Tạo nền tảng vững chắc bứt phá phát triển kinh tế

Bước vào nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (2015-2020), Quảng Trị vẫn là một trong những tỉnh thuộc nhóm tỉnh nghèo của cả nước. Nhưng với quyết tâm chính trị cao và khát vọng bứt phá phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đã nỗ lực phấn đấu vượt bậc, tập trung khai thác hiệu quả các lợi thế so sánh của tỉnh để tăng tốc phát triển, đạt được những kết quả quan trọng, tạo nền tảng vững chắc bứt phá phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

 Tập đoàn T&T Group phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ khởi công dự án Khu Dịch vụ - Du lịch Gio Hải -Ảnh:TT

Tập đoàn T&T Group phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ khởi công dự án Khu Dịch vụ - Du lịch Gio Hải -Ảnh:TT

Định hình rõ hướng đột phá

Với tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015- 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung phân tích, xác định rõ mục tiêu và định hướng phát triển, đề ra chủ đề từng năm và những nghị quyết quan trọng, chương trình, kế hoạch hành động để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong các năm tiếp theo và cả nhiệm kỳ. Cùng với việc thực hiện hiệu quả chủ đề từng năm gắn với cam kết trách nhiệm của người dứng đầu, Tỉnh ủy ban hành 5 nghị quyết chuyên đề, 24 chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết các hội nghị Trung ương 4, 5, 6, 7, 8 và các nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó có các nghị quyết quan trọng về xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, mở hướng phát triển công nghiệp về phía biển; nghị quyết phát triển đô thị tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2021, tầm nhìn đến năm 2025, định hướng phát triển đô thị hài hòa, chú trọng quy hoạch tiến tới xây dựng đô thị ven biển; nghị quyết đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở đó, tỉnh đã có nhiều cách làm đồng bộ huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế với các mũi nhọn đột phá về công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến gỗ, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao và phát triển dịch vụ, du lịch…

Xác định mũi nhọn đột phá là công nghiệp năng lượng, biến khó khăn bất lợi của vùng đất “gió Lào nắng cháy” thành lợi thế phát triển, đến nay Quảng Trị thu hút gần 60 dự án điện gió và điện mặt trời đăng ký đầu tư trên quy mô diện tích gần 7 nghìn ha, tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng. Đầu nhiệm kỳ, tổng công suất phát điện trên địa bàn tỉnh là 100,9 MW, đến năm 2020 tổng công suất phát điện trên địa bàn tỉnh tăng lên 377 MW, trong đó điện gió và điện mặt trời 209,5 MW; dự kiến phấn đấu đến năm 2025 khi hầu hết các dự án năng lượng đưa vào khai thác sẽ nâng tổng công suất phát điện trên địa bàn tỉnh lên 5 nghìn MW, mỗi năm đóng góp vào ngân sách 5 nghìn tỉ đồng, đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của khu vực Bắc miền Trung.

Quảng Trị cũng có diện tích rừng lớn hơn 250 nghìn ha, thuộc top đầu của cả nước, trong đó diện tích rừng trồng gỗ lớn đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC là 22 nghìn ha, rất thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ xuất khẩu.

Tỉnh Quảng Trị còn có nhiều di tích lịch sử cách mạng đặc biệt, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và bờ biển dài 75 km, có đảo Cồn Cỏ gần đất liền, thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch.

Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị vào năm 2015 đã tạo cơ hội lớn thu hút đầu tư, xác định rõ hướng đi phát triển đột phá của tỉnh. Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tuy mới khởi động nhưng đã thu hút được nhiều dự án động lực đầu tư như: Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 do Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan làm chủ đầu tư với công suất 1.320 MW, tổng vốn đầu tư hơn 55 nghìn tỉ đồng; Tập đoàn Gazprom của Nga đang xúc tiến đầu tư nhà máy điện khí công suất 340 MW lấy khí từ mỏ Bảo Vàng; Công ty TNHH CFG Quảng Trị khởi công xây dựng bến cảng CFG Nam Cửa Việt với tổng vốn đầu tư 640 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy đầu tư xây dựng khu bến cảng gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100 nghìn tấn, tổng mức đầu tư hơn 14 nghìn tỉ đồng, giai đoạn 1 từ 2018-2025 đầu tư xây dựng 4 bến cảng với tổng vốn đầu tư gần 5 nghìn tỉ đồng… Đây là những dự án động lực mở hướng phát triển công nghiệp về phía biển, đồng thời khai thác lợi thế của Hành lang kinh tế Đông - Tây hướng ra Biển Đông thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ, du lịch, hình thành và phát triển chuỗi đô thị ven biển trong thời gian tới.

