Tạo môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp quảng cáo trong nước và nước ngoài

Một mục tiêu lớn của việc sửa Luật Quảng cáo là đưa quản lý nhà nước về quảng cáo lên cùng một mặt bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp xuyên biên giới, để không có chuyện khó quản các doanh nghiệp xuyên biên giới và lại quản chặt quá với các doanh nghiệp trong nước, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho hay.

Sáng 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Tăng diện tích, thời lượng quảng cáo trên báo in, báo hình và trên mạng

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng, dự án Luật mới được xây dựng nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Quảng cáo năm 2012 như: một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của ngành quảng cáo; các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển và xu thế hội nhập; quy định về quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập…

Đồng thời, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển. Hoàn thiện cơ chế, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo…

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng

Một trong nhiều điểm mới của Luật được quan tâm là cho phép tăng diện tích, thời lượng quảng cáo trên cả báo in và truyền hình. Trong đó, với báo in là tăng diện tích lên gần ½ tổng diện tích ấn phẩm. Diện tích quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền tăng từ 5% lên 10%. Về quảng cáo trên mạng, thời gian chờ tắt quảng cáo trên mạng được điều chỉnh tăng từ 1,5 giây lên 6 giây.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, hiện có 3 loại ý kiến về quảng cáo trên báo in. Loại ý kiến thứ nhất tán thành tăng diện tích quảng cáo. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành vì việc tăng diện tích lên tới gần ½ tổng diện tích là quá lớn đối với một ấn phẩm báo chí, chưa thật sự hợp lý và phù hợp với chức năng của báo chí nước ta cũng như bảo đảm quyền lợi của của độc giả.

Loại ý kiến thứ ba đề nghị nghiên cứu bỏ quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống và để cho cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và sự điều tiết của thị trường.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành quan điểm tăng diện tích quảng cáo trên báo in để giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính.

Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của độc giả, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định cụ thể về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng thể loại ấn phẩm báo, tạp chí khác nhau.

Về quảng cáo trên báo hình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết hiện có 2 loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất đề nghị đánh giá tác động chính sách để tăng tính thuyết phục cho việc sửa đổi tăng thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền từ 5% lên 10%. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành là thời lượng 5% vì thực tế người xem đã phải trả phí cho việc xem truyền hình trả tiền.

Đối với quảng cáo trên phim truyện, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với quan điểm sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng thời lượng quảng cáo. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, đảm bảo số lần ngắt quảng cáo trong chương trình phim truyện hợp lý để bảo vệ quyền lợi của khán giả.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị xem xét lại việc điều chỉnh thời gian chờ tắt quảng cáo trên mạng lên 6 giây. “Bản thân tôi thấy giữ như hiện hành cũng đã bức xúc rồi, bây giờ lại còn tăng lên gấp 4 lần thì cần phải cân nhắc”, ông Vũ Hồng Thanh nói. Đồng thời, ông đề nghị đánh giá lại quy định thời gian quảng cáo của phim truyện cho phù hợp, tránh việc “xem phim thì ít nhưng xem quảng cáo thì nhiều”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu băn khoăn về hoạt động quảng cáo của các tổ chức, cá nhân nước ngoài xuyên biên giới, khi phát sinh doanh thu thì xử lý thế nào để thu được thuế, phí. “Có những quảng cáo trên Tiktok người ta thu có khi hàng trăm triệu đồng một tháng. Đề nghị phải nghiên cứu để xử lý vấn đề này tránh thất thu”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói.

Công ty nước ngoài chi phối mạnh thị trường quảng cáo Việt Nam

Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm cho biết Bộ TT&TT sẽ tiếp thu và cùng với Bộ VHTTDL có những phương án đảm bảo điều chỉnh về hình thức, thời lượng quảng cáo, để không gây thêm khó chịu, ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, một mục tiêu lớn của dự thảo Luật lần này là đưa vấn đề quản lý nhà nước về quảng cáo lên cùng một mặt bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp xuyên biên giới để không có chuyện không quản được hoặc khó quản các doanh nghiệp xuyên biên giới thì lại quản chặt quá với các doanh nghiệp trong nước.

Cũng theo Thứ trưởng, hiện nay thị trường quảng cáo của Việt Nam chịu sự chi phối rất mạnh của các công ty xuyên biên giới và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Các công ty này có lợi thế rất lớn về công nghệ, số liệu và các thị phần mang tính chất khu vực và toàn cầu.

Do đó, những quy định điều chỉnh trong dự thảo Luật lần này nhằm mục tiêu đưa việc quản lý này về một mặt bằng. Khi quy định về quảng cáo được nới rộng ra thì doanh nghiệp trong nước có thể cảm thấy được đối xử công bằng hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ví dụ, khi quy định quảng cáo bật lên phải chờ trong vòng mấy giây thì tất cả các doanh nghiệp xuyên biên giới, như Youtube, Facebook, TikTok ở Việt Nam và doanh nghiệp trong nước đều áp dụng như nhau. Thực tế hiện trên kênh Youtube 1 quảng cáo hiện lên che màn hình kéo dài 6 giây mới tắt được, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề thuế, Thứ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ hiện nay trong lĩnh vực quảng cáo có vấn đề rất lớn ảnh hưởng đến đời sống báo chí và làm thất thu thuế là xu hướng chuyển giá trong lĩnh vực quảng cáo ra nước ngoài.

Cụ thể là các tập đoàn đa quốc gia phân phối sản phẩm vào Việt Nam, kết hợp với các công ty lập kế hoạch quảng cáo có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam. Nguồn tiền quảng cáo đó không được chuyển vào Việt Nam mà sẽ "book" thẳng quảng cáo từ nước ngoài vào Việt Nam.

Khi đó, giá đầu vào của sản phẩm trong nước sẽ giảm, giúp công ty đa quốc gia cạnh tranh không lành mạnh với công ty trong nước. Thêm nữa là nguồn thu được tính về tập đoàn mẹ và tập đoàn mẹ lại đóng thuế ở quốc gia có thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, sẽ cùng làm việc với Bộ VHTTDL tiếp thu các ý kiến góp ý để thống nhất về các nội hàm, khái niệm; đảm bảo có tính bao quát, không phụ thuộc cụ thể vào một phương thức truyền đưa mà có thể diễn biến theo thời gian, bởi vì đây là lĩnh vực vừa là kinh tế, vừa là công nghệ và biến đổi liên tục trong rất nhiều năm qua. Chúng ta vừa làm vừa học theo cách quản lý của các quốc gia khác trên thế giới trong bối cảnh công nghệ đi trước rất nhiều, Thứ trưởng chia sẻ./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tao-moi-truong-binh-dang-giua-doanh-nghiep-quang-cao-trong-nuoc-va-nuoc-ngoai-160201.html