Tạo môi trường xét xử thân thiện với người chưa thành niên
Sau một quá trình nỗ lực chuẩn bị, năm 2016, Tòa Gia đình và người chưa thành niên chính thức ra mắt với tư cách là một Tòa chuyên trách thuộc tổ chức bộ máy của TAND TP HCM.
Đây cũng là Tòa chuyên trách thuộc TAND cấp tỉnh đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức theo Luật Tổ chức TAND năm 2014. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của loại Tòa án này đã bộc lộ một số điểm bất cập, đòi hỏi cơ quan lập pháp cần đưa ra những sửa đổi, hướng dẫn cụ thể để khắc phục các hạn chế.
Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, là những đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi họ tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án. Nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những mô hình xét xử khác nhau đối với người chưa thành niên. Một số mô hình chỉ tập trung xử lý trẻ em vi phạm pháp luật, số khác lại kết hợp giữa nhiệm vụ tư pháp người chưa thành nhiên và bảo vệ trẻ em trong cùng một hệ thống. Trong khi đó lại có những nước đặt sự tập trung vào gia đình và đặt các điều luật liên quan tới trẻ em vào bối cảnh rộng hơn là gia đình của các em.
Dù tồn tại dưới bất kỳ mô hình nào, với phạm vi thẩm quyền ra sao thì Tòa án chuyên trách dành cho người chưa thành niên vẫn luôn đóng vai trò là một thiết chế quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người chưa thành niên, cũng như trở thành một cơ chế hữu hiệu trong việc xử lý các hành vi phạm tội do người chưa thành niên thực hiện.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trẻ em là người dưới 16 tuổi, người chưa thành niên là những người dưới 18 tuổi, còn người chưa thành niên phạm tội chỉ bao gồm những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội được Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định là tội phạm.
Với cơ sở pháp lý là Luật Tổ chức TAND năm 2014, Việt Nam đã thành lập ra Tòa Gia đình và người chưa thành niên bên cạnh các tòa án chuyên trách khác. Việc ra đời của Tòa án này trong tổ chức bộ máy của TAND là dấu ấn quan trọng và là một trong những thành công của tiến trình cải cách tư pháp, là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình Việt Nam.
Theo Thông tư số 01/2016/TT-CA của TANDTC ban hành ngày 21/1/2016, ngoài thẩm quyền xử lý về hình sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam cũng kết hợp cả xử lý hành chính đối với người chưa thành niên và những vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của Tòa án này nảy sinh một số vấn đề bất cập xoay quanh phạm vi thẩm quyền xét xử các vụ án liên quan đến người chưa thành niên.
Cụ thể, người phạm tội đến mức độ nào thì Tòa Gia đình và người chưa thành nhiên xét xử, trong những vụ án hỗn hợp có cả người lớn và người chưa thành niên thì giao cho TAND xử theo thủ tục bình thường hay chuyển qua Tòa Gia đình và người chưa thành niên xử lý.
Theo Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ban hành ngày 12/7/2011, trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể quyết định xử kín. Tuy nhiên, thực tế xét xử của Tòa án ở nước ta phổ biến là công khai, kể cả những vụ án hiếp dâm mà bị cáo và người bị hại đều là người chưa thành niên, do đó chưa đảm bảo quyền bí mật riêng tư của người chưa thành niên như quy định của pháp luật tố tụng hình sự một số nước.
Có không ít trường hợp cùng một vụ án thì tòa án này cho rằng cần phải xét xử kín, tòa án khác lại cho rằng cần xét xử công khai. Thực trạng này do các cơ quan tư pháp chưa có hướng dẫn cụ thể về xét xử kín theo yêu cầu giữ bí mật của đương sự hoặc những trường hợp cụ thể nào được coi là “trường hợp cần thiết” để xét xử kín đối với bị cáo chưa thành niên.
Ngoài ra, các Tòa án còn tổ chức các phiên xét xử lưu động các vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên phạm tội với mục đích giáo dục, phòng ngừa chung… Có ý kiến cho rằng việc xét xử lưu động góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong thanh thiếu niên nhưng đa số các ý kiến khác cho rằng việc xét xử lưu động người chưa thành niên phạm tội sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm sinh lý của các đối tượng này. Việc coi người chưa thành niên như công cụ để tuyên truyền pháp luật là không phù hợp với các nguyên tắc về xử lý người chưa thành niên phạm tội đã được ghi nhận trong BLHS.
Do đó, cần thiết quy định nguyên tắc xét xử kín đối với người chưa thành niên phạm tội, người bị hại là người chưa thành niên để bảo vệ quyền riêng tư và danh dự, nhân phẩm, làm giảm cảm giác mặc cảm của họ, tạo thuận lợi cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng.
Một khó khăn khác trong thực tiễn hoạt động của Tòa Gia đình và người chưa thành niên là lực lượng thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa chưa được tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực hôn nhân gia đình, về tâm lý trẻ em, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên. Đây là vấn đề cần được quan tâm đúng mức hơn.