Tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta đã từng bước hạn chế tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích (TNTT), nhất là trẻ em bị đuối nước. Tuy nhiên, việc nâng cao nhận thức, hiểu biết chung của người dân và trẻ em về TNTT, đặc biệt là đuối nước vẫn luôn là vấn đề cấp thiết.
Thực tế cho thấy, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều giải pháp sáng tạo để bảo vệ trẻ em trước TNTT, nhằm đảm bảo hạnh phúc, sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội. Điển hình trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp thành lập và duy trì 247 Câu lạc bộ “Gia đình nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; phối hợp với tổ chức Plan tại Hà Giang thành lập 118 nhóm cha mẹ/2.207 thành viên; 58 nhóm trẻ U3/1.278 thành viên; 71 nhóm trẻ vui chơi đọc sách/2.404 trẻ…
nhằm phổ biến kiến thức và hướng dẫn kỹ năng cho các thành viên về phòng, chống TNTT trẻ em. Bên cạnh đó, 100% Đoàn thanh niên xã, phường, thị trấn Thành lập Đội Thanh niên tình nguyện tham gia phản ứng nhanh khi có tai nạn, thiên tai xảy ra, nhất là những nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, các bến đò, sông, suối hoặc nơi có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá…
Đặc biệt, toàn tỉnh có đến 55.806 gia đình đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn phòng, chống TNTT trẻ em”. Mô hình này giúp các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhận biết mối hiểm họa xung quanh và trong nhà có thể gây TNTT cho trẻ. Từ đó, xây dựng “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” bằng cách loại bỏ nguy cơ gây TNTT cho trẻ ngay tại gia đình, như: Làm hàng rào, cử người lớn thường xuyên trông trẻ, các vật dụng về điện, vật sắc nhọn, thuốc trừ sâu, nước sôi, bếp lửa,… phải để nơi an toàn, xa tầm tay trẻ. Có thể thấy, “Ngôi nhà an toàn” còn là giải pháp quan trọng để tiến đến “Cộng đồng an toàn”, từng bước kiểm soát và khống chế TNTT trẻ em một cách hiệu quả. Và nay, toàn tỉnh có 174 cộng đồng an toàn, phòng, chống TNTT trẻ em. 193/193 xã, phường, thị trấn cam kết thực hiện tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
Không chỉ có “Ngôi nhà an toàn”, 100% trường học triển khai xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện nhằm phòng, chống TNTT trẻ em. Trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi được đầu tư, phù hợp độ tuổi, thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia các hoạt động tại trường, lớp. Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT các địa phương còn tổ chức ký cam kết giữa giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh và học sinh nhằm thực hiện văn hóa “Nói không với hành vi bạo lực học đường”. Nhiều trường học lắp hệ thống camera giám sát để chủ động trong việc ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn trường học, phòng, chống tội phạm. Hoặc thành lập các câu lạc bộ để học sinh vui chơi, giao lưu, chia sẻ các vấn đề trong học tập và cuộc sống; thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát phát hiện và khắc phục các nguy cơ gây thương tích cho trẻ do ngã, bị vật sắc nhọn đâm, ngộ độc hay bạo hành trẻ, đuối nước, tai nạn giao thông,...
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động – TB&XH, tình hình TNTT trẻ em trên địa bàn tỉnh được kiểm soát và có xu hướng giảm. Tuy vậy, toàn xã hội vẫn chứng kiến những con số đau lòng: Năm 2016, 723 trẻ bị TNTT, 55 trẻ trong số đó tử vong; đầu quý II năm 2020, con số này lần lượt là 263 và 18 trẻ. Đặc biệt, từ 2016 đến nay, toàn tỉnh có 123 trẻ tử vong do đuối nước và tai nạn giao thông… Một trong những nguyên nhân khách quan được cơ quan chuyên môn nhận định: Do tỉnh ta là vùng cao núi đá, núi cao, vực sâu, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn hạn chế. Do đó, ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng TNTT trẻ em, như: Đuối nước, ngã, ngộ độc, tai nạn giao thông... Bên cạnh đó, nhận thức và hiểu biết chung của người dân và trẻ em về TNTT, đặc biệt là đuối nước còn hạn chế. Hầu hết trẻ bị đuối nước tại các thác nước tự nhiên, hồ treo, bể chứa nước phục vụ nước sinh hoạt của gia đình là do sự xao nhãng, chủ quan của cha mẹ, thiếu sự quản lý, giám sát để trẻ tự do vui chơi gần những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ còn thiếu kỹ năng sơ, cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước. Trong khi đó, nhiều trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối nước... Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; thiếu cơ chế, chính sách để phát huy tối đa giá trị sử dụng của các thiết chế văn hóa, thông tin cơ sở, các trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em...
Khắc phục hạn chế trên, hiện nay, tỉnh ta đang tập trung thực hiện các nhóm giải pháp liên quan đến việc tạo cơ chế, chính sách, tăng cường nguồn lực để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu về phòng, chống TNTT trẻ em ở tất cả các cấp. Đi liền với đó là giải pháp tăng cường truyền thông phòng, chống TNTT trẻ em; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Triển khai giải pháp can thiệp phòng ngừa các loại hình TNTT trẻ em... Từ đó, tạo môi trường học tập, vui chơi và sinh hoạt an toàn cho trẻ em, giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em tử vong và tàn tật do TNTT, nhất là do đuối nước gây ra.