Tạo nền tảng, động lực để giáo dục nghề nghiệp phát triển
Được xác định là một trong những khâu đột phá trong năm 2019, giáo dục nghề nghiệp đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Chất lượng giáo dục nghề nghiệp được nâng cao, hoàn thành các mục tiêu đề ra, trong đó nhiều hoạt động có bước tiến quan trọng, tạo nền tảng, động lực để giáo dục nghề nghiệp phát triển.
Đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao
2019 là năm thứ ba triển khai thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp, cũng là năm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là một trong những khâu đột phá. Đây cũng là năm bản lề để bước vào năm cuối hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ của chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020.
Được sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã, đang có những chuyển biến tích cực mang tính đột phá, toàn diện, gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động trong nước và quốc tế. Ngành đã thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhằm tạo ra sự bứt phá, chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả.
Trong công tác tuyển sinh, đây là năm thứ ba lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Công tác tuyển sinh trình độ trung cấp có đầu vào tốt nghiệp Trung học Cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực. Ước cả năm tuyển sinh khoảng trên 2,3 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch, bằng 105,8% so với năm 2018. Tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp đạt 568 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1.770 nghìn người. Ngành hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 810 nghìn lao động nông thôn học nghề theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg, đạt 101,25% kế hoạch.
Chất lượng đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cải thiện, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhiều đổi mới trong phát triển đổi ngũ nhà giáo, phương pháp giảng dạy và đặc biệt thay đổi tư duy nhận thức trong tổ chức đào tạo, tuyển sinh gắn với tuyển dụng, đào tạo gắn với ví trí việc làm. Hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp được đẩy mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm. Theo thống kê, năm 2019, trên 85% học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có việc làm, có trường, có nghề đạt 100% với mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng.
Chất lượng công tác đào tạo nghề được cải thiện nâng lên. Ước tốt nghiệp khoảng 2.200 nghìn người, đạt 100,2% kế hoạch; trong đó, tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp khoảng 496 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1.704 nghìn người. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 (GCI 4.0) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố, chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam đã tăng 13 bậc, được đánh giá tốt nhất trong khối ASEAN. Hoạt động gắn kết với doanh nghiệp đã đi vào chiều sâu với nội dung, hình thức phong phú, được triển khai đồng bộ ở cả Trung ương, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Trước yêu cầu phát triển của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ quan tâm đầu tư phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án "Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025". Đề án nhằm phát triển trường cao đẳng chất lượng cao với các mục tiêu cụ thể như: phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường cao đẳng chất lượng cao; đến 2025, có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.
Cũng trong năm, cả nước đã có 57 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện việc sáp nhập (7 trường cao đẳng, 44 trường trung cấp, 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp), 46 cơ sở giải thể (3 trường cao đẳng, 21 trường trung cấp, 22 trung tâm giáo dục nghề nghiệp). Có 538 huyện của 54 tỉnh, thành phố đã thực hiện sáp nhập các trung tâm công lập cấp huyện (369 huyện sáp nhập 2 trung tâm, 96 huyện sáp nhập 3 trung tâm, 59 huyện đổi tên, bổ sung chức năng cho 1 trung tâm, 14 huyện sáp nhập vào trường cao đẳng, trường trung cấp).
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan liên quan đã xây dựng được ứng dụng chọn nghề, chọn trường trên điện thoại di động, cập nhật được thông tin của 1.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với hơn 800 nghề đào tạo và thường xuyên có khoảng 10 nghìn người truy cập; thực hiện số hóa, mô phỏng hóa các chương trình đào tạo theo các phần mềm tiên tiến trên thế giới. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã từng bước khẳng định thương hiệu, chất lượng thông qua hoạt động kiểm định chất lượng quốc tế; thí điểm đào tạo theo 34 bộ chương trình chuyển giao từ Australia, Đức (12 chương trình từ Australia, 22 chương trình từ Đức) cho gần 2.000 sinh viên để khi tốt nghiệp ra trường sinh viên sẽ được cấp 2 bằng (bằng cao đẳng của Việt Nam và bằng của Australia hoặc Đức).
