Tạo một 'sân chơi' bình đẳng

Đang quen với việc kinh doanh truyền thống, năm 2016, thị trường vận tải Việt Nam 'choáng váng' sau màn 'chào sân' của các hãng xe công nghệ (Grab, Uber). Với phương thức đặt xe qua ứng dụng công nghệ hiện đại cùng với tính an toàn, tiện lợi, giá cả phải chăng, loại hình dịch vụ này không mất nhiều thời gian để 'lấy lòng' khách hàng, từng bước thay đổi thói quen di chuyển của nhiều người.

Sự xuất hiện và cạnh tranh thị phần của ứng dụng gọi xe công nghệ như một phép thử để các hãng taxi truyền thống “bừng tỉnh”, nhanh chóng thay đổi nhằm tồn tại. Một số hãng taxi lớn bắt đầu xây dựng ứng dụng gọi xe riêng, thêm tương tác với tổng đài và người dùng. Tuy nhiên, sự cải tiến này vẫn chưa đủ khi các quy định của pháp luật còn bất cập, chồng chéo tạo cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp vận tải.

Theo các chuyên gia trên lĩnh vực giao thông, để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho xe công nghệ và taxi truyền thống, bước đi quan trọng nhất là định danh chính xác mô hình kinh doanh này, tránh những tranh chấp phải xử lý bằng pháp luật. Trong đó, các doanh nghiệp gọi xe công nghệ cần được quản lý theo quy định của pháp luật, kinh doanh phải đóng thuế đầy đủ như các hãng xe truyền thống.

Để giải quyết vấn đề này, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã quy định các hãng xe công nghệ chỉ được chọn một trong 2 mô hình là đơn vị cung ứng phần mềm (không được quyết định giá cước vận tải) hoặc là đơn vị kinh doanh vận tải (buộc tuân thủ các quy định về kinh doanh vận tải tại Việt Nam). Các hãng xe công nghệ nếu chọn hình thức kinh doanh vận tải thì xe phải gắn logo, phù hiệu… như taxi truyền thống.

Ngoài “ràng buộc” các hãng xe công nghệ bằng những quy định pháp luật cụ thể thì việc thay đổi này còn khuyến khích các doanh nghiệp taxi truyền thống áp dụng các công nghệ mới để kết nối, tương tác với người dùng. Một khi khách hàng được nắm rõ, minh bạch giá cước, quãng đường, giảm chi phí, tạo thuận lợi hơn cho người dùng thì loại hình đó sẽ được ưu tiên sử dụng.

Vận tải hành khách là một ngành kinh doanh sôi động nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của khách hàng, nhất là khách hàng ở những tỉnh, thành kinh tế trọng điểm như Đồng Nai. Vì vậy, nếu muốn tồn tại, tất cả các hãng tham gia hoạt động vận tải hành khách đều phải tự thay đổi cung cách phục vụ nhằm tạo ra những sản phẩm tốt nhất. Từ đó, không chỉ người dân được hưởng lợi mà còn góp phần thay đổi bộ mặt ngành Vận tải phù hợp với xu thế phát triển văn minh và hiện đại.

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202005/tao-mot-san-choi-binh-dang-3002644/