Bài cuối: Kiến tạo không gian phát triển mới

BÀI 1: Vị thế đắc địaBÀI 2: Hướng đến đô thị đáng sốngĐể xây dựng TP. Mỹ Tho trở thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu được đưa ra bàn luận với nhiều góc độ tiếp cận khác nhau.Du lịch, thương mại và logistics, dịch vụ nông nghiệp hay đô thị thông minh… là nhóm các chuyên ngành được ưu tiên bàn luận trong chặng đường phát triển tới đây của TP. Mỹ Tho.NỀN TẢNG LỢI THẾ

Nhiều ý kiến đã được đưa ra bàn thảo để Mỹ Tho xứng tầm với lợi thế hiện có, đáng chú ý là ngành Du lịch. Nhìn ở khía cạnh lợi thế để phát triển du lịch, tham luận của TS. Nguyễn Đức Trí, Trưởng Khoa Du lịch - Trường Kinh doanh (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) cho thấy, tương lai du lịch TP. Mỹ Tho rất tươi sáng với nhiều cơ hội tăng trưởng và phát triển.

Thương mại, dịch vụ cũng là lợi thế của TP. Mỹ Tho.

Thương mại, dịch vụ cũng là lợi thế của TP. Mỹ Tho.

Bằng cách áp dụng các hoạt động bền vững, tăng cường cơ sở hạ tầng và phát huy tài nguyên nhân văn, thiên nhiên và văn hóa độc đáo, Mỹ Tho có thể nổi lên như một điểm đến hàng đầu trong hoạt động du lịch sôi động của Việt Nam.

Nhìn từ thực tiễn vừa qua, TS. Nguyễn Đức Trí dẫn chứng qua kết quả khảo sát mức độ tìm kiếm Tiền Giang trên Google cho thấy, TP. Hồ Chí Minh có lẽ là nguồn cung cấp khách lớn nhất đến Mỹ Tho; cự ly di chuyển ngắn (khoảng 70 km) và chất lượng đường đi rất thuận lợi; ở phương diện tìm kiếm hấp dẫn trải nghiệm, các địa danh của Tiền Giang thu hút được 30% lượt tìm kiếm; ở phương diện dịch vụ du lịch, Tiền Giang thu hút được 48% lượt tìm kiếm, đứng hàng thứ 15 trong 63 tỉnh, thành.

TS. Nguyễn Đức Trí cũng lưu ý, tương lai du lịch nội địa sẽ tiếp tục giữ vị trí hàng đầu; đối với khách nước ngoài, đối tác các nước bắt đầu đặt vấn đề về sự thân thiện với môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị minh bạch của doanh nghiệp Việt Nam mà họ muốn làm ăn; đồng thời, quan tâm đến tính bền vững thông qua (kéo dài thị thực và tăng tính hấp dẫn và tính liên kết) thời gian lưu trú dài hơn, các hình thức vận chuyển ít gây tổn hại đến môi trường hơn, xử lý rác thải, trồng cây...

Nhìn ở khía cạnh khác, hướng đến mục tiêu xây dựng Mỹ Tho thành trung tâm nông nghiệp chất lượng cao, theo TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận, Chuyên gia về đô thị - Dự án MCRP-GIZ cho rằng, trong thời gian tới cần phát triển trung tâm đầu mối của Mỹ Tho về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị có vai trò là trung tâm cấp vùng, tiểu vùng và các đầu mối hạ tầng quốc gia liên vùng theo định hướng của Chính phủ.

Theo đó, cần xây dựng trung tâm đầu mối tỉnh Tiền Giang tại Mỹ Tho là nơi cung cấp các dịch vụ về logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu gom, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị.

“Điều này đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, tận dụng lợi thế hạ tầng cơ sở của đô thị loại I để phát triển”- TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận nhấn mạnh.

TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN

Trên bình diện tổng thể, Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1762 ngày 31-12-2023 cũng đã chỉ ra những đường hướng phát triển quan trọng của Tiền Giang trong chặng đường sắp tới.

Theo đó, TP. Mỹ Tho có vai trò là một trong những trung tâm dịch vụ thương mại, logistics, du lịch tại khu vực phía Bắc sông Tiền; đô thị cửa ngõ giữa TP. Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); trung tâm nông nghiệp công nghệ cao về cây ăn trái và trung tâm du lịch miệt vườn.

Đây là cơ sở quan trọng giúp thành phố hoạch định, kiến tạo không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là trung tâm, đầu tàu kinh tế của tỉnh Tiền Giang.

Với bề dày lịch sử 345 năm, cùng với lợi thế hiện hữu gắn với chiến lược phát triển chung của tỉnh và khu vực, trong những năm qua, TP. Mỹ Tho đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển theo hướng hiện đại. Đặc biệt là nhiệm kỳ 2020 - 2025, TP. Mỹ Tho xác định một trong những khâu đột phá là phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ bất động sản nhằm tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế và phát triển đô thị trung tâm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu cho rằng, các nội dung đã trao đổi, trình bày và kiến nghị, đề xuất sẽ giúp UBND tỉnh, TP. Mỹ Tho hoàn chỉnh Đề án Xây dựng TP. Mỹ Tho thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành; để cùng các địa phương bạn trong vùng ĐBSCL xây dựng Đề án thiết thực, hiệu quả và khả thi. Hội thảo cũng đã làm rõ thêm về nội hàm trung tâm tổng hợp, chuyên ngành. T

ừ đó, chúng ta có những định hướng lớn trong lãnh đạo và có giải giáp cụ thể trong chỉ đạo. Các tham luận, ý kiến trao đổi đã thể hiện một vấn đề tập trung là xây dựng TP. Mỹ Tho theo 4 nội dung.

