Tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Sáng ngày 24/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cùng đoàn công tác đến thăm và làm việc với các doanh nghiệp (DN) thủy sản, giày da trên địa bàn tỉnh nhằm tìm hiểu, chia sẻ những khó khăn với DN bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Theo ông Trần Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Cụm công nghiệp Bình Thành, huyện Thanh Bình), trước tác động của dịch Covid-19, Ban lãnh đạo công ty cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho người lao động có công ăn việc làm, đảm bảo 26 ngày công sản xuất/tháng. Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng, sản lượng nhà máy chế biến giảm trên 40%; hàng tồn kho của DN tăng 51%; đơn giá bình quân giảm 25,5% khiến giá trị kim ngạch của công ty giảm 21,6%; sản lượng thành phẩm xuất khẩu từ trên 6.000 tấn thành phẩm/tháng, giảm còn 2.900 tấn thành phẩm/tháng, giảm 51,6%...
Trước tình hình này, để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho DN, ông Trần Văn Hùng kiến nghị UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước có những biện pháp và chính sách hỗ trợ công ty vượt qua khó khăn về lãi suất, các gói vay ưu đãi để duy trì hoạt động và chuẩn bị dự án đẩy mạnh sản xuất sau khi dịch bệnh kết thúc.
Đến thăm và làm việc tại Công ty Cổ phần dinh dưỡng chăn nuôi Pilmico (cụm công nghiệp Bình Thành, Thanh Bình), theo lãnh đạo DN, tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến một số dự án mở rộng của công ty chậm tiến độ; một số nguyên liệu nhập từ nước ngoài giá cao, chi phí vận chuyển tăng. Công ty hy vọng thời gian tới tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, kinh tế có sự chuyển biến tốt, DN sẽ đẩy mạnh mở rộng các dự án đầu tư, sản xuất....
Tại Công ty TNHH Liên doanh Nghị Phong (Khu công nghiệp Trần Quốc Toản, TP.Cao Lãnh) lãnh đạo DN cho biết, ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, thời gian đầu, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn do giao thương ngừng trệ; các đối tác tại thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật giảm đơn hàng; đối tác chậm thanh toán tiền theo hợp đồng... Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp ứng phó, đến nay, DN này vẫn cơ bản đảm bảo sản xuất, ổn định lực lượng công nhân sản xuất.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành liên quan đã giải đáp các vấn đề DN thắc mắc, kiến nghị. Đồng thời cho biết sẽ đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ để cùng DN vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất sau dịch bệnh.
Đến thăm các DN, Phó Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao những nỗ lực và giải pháp ứng phó kịp thời của DN trong điều kiện khó khăn hiện nay. Phó Chủ tịch cũng thông tin, hiện nay Chính phủ có những chính sách hỗ trợ về giãn nợ, vay vốn để DN vượt qua khó khăn. Do đó, DN có thể nghiên cứu, đề xuất các gói hỗ trợ hợp lý. Riêng đối với tỉnh sẽ ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của DN và tạo mọi điều kiện hỗ trợ DN vượt qua khó khăn đảm bảo sản xuất, kinh doanh...
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa có buổi làm việc với UBND TP.Sa Đéc, một số DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố về tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo UBND TP.Sa Đéc, dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Đến ngày 20/4/2020, có 14/516 DN tạm ngưng hoạt động, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2019. Có 9 DN bị thiệt hại doanh thu từ 30 - 70%.
Đối với ngành hàng bột, sản lượng sản xuất bột của các hộ giảm 30% so với thời điểm trước Tết. Tính riêng từ ngày 1/4/2020 đến nay, sản lượng bột sản xuất cung ứng cho các cơ sở và DN giảm từ 50 - 70%. Nguyên nhân là do các dịch vụ ăn uống tạm dừng hoạt động nên sản phẩm hủ tiếu, bánh phở không tiêu thụ được. Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng do thị trường xuất nhập khẩu của thế giới hạn chế trong vấn đề nhập nguyên liệu đầu vào và xuất khẩu đầu ra.
Theo UBND TP.Sa Đéc, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ đầu năm đến ngày 20/4/2020 là hơn 162 tỷ đồng, đạt 31,5% kế hoạch, tăng hơn 16% so với năm 2019. Tuy nhiên, những tháng tiếp theo việc thu ngân sách sẽ gặp khó khăn. Khả năng năm 2020 sẽ không đạt chỉ tiêu do thực hiện một số chính sách đối với DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Ông Võ Thanh Tùng - Chủ tịch UBND TP.Sa Đéc đánh giá, Sa Đéc là địa phương chịu nhiều thiệt hại do dịch Covid-19. Thời gian qua, địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội, thực hiện chính sách hỗ trợ theo đúng quy định cho các đối tượng. Đáng chú ý là có nhiều tổ chức, cá nhân chung tay cùng chính quyền ủng hộ các đối tượng yếu thế, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19.
Phó Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa ghi nhận sự nỗ lực của TP.Sa Đéc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là đảm bảo an sinh xã hội. Phó Chủ tịch tỉnh tin tưởng, chính quyền và DN địa phương sẽ cùng đoàn kết, nỗ lực vực dậy, phát triển kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới. Theo Phó Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa, TP.Sa Đéc cần chú trọng công tác tư tưởng đối với cả hệ thống chính trị với quyết tâm khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Trong đó, cần có tư duy, tâm thế mới trong thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Mặt khác, địa phương có giải pháp ổn định nguồn thu ngân sách và đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư công trên địa bàn...
Dịp này, Phó Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa còn gặp gỡ một số DN tại Khu Công nghiệp Sa Đéc và cơ sở sản xuất, kinh doanh bột trên địa bàn TP.Sa Đéc. Ông Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ những khó khăn đồng thời ghi nhận sự nỗ lực, tinh thần lạc quan, niềm tin mạnh mẽ vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 của các DN, hộ sản xuất.
Ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, trong đại dịch, mọi người đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong nguy khó cũng sẽ tạo ra cơ hội mới. Vì vậy, các doanh nhân tiếp tục đồng lòng cùng chính quyền, cùng nhau vượt qua khó khăn khôi phục và phát huy tốt hơn hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. UBND tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ DN phát triển.
Khu Công nghiệp Sa Đéc hiện có 30 DN đăng ký hoạt động với 43 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 8.000 lao động.
Trong quý 1/2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sản lượng sản xuất, gia công và hoạt động xuất, nhập khẩu của các DN giảm. Một số DN sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động, nợ tiền mua nguyên vật liệu, bảo hiểm xã hội, lãi vay ngân hàng, tiền vận chuyển hàng hóa...
Tại buổi gặp gỡ, các DN cũng được thông tin triển khai Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh ghi nhận một số kiến nghị và yêu cầu địa phương tăng cường kiểm tra, đảm bảo an ninh trật tự tại Khu Công nghiệp; quan tâm, tháo gỡ khó khăn về môi trường, tình trạng thiếu lao động...