Tạo môi trường công khai, minh bạch

Theo số liệu giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ chính phủ số, tính từ ngày 1-1 đến 20-8-2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có 81% thủ tục hành chính được triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, 55,5% thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 43% hồ sơ thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến toàn trình.

Tuy nhiên, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Trong số 21 bộ, ngành, có 5 bộ, ngành có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100%, nhưng cũng có bộ có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình hay tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (số lượng hồ sơ trực tuyến toàn trình/tổng số hồ sơ dịch vụ công) 0%. Còn trong 63 tỉnh, thành phố, Đà Nẵng, Tây Ninh, Cà Mau đạt tỷ lệ trên 90%; Bình Phước, Lào Cai và Vĩnh Long đạt trên 80%..., nhưng nhiều địa phương chỉ đạt tỷ lệ dưới 5%. Tỷ lệ trung bình triển khai dịch vụ công trực tuyến ở khối địa phương mới chỉ đạt 17,9%...

Dịch vụ công trực tuyến không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương cho thấy những bất cập trong hoàn thiện cơ chế, chính sách cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; việc cải cách thủ tục hành chính còn chậm, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính chưa cao… Việc triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh còn vướng mắc, thiếu chủ động, nhân lực số và hạ tầng số chưa đáp ứng yêu cầu. Về tổng thể, những bất cập, vướng mắc đó khiến chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa chuyển biến rõ nét, ảnh hưởng đến hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chủ trì hội nghị chuyên đề trực tuyến toàn quốc về nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến vừa diễn ra ngày 31-8, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải có đột phá, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức phục vụ nhân dân từ “bị động” sang “chủ động” dựa trên dữ liệu. Theo người đứng đầu Chính phủ, phải sớm mở rộng dịch vụ công trực tuyến đối với các dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công và hoàn thiện hệ sinh thái trên môi trường điện tử cho người dân, doanh nghiệp; nâng chất lượng hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công và bộ phận “một cửa” các cấp, trở thành các điểm số hóa, cung cấp các dịch vụ công phi địa giới hành chính, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi số, nhất là các đối tượng yếu thế…

Muốn vậy trước hết, các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực xóa bỏ khoảng cách giữa các đơn vị. Đơn vị nào đã làm tốt thì tiếp tục phát huy, đơn vị chưa tốt phải thúc đẩy nhanh việc xây dựng môi trường số, chuyển đổi số, đưa ứng dụng số vào phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đó là ban hành cơ chế, chính sách để đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến; miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện thủ tục dịch vụ công trực tuyến. Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và triển khai các ứng dụng số cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên thiết bị di động. Phát triển hạ tầng kỹ thuật cho cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xây dựng kho dữ liệu số; đào tạo nhân lực số; giám sát việc xử lý hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước...

Tóm lại, chất lượng dịch vụ công trực tuyến phải tiếp tục nâng cao, bảo đảm thuận lợi, đơn giản, thân thiện để người dân thấy được lợi ích và hiệu quả. Chuyển đổi xử lý hồ sơ công việc lên môi trường điện tử cần thực hiện mạnh mẽ, bởi môi trường số cũng là môi trường công khai, minh bạch, không có cơ chế xin - cho và cũng là môi trường trong sạch để cán bộ không thể tiêu cực.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tao-moi-truong-cong-khai-minh-bach-676774.html