Đường lớn đã mở

Để làm bật dậy các hướng đột phá, lĩnh vực ưu tiên đầu tư đã được định hình rõ nét, tỉnh Quảng Trị chú trọng tập trung các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư một số tuyến đường kết nối Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với Hành lang kinh tế Đông - Tây. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy; xúc tiến triển khai dự án Cảng hàng không Quảng Trị; đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D nối từ Cảng quốc tế Mỹ Thủy lên với Cửa khẩu quốc tế La Lay để hình thành tuyến hành lang thứ hai song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây; xúc tiến thành lập Khu kinh tế Cửa khẩu La Lay; đầu tư tuyến đường ven biển… Cùng với dự án đường bộ cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn đang triển khai thi công, dự án đường bộ cao tốc Quảng Trị - Quảng Bình sắp được Bộ Giao thông vận tải triển khai, thì mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh thông suốt mở ra hướng thu hút phát triển các dự án, khu công nghiệp, cụm công nghiệp dọc theo các tuyến hành lang giao thông; đồng thời khai thác dịch vụ vận tải, logistic đón đầu lượng hàng hóa lớn từ các nước Thái Lan, Lào, Campuchia qua các Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay của Quảng Trị ra Biển Đông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

 Phát triển điện gió, hướng đến trung tâm năng lượng điện khu vực Bắc miền Trung -Ảnh: TH

Phát triển điện gió, hướng đến trung tâm năng lượng điện khu vực Bắc miền Trung -Ảnh: TH

Với lĩnh vực đầu tư được định hình rõ nét trở thành trung tâm năng lượng điện của khu vực Bắc miền Trung, tỉnh Quảng Trị đã chủ động rà soát quy hoạch, kế hoạch xây dựng đường truyền tải phù hợp nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các dự án sản xuất điện, nhất là các dự án năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời. Đề nghị các bộ, ngành trung ương chọn Quảng Trị là nơi gần nhất với lô dầu khí 114 ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc Việt Nam để tiếp bờ khai thác. Tỉnh cũng đã và đang xúc tiến đẩy nhanh các dự án phát triển công nghiệp chế biến gỗ, các loại hình dịch vụ, du lịch, khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị. gắn với tổ chức chương trình “Festival vì Hòa bình”.

Nhằm tạo đột phá về cơ chế chính sách, nguồn lực để khai thác tối đa lợi thế xây dựng tỉnh Quảng Trị trở thành địa bàn động lực phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, tỉnh đang thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó chú trọng đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Quảng Trị làm ăn.

Đến nay, 100% sở, ban, ngành và địa phương đã triển khai ứng dụng “Một cửa điện tử”; 100% thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và sản xuất kinh doanh, các chính sách, quy hoạch đều được công khai trên trang thông tin điện tử của UBND tỉnh và tại trụ sở các sở, ngành, địa phương. Công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được chú trọng; định kỳ hằng tháng tổ chức chương trình “Cà phê doanh nhân” để trao đổi, tháo gỡ khó khăn, động viên doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh…

Nhờ đó, đến nay tỉnh Quảng Trị được đánh giá có môi trường đầu tư kinh doanh tốt, chỉ số PCI của tỉnh gia tăng cả về điểm số và thứ hạng liên tục trong các năm 2016, 2017, 2018, 2019. Năm 2019, tỉnh đã thu hút được 87 dự án đầu tư với tổng vốn trên 43.197 tỉ đồng; khởi công xây dựng 30 dự án nhân dịp kỷ niệm 30 năm lập lại tỉnh với tổng vốn đầu tư 113.000 tỉ đồng. Lần đầu tiên tăng trưởng GRDP tỉnh Quảng Trị đạt 7,72% vào năm 2019; liên tục trong 3 năm 2017, 2018, 2019 hoàn thành 24/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đề ra. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 7,16%, tăng 1,25 điểm % so với nhiệm kỳ trước và cao hơn bình quân chung của cả nước.

Có thể khẳng định, quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã đầu tư xây dựng và phát triển trục kinh tế kết nối các trọng điểm kinh tế đề ra từ nhiệm kỳ trước; xúc tiến hình thành Hành lang kinh tế qua Cửa khẩu quốc tế La Lay về Mỹ Thủy và kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây; đồng thời nghiên cứu, xây dựng, triển khai một số trọng điểm kinh tế nhằm tạo động lực mới, tạo hiệu ứng lan tỏa và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các hành lang giao thông và “đường băng chính sách” đã mở ra niềm tin, kỳ vọng cho Quảng Trị bứt phá phát triển mạnh trong tương lai.

Thanh Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=152481