Đặc biệt, dấu ấn đậm nét của giáo dục nghề nghiệp trong năm 2019 đó là Đoàn Việt Nam đã đoạt Huy chương Bạc nghề Phay CNC và 8 Chứng chỉ tay nghề xuất sắc tại Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 45 tại KaZan Liên Bang Nga. Kỳ thi đánh dấu bước tiến mới của Đoàn Việt Nam khi tham gia đấu trường Kỹ năng nghề thế giới. Theo đánh giá quốc tế, chất lượng bài thi của thí sinh Đoàn Việt Nam tại Kỳ thi lần này cao hơn so với các Kỳ thi trước. Việc thí sinh Việt Nam đạt thành tích cao ở Kỳ thi tay nghề thế giới cho thấy trình độ kỹ năng nghề của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể, sánh ngang tầm khu vực và thế giới.
Tiếp tục tạo "đột phá" trong giáo dục nghề nghiệp
Bên cạnh những điểm sáng rõ nét, giáo dục nghề nghiệp vẫn còn những khó khăn, thách thức cần vượt qua. Điển hình như: Kết quả tuyển sinh đã tăng, tuy nhiên vẫn còn thấp so với tiềm năng, nhu cầu của quốc gia 97 triệu dân, 55,4 triệu lao động. Cơ cấu ngành nghề, trình độ chưa phù hợp. Chất lượng đào tạo tăng, tuy nhiên vẫn còn thấp trong tương quan với các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới... Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do nhận thức của xã hội, các bậc cha mẹ, người học về giáo dục nghề nghiệp còn thấp, chưa coi việc học nghề là một xu hướng tất yếu, là sự cần thiết thực sự trong xu thế thị trường. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, cùng nhà nước, nhà trường đầu tư cho việc phát triển kỹ năng, phát triển giáo dục nghề nghiệp...
2020 là năm có ý nghĩa rất quan trọng để hoàn thành kế hoạch 5 năm, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới. Giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục đổi mới hướng tới mục tiêu tăng quy mô, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn.
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đến 2020 tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt 2,6 triệu người/năm, nâng tỷ lệ đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong tổng số quy mô tuyển sinh, trong đó có khoảng 20% được đào tạo theo các ngành, nghề trọng điểm; ít nhất 80% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo.
Mục tiêu tiếp theo là có 40 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó khoảng từ 3 - 5 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; phấn đấu giảm tối thiểu 10% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, trong đó số lượng trường trung cấp giảm tối thiểu 15%; có ít nhất 10% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự chủ về tài chính.
Ngành đẩy mạnh thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm với 3 giải pháp đột phá: Tiếp tục đẩy mạnh, rà soát các thủ tục hành chính trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, tăng cường hậu kiểm trong đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh tự chủ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với trách nhiệm giải trình, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác thực thi pháp luật giáo dục nghề nghiệp, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy.
Bên cạnh đó, ngành tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo nghề; chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - doanh nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn.
Ngành nỗ lực hoàn thành việc xây dựng, trình phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để làm cơ sở sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hoàn thiện cơ chế tự chủ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tăng nhanh số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện thực hiện tự chủ, bảo đảm tối thiểu theo chỉ tiêu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Để tạo sự "đột phá" mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng: Công tác giáo dục nghề nghiệp cần gắn kết với doanh nghiệp, với nhu cầu của thị trường, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là nền tảng, điều kiện cốt lõi đảm bảo cho người lao động có việc làm bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Riêng về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ngành sẽ thực hiện các chương trình thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - doanh nghiệp; chuyển giao các bộ chương trình, giáo trình tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn; kết nối đồng bộ giữa đào tạo với giải quyết việc làm trong nước và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...