Thứ nhất là trung tâm thương mại, dịch vụ logistics; thứ hai là phát triển nông nghiệp công nghệ cao; thứ ba là xây dựng TP. Mỹ Tho là đô thị kết nối và kết nối được với TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh trong vùng ĐBSCL; thứ tư là về du lịch.

Qua hội thảo, tỉnh đúc kết được các giải pháp quan trọng để xây dựng và phát triển TP. Mỹ Tho, kể cả phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang trong thời gian tới. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần liên kết các trung tâm được định danh trong vùng gắn với các tiểu vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh. Chúng ta thể hiện sự gắn kết, kết nối bằng việc tổ chức triển khai dựa trên những giải pháp, cách làm cụ thể, hiệu quả trên tinh thần những lợi thế so sánh.

Đồng chí Nguyễn Thành Diệu cũng yêu cầu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với TP. Mỹ Tho và các ngành tiếp thu đầy đủ các ý kiến và tranh thủ ý kiến đóng góp của các đơn vị để xây dựng hoàn chỉnh Đề án có tính thực tế, lan tỏa, có trách nhiệm với các trung tâm khác để trình Chính phủ phê duyệt và triển khai hiệu quả.

Theo đó, TP. Mỹ Tho đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, nhất là thương mại, du lịch, bất động sản, dịch vụ vận tải, tài chính và y tế chất lượng cao. TP. Mỹ Tho cũng phấn đấu đến năm 2025, khu vực dịch vụ chiếm 43%, khu vực công nghiệp chiếm 43%, khu vực nông nghiệp chiếm 3% trong cơ cấu kinh tế và hướng đến xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Đánh giá về thực trạng và phương hướng phát triển của TP. Mỹ Tho, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Thông cho rằng, TP. Mỹ Tho là đô thị cấp vùng, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, du lịch, thương mại, dịch vụ, lưu trú, giải trí, khoa học - kỹ thuật, động lực phát triển của vùng Trung tâm tỉnh Tiền Giang, phát triển theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị thông minh. TP. Mỹ Tho trở thành thành phố văn minh, kinh tế phát triển dựa trên thương mại - dịch vụ, du lịch và dịch vụ bất động sản, công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao...

Theo đó, TP. Mỹ Tho cần tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng đô thị nhằm phát triển nông nghiệp bền vững; đồng thời, phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp đô thị tập trung; gắn các hoạt động sản xuất nông nghiệp với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Thành phố cũng cần hình thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao gắn kết với vành đai vườn cây ăn trái, các công viên chuyên đề, rau an toàn...

Bên cạnh đó, thương mại, dịch vụ là ngành kinh tế chủ lực của thành phố, trở thành trung tâm thương mại hiện đại của tỉnh Tiền Giang nên cần chú trọng phát triển các loại hình thương mại phục vụ đô thị và khu công nghiệp; đầu tư phát triển hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, các khu thương mại gắn với nhà ở, phát triển hệ thống bán buôn và bán lẻ rộng khắp.

Ngoài ra, TP. Mỹ Tho cũng cần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, phát triển mạnh dịch vụ du lịch, dịch vụ vận tải, các dịch vụ vệ tinh cho cảng biển, dịch vụ khoa học - kỹ thuật, dịch vụ bưu chính - viễn thông, dịch vụ nhà hàng, khách sạn và từng bước hình thành hệ thống dịch vụ đầu tư, tài chính, ngân hàng, pháp lý, đào tạo, cung ứng lao động, dịch vụ y tế và giới thiệu việc làm tại địa bàn thành phố để phục vụ các khu công nghiệp, đô thị, cảng...

Cũng theo đồng chí Nguyễn Đình Thông, địa phương cần phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các loại hình vận tải đường bộ, đường thủy. Đặc biệt là hình thành 1 trung tâm logistics trên địa bàn để tối ưu hóa các lợi thế về giao thông (đường bộ và đường thủy) của địa phương, quy mô từ 10 - 20 ha...

TP. Mỹ Tho cũng cần phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái miệt vườn gắn với thương hiệu trái cây và các sản phẩm OCOP; du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao ven sông và gắn với bất động sản sinh thái và sông nước; đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào các trải nghiệm gắn với đô thị: Tham quan, MICE… và các dịch vụ vui chơi giải trí đêm; phát triển các dịch vụ mua sắm và các sản phẩm liên quan đến lễ hội, sự kiện…

“Một trong những định hướng quan trọng là xây dựng hoàn thiện các tiêu chí cơ bản của đô thị thông minh cho TP. Mỹ Tho; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ mở rộng khắp các cơ quan nhà nước”- đồng chí Nguyễn Đình Thông cho biết.

ANH PHƯƠNG - MINH THÀNH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202407/tp-my-tho-huong-den-trung-tam-tong-hop-chuyen-nganh-bai-cuoi-kien-tao-khong-gian-phat-trien-moi-1014438/