Táo ngọt Bàng La trên vùng đất chua mặn

Sinh trưởng và phát triển tốt trên khu đất vốn là ruộng muối, cây táo được người dân phường Bàng La (quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) vun trồng đã cho trái ngọt. Từ một vài hộ dân trồng thử nghiệm ban đầu, cây táo đã trở thành cây trồng chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân nơi đây.

Biến ruộng muối thành vườn táo

Người dân phường Bàng La vốn sinh sống bằng nghề làm muối, nhưng do phù sa của sông Văn Úc bồi lắng, nghề làm muối dần kém phát triển, không mang lại hiệu quả. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, bà con nông dân nơi đây đã chuyển hướng sang nuôi trồng thủy sản và một số loại cây ăn quả, trong đó có cây táo. Thời kỳ đầu, nhiều giống táo nổi tiếng ở các địa phương và cả giống táo nhập ngoại được đem về trồng. Tuy nhiên, chất lượng quả chưa tốt, vị chua, chát. Người dân đã tiến hành ghép thử nghiệm mầm táo ta vào những gốc táo lai và cho kết quả khả quan. Táo ta sinh trưởng và phát triển tốt trên gốc táo lai to, khỏe, ít sâu bệnh. Cây táo ghép cho năng suất cao, quả có vị chua ngọt đậm đà bởi được trồng trên đất muối. Từ đó, thương hiệu “táo muối Bàng La” ra đời.

Vườn táo ở Bàng La phát triển tốt, cho sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao.

Vườn táo ở Bàng La phát triển tốt, cho sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao.

Táo khi chín ngả màu vàng chanh, ăn giòn, mọng nước, vị chua ngọt đậm đà. Táo cho thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán, từ tháng Mười đến tháng Giêng. Cũng giống táo này, khi được trồng tại nơi khác thì vị của quả không ngon như táo trồng ở Bàng La. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Xuân đã có 25 năm trồng táo ở địa phương cho hay: “Sở dĩ táo Bàng La là loại cây đặc sản vì nó phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng. Đất trồng là đất chua mặn, đa số được cải tạo từ ruộng muối bỏ hoang nên cho ra vị táo đậm đà, khó quên”.

“Những năm đầu gia đình tôi kết hợp trồng táo trên gò, bên dưới là ruộng muối. Giá 1kg táo khi ấy chỉ 2.000 đồng nhưng rất giá trị, trong khi muối chỉ vài hào 1kg. Vì hiệu quả nên gia đình tôi đã chuyển toàn bộ diện tích đất canh tác sang trồng táo”, ông Xuân nhớ lại. Hiện gia đình ông có khoảng 3.600m2 đất trồng táo với 130 gốc, trung bình mỗi năm thu 6-10 tấn. Năm 2022 được mùa, gia đình ông cung cấp ra thị trường 12 tấn táo, thu về gần 200 triệu đồng. Trừ chi phí, gia đình ông thu lãi 150 triệu đồng.

Cũng xuất phát từ gia đình diêm dân như gia đình ông Xuân, gia đình bà Nguyễn Thị Tuyến, ở phường Bàng La cũng đang trồng gần 100 gốc táo, diện tích 1.800m2, sản lượng hằng năm đạt 4-8 tấn, thu lãi 50-70 triệu đồng/năm, hiệu quả gấp hơn 10 lần làm muối. Bà Tuyến cho biết, do đất đai thích hợp nên tiền đầu tư chăm sóc táo không quá cao, chủ yếu là chi phí cây giống. Dẫu vậy, người dân vẫn gặp phải một số khó khăn trong quá trình trồng táo; đặc biệt là tác động của thời tiết như gió, bão, mưa lớn, chưa kể nạn ruồi hoành hành, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Ông Bùi Duy Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Bàng La cho biết, hiện phường có khoảng 120ha trồng táo với gần 1.000 hộ, sản lượng táo bình quân một năm từ 2.000 tấn trở lên (tương đương 30-40 tỷ đồng). "Qua quá trình lai tạo, phát triển nhân giống trong khoảng 40 năm, cây táo được đánh giá là cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương. Người dân có thể kết hợp trồng xen thêm các loại rau màu khác dưới cây táo, tạo thu nhập kép. Nhiều gia đình ở Bàng La đã đổi đời, thoát nghèo nhờ nghề trồng táo”, ông Bùi Duy Dũng chia sẻ.

Đưa táo lên giàn, phát triển thương hiệu

Cũng là một nông dân tâm huyết với giống cây đặc thù của địa phương, ông Bùi Duy Dũng đã mày mò, sáng tạo để chuyển đổi mô hình từ trồng táo truyền thống sang táo leo giàn. Mô hình này tương tự như trồng nho tại tỉnh Ninh Thuận, được áp dụng thành công trên cây táo Bàng La. Mô hình táo leo giàn có nhiều ưu điểm, trước tiên giảm được thiệt hại do thiên tai gây ra, giúp nâng cao năng suất, chất lượng quả, tạo cảnh quan đẹp mắt, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm mô hình du lịch sinh thái. Táo leo giàn với hai vụ hè-đông cho năng suất gấp đôi so với lối canh tác truyền thống chỉ trồng một vụ. Tuy nhiên, số hộ ở Bàng La thực hiện mô hình táo giàn còn hạn chế, mới dừng ở mức thí điểm. Theo ông Bùi Duy Dũng, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả, nhân rộng mô hình, khuyến khích bà con đầu tư chuyển đổi để nâng cao kinh tế. Cùng với đó là việc tổ chức mời chuyên gia về giảng dạy, tập huấn định kỳ để bà con tiếp thu các phương pháp trồng hiện đại, tạo điều kiện cho người dân vay vốn định kỳ để phát triển ngành nghề. Khuyến khích nông dân tập trung vào chất lượng quả táo thay vì sản lượng.

Tuy cây táo đã giúp nhiều người dân Bàng La thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhưng vấn đề đầu ra cho quả táo vẫn còn hạn chế. Đây chính là thách thức không nhỏ với người trồng táo nơi đây. Vì thế, để táo Bàng La được nhiều người biết đến, trở thành cây kinh tế chủ lực của địa phương, chính quyền và người dân Bàng La cần tích cực tuyên truyền để mở rộng mô hình trồng táo, liên kết nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện dây chuyền đóng gói, dán tem mác. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm cũng góp phần thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa táo Bàng La góp mặt trên các sàn thương mại điện tử, tiến tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Bài và ảnh: NGỌC TÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/tao-ngot-bang-la-tren-vung-dat-chua-man-720890