Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn

Kết quả khảo sát đánh giá của doanh nghiệp đối với yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, do Cục Thống kê thực hiện, cho thấy hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra.

Về đầu ra, “nhu cầu thị trường thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, với tỷ lệ đánh giá lần lượt là 53,9% và 43,4%. Cũng với hai yếu tố này, tỷ lệ đánh giá của doanh nghiệp trong quý III-2024 là 51,9% và 42,1%; trong quý IV-2024 là 51,9% và 44,3%. Riêng lĩnh vực xây dựng, 50,7% doanh nghiệp cho hay gặp khó khăn do “không có hợp đồng xây dựng mới”, tăng 6% so với quý IV-2024 và tăng 5,7% so với quý III-2024. Điều đó cũng cho thấy, đây vẫn là những khó khăn cũ và dai dẳng từ trước mà chưa được giải quyết hiệu quả.

Đối với đầu vào, giá nguyên, nhiên, vật liệu, chi phí kho bãi, chi phí dịch vụ tăng cao vẫn là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp, với 25,7% doanh nghiệp lựa chọn. Tiếp đó, khó khăn về vốn cho sản xuất, kinh doanh được 17,6% doanh nghiệp lựa chọn và lãi suất vay vốn cao được 17,1% lựa chọn. Trong khi đó, 18,6% doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu (tỷ lệ này tăng 0,9% so với thời điểm quý IV-2024).

Về thủ tục hành chính, có 14% doanh nghiệp cho rằng thủ tục, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu phức tạp, chồng chéo làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, đánh giá về năng lực nội tại, có 6,6% doanh nghiệp nhận định gặp khó khăn do năng lực cạnh tranh hạn chế, thiết bị, công nghệ lạc hậu. Cũng như những khó khăn về đầu ra, những vướng mắc về đầu vào cũng là những tồn tại từ trước.

Vậy doanh nghiệp kiến nghị gì? Trước hết, để giảm áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh, mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp là giảm lãi suất cho vay, với tỷ lệ kiến nghị là 40,5%. Tiếp đó, 31,2% doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế, phí, lệ phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước phù hợp, 17,8% doanh nghiệp kiến nghị giảm tiền thuê đất phục vụ sản xuất, kinh doanh. Về nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất, 24% doanh nghiệp kiến nghị ổn định nguồn cung; 30,5% doanh nghiệp kiến nghị có chính sách bình ổn giá. Trong khi đó, 26,1% doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn. Tỷ lệ thấp hơn một chút, 25% doanh nghiệp kiến nghị cần rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính.

Về thị trường đầu ra, 26,2% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có giải pháp kích cầu trong nước; 19,3% doanh nghiệp mong muốn tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng và 18,9% doanh nghiệp kiến nghị tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Từ đề xuất của doanh nghiệp cũng như tình hình kinh tế - xã hội, có thể thấy, các cấp, ngành cần tập trung vào những nhiệm vụ lớn, đó là đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước; thúc đẩy xuất khẩu, khai thác tối đa các thị trường gắn với đa dạng hóa thị trường; cắt giảm nhanh, tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; thúc đẩy các dự án đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo… một cách thực chất.

Chính phủ, các cấp, ngành liên tiếp có nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và phần nào đã phát huy hiệu quả, song thực tế vẫn cần những cơ chế có tác động nhanh, mạnh hơn nữa. Các cấp, ngành cần tiếp tục quyết liệt tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn nữa, bởi cộng đồng doanh nghiệp chính là lực lượng nòng cốt để tạo ra tăng trưởng cho nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tao-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-thuan-loi-hon-698201.html