Tạo mạch nguồn giao thông thông suốt

Ba mươi năm qua, nhờ sự đầu tư, giúp đỡ của Trung ương, các tổ chức quốc tế, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và ngành chuyên môn, hệ thống giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị đã được đầu tư, xây dưng, mở rộng nối liền các xã, các huyện vùng đồng bằng với miền núi như một huyết mạch chảy thông suốt.

 Đường vào các xã vùng Lìa nay đã được thảm nhựa, nâng cấp

Đường vào các xã vùng Lìa nay đã được thảm nhựa, nâng cấp

Không lâu sau ngày chia tỉnh, tôi có chuyến đi thực tế tại vùng Lìa, vùng đất phía Tây Nam của huyện Hướng Hóa. Lúc đó năm 1990, giao thông đi lại cách trở, vùng Lìa quá xa trung tâm tỉnh lị. Buổi sáng khởi hành ở Đông Hà nhưng gần tới trưa mới đến thị trấn Khe Sanh. Nằm dọc theo con đường vùng Lìa là các xã Thuận, Thanh, A Xing, A Túc, Xi, A Dơi, Pa Tầng. Từ Khe Sanh vào xã cuối cùng của vùng Lìa là Pa Tầng khoảng 40 km, không xa nhưng đường đi cách trở, nhiều đoạn đường nhìn xuống phía dưới sâu thăm thẳm, đi một đoạn lại lên dốc núi cao. Không ít đoạn đường như bị chia làm đôi, rất khó đi, gần tối mà chiếc xe u oát vẫn chưa tới xã A Túc. Đây là chuyến đi cơ sở để lại nhiều kỉ niệm khó quên đối với những người làm báo chúng tôi. Mà không chỉ vùng Lìa, tuyến đường phía Bắc của huyện Hướng Hóa tới các xã Hướng Phùng, Hướng Lập lại càng gian nan không kém. Bộ đội ở Đồn Biên phòng Cù Bai muốn nghỉ phép để về quê ở các xã đồng bằng phải đi bộ một vài ngày từ Cù Bai ra Khe Sanh mới đón được xe về Đông Hà.

Thấy rõ một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội là mạng lưới giao thông còn yếu kém, lạc hậu nên lãnh đạo tỉnh và ngành Giao thông- Vận tải đã không ngừng nỗ lực khảo sát, lập dự án, tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư mở rộng, khai thông các tuyến đường. Những năm sau đó chúng ta đã mở các tuyến đường như Tân Long - Pa Tầng với tổng chiều dài 38 km, kinh phí hơn 350 tỉ đồng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của 7 xã phía Nam Hướng Hóa, đường Tà Rụt - Cửa khẩu La Lay dài 12,5 km, thông thương sang tỉnh Salavan (nước CHDCND Lào); tuyến Quốc lộ 9 nối dài từ ngã tư Sòng (xã Cam An, huyện Cam Lộ) về Cửa Việt, làm thay đổi bộ mặt nhiều xã phía Đông huyện Gio Linh. Cùng với đó, nhiều tuyến đường khác được nâng cấp, xây mới, nhựa hóa như đường 75 Đông, 75 Tây, đường 64, đường 68, đường Lâm-Sơn-Thủy; đường từ Khe Sanh đi Hướng Phùng; đường Hồ Chí Minh từ Cam Lộ ra Quảng Bình; đường Bến Quan đến xã Vĩnh Ô; đường vào chiến khu Ba Lòng; đường tránh lũ, cứu hộ cứu nạn phía Nam Hải Lăng… Trong đó có những con đường phải thi công trong điều kiện địa chất khó khăn như đường vào Cửa khẩu La Lay phải qua nhiều núi cao, vực sâu, đèo dốc quanh co, nhiều vùng toàn đá. Đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn Hải Lăng qua vùng đất yếu phải thi công trong thời gian dài, kinh phí lên tới 600 tỉ đồng…

Với nhiều nỗ lực, đến cuối năm 2007 đường ô tô đã vào được tất cả các trung tâm xã trên địa bàn tỉnh, tạo nên giao thông thông suốt. Những vùng xa nhất của tỉnh đều có thể đi lại trong một buổi, một ngày. Ở các thị xã, thị trấn và thành phố Đông Hà nhiều tuyến đường được xây mới, nâng cấp, nhựa hóa như đường Hùng Vương, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Lý thường Kiệt, Nguyễn Chí Thanh… (Đông Hà). Ở thị xã Quảng Trị các tuyến đường như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thái Tổ…Ấn tượng nhất là nhiều tuyến đường trải nhựa đã được vươn dài tới các miền quê. Ngay từ Đông Hà đi qua nhiều xã Gio Linh, đến Triệu Phong, Hải Lăng cũng như lên các xã: Hướng Phùng, Tân Liên, Tân Lập (Hướng Hóa) cũng toàn đường nhựa, sạch sẽ, tiện lợi, nhanh chóng.

Cùng với đó là rất nhiều chiếc cầu nối liền các miền quê cũng được xây dựng như cầu Đông Hà được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng năm 1994, đây là chiếc cầu dùng kĩ thuật khoan cọc nhồi. Tiếp đó là cầu Hiền Lương qua sông Bến Hải, khởi công xây dựng năm 1996 bằng công nghệ đúc đẩy của Liên bang Nga lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, cầu có chiều dài 230 m, rộng 11 m, sau 4 năm thi công đến năm 2000 được đưa vào sử dụng. Năm 2000 cầu Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị) cũng được khởi công xây dựng mới với chiều dài 264 m, rộng hơn 12,5 m, đến năm 2002 hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cầu Đakrông dài 173,9 m, rộng 9 m là cầu treo dây văng đầu tiên do ngành GT-VT Việt Nam thiết kế và thi công, nối liền các xã phía Nam của huyện Đakrông. Ở tuyến biển chúng ta cũng đã xây dựng 2 chiếc cầu lớn nối liền các huyện Vĩnh Linh-Gio Linh-Triệu Phong, đó là cầu Cửa Tùng và cầu Cửa Việt, trong đó cầu Cửa Việt có chiều dài tới 806 m, kinh phí 250 tỉ đồng, với điều kiện thi công khó khăn. Ở các xã miền núi nhà nước cũng đã đầu tư xây dựng nhiều chiếc cầu nhỏ nối liền các thôn, bản để người dân có nhiều thuận lợi trong đi lại, sinh hoạt, như xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh đã và đang xây dựng tới 10 chiếc cầu, nối liền 8 thôn, bản.

Theo số liệu lúc mới chia tỉnh, mạng lưới giao thông toàn tỉnh chỉ có 262 km quốc lộ; 130,5 km tỉnh lộ; 358 km đường huyện; 15 xã chưa có đường ô tô vào trung tâm; chỉ có 265 km đường nhựa chủ yếu là Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9; đường tỉnh và đường đô thị chỉ có 3 km đường nhựa. Thị xã Đông Hà và các thị trấn huyện lị như bị bỏ quên bởi rất ít con đường thảm nhựa. Đến nay mạng lưới giao thông đã có 7.200 km đường bộ; trong đó 464 km quốc lộ; 320 km tỉnh lộ; 42 km đường đô thị; 1.600 km đường huyện và nội thị; 1.015 km đường xã; 3.800 km đường thôn, xóm. Với kinh phí đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng đã mang lại sức sống mới, tạo điều kiện cho giao thông đi lại thuận tiện, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng- an ninh cả trong hiện tại và tương lai…

Hoàng Nam Bằng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140259