm soát 29F - 049.xx của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TRANSLINK vi phạm 276 lần…

Động thái cứng rắn

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, bên cạnh việc thu hồi 85 giấy phép kinh doanh của các cá nhân, đơn vị đã ngừng kinh doanh 6 tháng, những phòng, ban liên quan cũng được giao thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về điều kiện an toàn giao thông của đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn, đặc biệt từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình đối với xe ôtô kinh doanh vận tải để kiểm tra việc thực hiện quy định về thời gian lái xe, tốc độ, điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, điều kiện của người lái xe kinh doanh vận tải, chở đúng số người quy định…

Kịp thời rà soát, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý tồn tại, vi phạm đồng thời hướng dẫn các đơn vị được kiểm tra thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Anh Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công ty dịch vụ vận tải An Linh chia sẻ: “Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 47/2022/NĐ-CP) cơ bản đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đã cắt giảm các thủ tục hành chính và những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp. Việc Sở GTVT Hà Nội thực hiện thu hồi giấy phép, tước phù hiệu thường xuyên đối với những đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm các quy định của pháp luật đang tạo lập môi trường kinh doanh vận tải minh bạch, công bằng hơn; đồng thời đảm trật tự an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải”.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Phạm Thanh Hải - Trưởng Văn phòng luật Hải Thanh chia sẻ: “Sở GTVT Hà Nội tước hàng nghìn phù hiệu xe vi phạm cũng như thu hồi giấy phép kinh doanh của gần 100 đơn vị vận tải là một động thái cứng rắn, cần thiết nhằm mục đích tạo sân chơi công bằng, trong sạch cho các đơn vị kinh doanh vận tải”.

Tuy nhiên, vị luật sư này cho rằng, một số xe không được cấp phù hiệu, hoặc thu hồi phù hiệu vẫn hoạt động. Điều này khiến cho môi trường kinh doanh vận tải trở nên thiếu công bằng, ảnh hưởng đến an toàn người tham gia giao thông trên chính phương tiện đó cũng như các phương tiện khác.

Về mặt quản lý Nhà nước gây khó khăn trong việc truy xuất truy vết các phương tiện này trong quá trình tham gia giao thông, đặc biệt xảy ra vi phạm hoặc tai nạn. Do đó, cần phải mạnh tay hơn với các loại xe vi phạm.

“Đơn vị quản lý Nhà nước cần tăng cường các công tác thu hồi phù hiệu, giấy phép kinh doanh. Đồng thời tăng cường tuần tra, giám sát xe không đủ điều kiện vẫn hoạt động, nhất là các xe điện ở khu du lịch. Bên cạnh đó, cũng cần ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải xe ôtô không thời hạn với một số đơn vị nhà xe khi gây hậu quả nghiêm trọng hay vi phạm quá nhiều lần” – luật sư Phạm Thanh Hải

Phạm Công

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tao-lap-moi-truong-kinh-doanh-van-tai-minh-bach-cong-bang.html