Tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ phát triển
Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em, khiến nhiều em bị tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong. Điều đáng nói là các em bị chính người thân trong gia đình bạo hành. Đây là lời nhắc nhở, cảnh báo cho những người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ cần đặc biệt quan tâm đến trẻ, tạo điều kiện để trẻ lớn lên trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Mới đây, khi dư luận chưa hết hoang mang, phẫn nộ trước vụ việc bé gái 8 tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh bị người tình của bố bạo hành đến mức tử vong, thì tại huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội lại xảy ra vụ việc cháu bé 3 tuổi bị người tình của mẹ găm 9 chiếc đinh vào đầu. Em bé bị thương rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Điểm chung của 2 vụ việc đau lòng trên là các cháu còn nhỏ, bố mẹ đều đã ly hôn, hiện đang sống cùng bố hoặc mẹ. Đáng nói, đây chỉ là số ít trong hàng nghìn vụ bạo hành trẻ em xảy ra mỗi năm.
Theo thống kê, những vụ bạo hành trẻ em chủ yếu do chính bố mẹ, cha dượng, mẹ kế, người thân của các em gây ra. Trẻ em bị bạo hành ngay trong gia đình, nơi vốn được coi là an toàn đối với các em. Nhiều vụ bạo hành trẻ em để lại hậu quả đáng tiếc, khiến các em bị thương tật, thậm chí tử vong.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhiều gia đình vẫn áp dụng các hình thức kỷ luật mang tính bạo lực đối với con trẻ. Nhiều trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình.
Hiện nay, có nhiều người tỏ ra thờ ơ, vô cảm khi chứng kiến trẻ em bị bạo hành. Khi phát hiện dấu hiệu trẻ bị bạo hành, nhiều người cho rằng đó là việc riêng của gia đình nên không ngăn cản, tố cáo vụ việc với cơ quan chức năng khiến hậu quả trở nên nặng nề hơn. Do vậy, đã có nhiều trẻ em chịu bạo hành trong cô đơn và im lặng.
Để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bạo hành, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh giúp các em phát triển toàn diện.
Sở LĐ-TB&XH đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em cho người dân; cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho các gia đình, người trực tiếp chăm sóc trẻ; giáo dục trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại.
Ngoài việc phổ biến rộng rãi đường dây nóng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các địa phương trong tỉnh thiết lập và công bố số điện thoại các đầu mối tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác tội phạm thực hiện hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; phân công trách nhiệm cụ thể, xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương. Các thôn, tổ dân phố, khu nhà trọ, ban quản lý các tòa nhà, chung cư tăng cường giám sát, phòng ngừa các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Đồng chí Quảng Đức Hạnh, Trưởng Phòng Nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH-TT&DL cho biết: "Để ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ trẻ em bị bạo hành, trước tiên, cộng đồng cần thay đổi cách ứng xử với trẻ em, nhất là các bậc cha mẹ phải thay đổi cách giáo dục trẻ, chấm dứt hành vi đánh đập, bạo hành trẻ. Từ chính quyền, các hội, đoàn thể đến mỗi người dân phải quan tâm hơn đến trẻ, có hành động bảo vệ kịp thời nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu bị bạo hành.
Đối với những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly hôn, ly thân, gia đình cần quan tâm hơn đến trẻ, tìm hiểu xem trẻ có được chăm sóc, bảo vệ tốt không".
Nghị định 130 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em mới được ban hành và có hiệu lực từ đầu tháng 1/2022 đã đã quy định những mức phạt cụ thể cho các hành vi bạo lực với trẻ em, gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
Theo đó, các hành vi bạo lực với trẻ em, gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em sẽ bị phạt từ 20-25 triệu đồng. Nghị định 130 được ban hành kỳ vọng trở thành công cụ pháp lý hiệu quả góp phần bảo vệ trẻ em trước nạn bạo hành, xâm hại.