Tạo lòng tin để kinh tế tập thể phát triển

HTX Nông nghiệp An Nghiệp thu mua lúa cho người dân. Ảnh: MINH DUYÊN

Nỗ lực xây dựng chuỗi giá trị, các HTX trên địa bàn tỉnh đang từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản của tỉnh. Từ đây, giúp kinh tế hộ ổn định, các hộ thành viên thêm tin tưởng vào thành phần kinh tế này.

Người dân phấn khởi

Bà Nguyễn Thị Mơ ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An), cho biết: “Trước 3 sào ruộng nhà tôi chỉ để phục vụ lương thực cho cả nhà và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sau mỗi vụ thu hoạch, lúa có dư ra, tôi cũng mang đi đổi cho hàng xóm hoặc người thân lấy nông sản khác như rau, đậu, cây ăn trái… Từ khi có HTX (HTX Nông nghiệp An Nghiệp) thu mua tôi mới bán. HTX không chỉ quản lý đồng ruộng, việc cày cấy, chọn giống… cho bà con trong xã mà lúa chín, HTX còn thu hoạch cho luôn”. Nếu muốn bán thì HTX cân ngay tại đồng. Nếu chưa muốn bán, HTX sấy khô, đóng bao chở về tận nhà. Đặc biệt, từ khi HTX sản xuất gạo chất lượng cao, bà con đăng ký làm vùng nguyên liệu cho HTX nên được thu mua với giá cao hơn thị trường. “Nhìn thấy những gì HTX làm được, thụ hưởng những gì HTX đồng hành với bà con, tôi rất tin tưởng. HTX hoạt động vì lợi ích chung thì không cần vận động, tôi cũng tình nguyện góp vốn gia nhập HTX”, bà Mơ nói.

Còn chị Nguyễn Thị Thanh, một lao động làm việc tại HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB (huyện Sơn Hòa) lại vui vì từ khi HTX đi vào hoạt động, chị có công ăn việc làm ổn định với thu nhập đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Chị Thanh tâm sự: Trước tôi chỉ đi làm thuê thời vụ, nay Đồng Xuân, mai Sông Hinh, đi làm cỏ mía, chặt mía, nhổ sắn cho người ta. Công nhật tính theo ngày nên thu nhập không ổn định, lại phải đi xa nhà nên nhiều lúc chuyện con cái, trông nom nhà cửa bất tiện. Khi vào HTX, tôi được làm gần nhà, công việc làm theo giờ cố định lại có thu nhập tốt (5 triệu đồng/tháng). Với cuộc sống ở vùng nông thôn miền núi thì thu nhập này đủ cho gia đình 4 người. Vợ chồng tôi vì thế hàng tháng cũng tiết kiệm được khoản thu nhập do chồng làm ra.

Tiếp tục nâng cao hoạt động

Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp, cho biết: HTX tiếp tục duy trì hợp đồng tiêu thụ lúa giống với Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây lâu năm trực thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ trên diện tích 20ha và hợp đồng bao tiêu độc quyền sản phẩm gạo chất lượng cao với Công ty TNHH Thương mại Ngân Tín. Vì vậy, HTX bảo đảm thu mua được toàn bộ sản lượng lúa cho bà con sau thu hoạch. Ngoài hạ tầng, trang thiết bị hiện có như 6 máy cày, 2 máy cuộn rơm, 1 máy gặt đập liên hợp, sân phơi, nhà kho, lò sấy lúa…, HTX đang có kế hoạch xây dựng xưởng chế biến lúa, gạo bằng công nghệ hiện đại để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi ấy, những hạt lúa của bà con trong xã vừa có chỗ đứng trên thị trường vừa mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Tương tự, Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp An Ninh Tây (huyện Tuy An) mở rộng quy mô dịch vụ phục vụ sản xuất theo hướng ngày một chuyên nghiệp. Theo ông Nguyễn Hoàng Phố, Giám đốc HTX này, máy móc trước kia nhập về HTX phải thuê lao động vận hành, xong lại thuê thợ bảo trì. Nay, HTX có lực lượng lao động ổn định với trình độ cơ khí đảm nhiệm các khâu đó. Nhờ vậy, máy móc được kịp thời sửa chữa, tiết kiệm chi phí, nên giá dịch vụ cho bà con giảm xuống, trong khi chất lượng phục vụ tốt hơn. Hơn hết, từ chỗ chỉ tạo việc làm cho 10 lao động, nay HTX tạo việc làm thường xuyên cho từ 15-20 lao động là con em thành viên HTX.

Còn ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa) cho hay, HTX đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng sản lượng tiêu thụ với các sản phẩm từ cây khóm. Ông Chương cho biết: Sau một thời gian dài nỗ lực, HTX cùng với bà con xây dựng thành công thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng từ cây khóm gồm bánh khóm, nước ép khóm, khóm sấy, khóm trái. Nay, HTX không ngừng đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường thông qua các kênh thương mại như hội chợ nông sản, siêu thị, nhà hàng, khách sạn… nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng khóm, để bà con vùng khóm Đồng Din sống tốt được với nông sản truyền thống của mình.

Hơn 10 năm kiện toàn, đổi mới kinh tế tập thể, hướng đi xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tại các HTX thực sự tạo nên điểm nhấn cho thành phần kinh tế này. Thông qua các chuỗi liên kết, các thương hiệu sản phẩm mà HTX đã hình thành được, người dân dần tin vào sự năng động, khả năng hòa nhập của HTX vào nền kinh tế thị trường. Cùng với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, đơn vị định hướng xây dựng chuỗi liên kết kinh doanh giữa các HTX có cùng sản phẩm, giữa các HTX có dịch vụ tương hỗ nhau để đẩy mạnh tiêu thụ, ổn định đầu ra cho bà con.

Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/242697/tao-long-tin-de-kinh-te-tap-the-phat-trien.html