Tạo lòng tin của người dân với bảo hiểm y tế

Khẳng định thêm về chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam nhấn mạnh, BHYT đang là phao cứu sinh giúp quản lý rủi ro, giúp cho người dân tránh bẫy nghèo y tế, nên cần tích cực tham gia vì cộng đồng và vì chính mình.

Thống kê đến 5/2019 của BHXH Việt Nam cả nước đã có 84,5 triệu người dân có thẻ BHYT và đã đạt được tỉ lệ bao phủ là 89%. Trong đó, theo ông Phạm Lương Sơn, hiện nay các nhóm đối tượng là người lao động đã tham gia BHYT trên 90%, nhóm người hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội thì 100% đã tham BHYT với khoảng 3,1 triệu người có thẻ BHYT. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ bao gồm có hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên (HSSV) cũng đã có cái tỷ lệ tham gia xấp xỉ 100%.

Đặc biệt, nhóm hộ gia đình mà trước đây được tham gia BHYT dưới hình thức tự nguyện, từ ngày Luật BHYT sửa đổi năm 2014 thì chuyển thành đối tượng tham gia BHYT bắt buộc nhưng theo hình thức là hộ gia đình, thì đến tháng 5/2019 đã có trên 17 triệu người tham gia. “Đây là con số thể hiện sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị cũng như là sự quan tâm người dân trong quá trình tham gia BHYT”- ông Sơn nhấn mạnh.

Tiếp tục tuyên truyền để người dân tham gia BHYT

Tiếp tục tuyên truyền để người dân tham gia BHYT

Với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao tổ chức thực hiện chính sách BHYT, ông Phạm Lương Sơn chia sẻ, BHYT cũng như là các loại hình bảo hiểm khác tuân theo nguyên lý quản lý và chia sẻ rủi ro. Vấn đề ở đây là cái quản lý rủi ro trong lĩnh vực y tế nó mang một ý nghĩa nhân văn hết sức lớn, bởi vì nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân và cho chính bản thân mình là rất chính đáng. Sau 27 năm tham gia BHYT, nhiều người đánh giá BHYT như phao cứu sinh để giúp người dân thoát khỏi bẫy nghèo y tế. Trong bối cảnh nhu cầu khám chữa bệnh càng tăng, chi phí ngày càng lớn, công nghệ ngày càng cao thì đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng, mà BHYT chính là sự chung tay đóng góp của cả cộng đồng với Đảng, nhà nước để chăm lo cho sức khỏe nhân dân cũng như sức khỏe của chính bản thân mình.

Ghi nhận những bước tiến trong việc thực hiện chính sách BHYT, ông Bùi Sĩ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay, ngành y tế đã có một bước tiến dài trong lịch sử. Từ khi chúng ta thực hiện chính sách BHYT, quá trình khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm phục vụ bệnh nhân tốt lên nhiều. Tuy nhiên, so với nhu cầu của xã hội, so với yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân tở một khía cạnh khác, chúng ta chưa đáp ứng được mong muốn, ý chí của nhân dân. Chính vì điều đó, có những người không muốn tham gia BHYT và cho rằng khi ốm mới đến các tuyến cơ sở y tế và không dùng BHYT có khi tốt hơn dùng BHYT.

Thực tế, hiện các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến trung ương trở lên tương đối tốt và đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhưng điều cốt lõi khiến người dân chưa tin tưởng vào BHYT là từ tuyến huyện xuống tuyến xã có vấn đề. Bởi không được nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là tuyến cấp xã, phường, thị trấn. Chính vì lẽ đó, dẫn đến vượt tuyến, quá tải bệnh viện tuyến trên. Điều này không đúng với tinh thần Nghị quyết của Trung ương là chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, chúng ta từng đánh giá kết quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo tham gia BHYT nhưng thực ra là dồn quỹ để chăm sóc sức khỏe cho tuyến trên. Đây là vấn đề rất đáng lưu ý và chúng ta đã điều chỉnh được vấn đề này. “Cách thức của chúng ta phải bao phủ được chất lượng cho tuyến cơ sở. Điều này sẽ mang lại lòng tin cho người dân đối với BHYT”- ông Lợi nói.

Việt Nam đang hướng tới ngày 1/7 là ngày BHYT toàn dân, vì vậy ông Phạm Lương Sơn mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc hơn của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự hỗ trợ, đồng hành của đông đảo người dân, các cơ quan thông tin đại chúng để công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân đối với việc tham gia BHYT được đẩy đủ, sâu sắc hơn và hướng tới phát triển chính sách BHYT ở Việt Nam một cách bền vững và đảm bảo được quyền lợi của cộng đồng tham gia BHYT.

Định hướng phát triển cho y tế cơ sở đang là một trong những mục tiêu, chủ trương của Đảng, Nhà nước, cũng là muc tiêu quyết liệt của ngành y tế và BHXH Việt Nam. Trong thời gian qua, rất nhiều cơ chế, chính sách được thay đổi trong định hướng hướng tới cơ sở nhằm đảm nhiệm được đúng chức năng nơi quản lý chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân nói chung và người có thẻ BHYT nói riêng.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tao-long-tin-cua-nguoi-dan-voi-bao-hiem-y-te-121600.html