Tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới: Bài 4: Sàng lọc cán bộ, khắc phục những hạn chế, yếu kém
Từ đầu nhiệm kỳ 2015 – 2020 đến nay, nhiều vấn đề bất cập trong công tác cán bộ đã được phát hiện, xử lý. Điều này cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng ta đã có sự chuyển động mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương. Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường, đã góp phần sàng lọc, chấn chỉnh những dấu hiệu vi phạm ngay từ khi mới manh nha, đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm để tạo sự răn đe, góp phần giữ vững kỷ cương và tăng cường kỷ luật; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Đồng chí Tạ Kim Doãn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Nga Sơn trao đổi, nắm bắt tình hình tại xã Nga Bạch. Ảnh: Hà Minh
Thời gian qua, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp để xảy ra hàng loạt vụ việc sai phạm nghiêm trọng liên quan đến trách nhiệm của một số cán bộ cơ sở làm thiệt hại ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Từ những lá đơn tố cáo của công dân xã Quảng Lộc (Quảng Xương) về việc một số cán bộ, nguyên cán bộ của xã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để lập hồ sơ khống nhằm chiếm dụng đất đai gây thiệt cho ngân sách Nhà nước, qua điều tra, ngày 6-10-2018 Công an huyện Quảng Xương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Hoàng Văn Sơn, sinh năm 1983, cán bộ địa chính xã Quảng Lộc và Bùi Ngọc Dũng, sinh năm 1985 là trưởng thôn 3, xã Quảng Lộc để điều tra, làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, lập khống hồ sơ, tăng diện tích bồi thường của 126 hộ dân trên địa bàn thôn 3, xã Quảng Lộc trong diện được bồi thường giải phóng mặt bằng để chiếm đoạt của Nhà nước gần 800 triệu đồng trong 2 năm 2016 – 2017. Tiếp đó, tháng 5-2019, Công an huyện tiếp tục ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 5 đối tượng nguyên là các cán bộ UBND xã Quảng Lộc giai đoạn 2003 – 2006 có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để lập hồ sơ khống chiếm đoạt 8 lô đất trên trục đường 4A. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm các đối tượng có sai phạm, tình hình tại xã Quảng Lộc đã ổn định, dư luận nhân dân đồng tình.
Một vụ việc khác xảy ra tại xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn, qua công tác thanh tra, kiểm tra năm 2017, các cơ quan chức năng của huyện phát hiện hàng loạt sai phạm của lãnh đạo và cán bộ, công chức xã Nga Thanh trong việc rà soát, lập danh sách các hộ nghèo để hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Trong đó, vợ của hàng loạt lãnh đạo xã đã được ghép vào danh sách các hộ nghèo trên địa bàn xã để trục lợi. Sau khi có kết luận làm rõ những sai phạm của các đối tượng, các cấp ủy, chính quyền huyện Nga Sơn, xã Nga Thanh đã có hình thức xử lý kỷ luật về Đảng và về mặt chính quyền đối với 22 cán bộ xã, thôn đã để xảy ra sai phạm trong việc bình xét, rà soát và quản lý hộ nghèo trên địa bàn gây bức xúc cho nhân dân và dư luận.
Không chỉ “xà xẻo” công quỹ Nhà nước, có không ít cán bộ, công chức xã do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, có biểu hiện “tự suy thoái”, “tự chuyển hóa” vi phạm những điều đảng viên không được làm, không gương mẫu trong sinh hoạt, lối sống dẫn đến vi phạm pháp luật. Điểm qua một số vụ án cơ quan công an đã khởi tố cho thấy hầu hết những cán bộ sai phạm đều là những cán bộ có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản. Thế nhưng họ đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; không đặt lợi ích của nhân dân và lợi ích chung làm đầu; xem thường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trù dập cán bộ, vụ lợi cá nhân, tùy tiện, vô nguyên tắc trong điều hành công việc... Với những trường hợp cán bộ có sai phạm nghiêm trọng, cấp ủy, chính quyền các cấp đã cương quyết xử lý nghiêm minh.
Cũng trong nhiệm kỳ này, Thanh Hóa đã quyết liệt chấn chỉnh tình trạng ký hợp đồng lao động, tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức không đúng quy định tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Nhiều cán bộ đương nhiệm và nguyên lãnh đạo các cơ quan, đơn vị để xảy ra các vi phạm, sai phạm đã bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền.
Đồng chí Thái Xuân Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy Thọ Xuân, cho biết: Hằng năm các cấp ủy huyện Thọ Xuân đã xây dựng kế hoạch, chương trình kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát hiện, ngăn ngừa, chấn chỉnh kịp thời những dấu hiệu vi phạm. Nội dung kiểm tra chủ yếu về giữ gìn đạo đức, lối sống; những điều đảng viên không được làm; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao... 8 tháng năm 2019, cấp ủy các cấp và UBKT Huyện ủy đã thi hành kỷ luật 20 đảng viên, trong đó: Khiển trách 11, cảnh cáo 6 và khai trừ khỏi Đảng 3 đồng chí. Thông qua công tác KTGS đã đánh giá được những ưu điểm, phát hiện được những hạn chế, khuyết điểm; nhắc nhở kịp thời các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Qua đó, từng bước nâng cao được vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, phát huy được tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, giữ vững kỷ cương, tăng cường kỷ luật trong Đảng.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2011 đến tháng 6-2019, các cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp có thẩm quyền đã kiểm tra, xem xét, kết luận và xử lý kỷ luật về Đảng đối với 3.210 đảng viên vi phạm suy thoái, trong đó có 1.416 đảng viên vi phạm suy thoái về tư tưởng chính trị và 1.794 đảng viên vi phạm suy thoái về đạo đức, lối sống; bằng các hình thức: Khiển trách 1.770; cảnh cáo 995; cách chức 126; khai trừ 319. Chỉ riêng từ đầu nhiệm kỳ 2015 – 2020 đến tháng 9-2019, cấp ủy các cấp đã xem xét, kết luận và quyết định thi hành kỷ luật 34 tổ chức đảng, trong đó, khiển trách 27, cảnh cáo 7. Số đảng viên bị thi hành kỷ luật là 2.548, trong đó có 533 cấp ủy viên, chiếm tỉ lệ 29,4% so với tổng số đảng viên bị kỷ luật (2 Tỉnh ủy viên và 4 nguyên Tỉnh ủy viên, 1 bí thư huyện ủy, 3 chủ tịch và 1 nguyên chủ tịch UBND cấp huyện, 4 ủy viên ban thường vụ cấp huyện, 12 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, 23 huyện ủy viên, 360 đảng ủy viên, 318 chi ủy viên). So với các nhiệm kỳ trước, công tác kiểm tra, giám sát từ cơ sở đã từng bước được nâng cao, với số cuộc kiểm tra giám sát và số vụ việc phát hiện, xử lý qua công tác kiểm tra, giám sát đều có chiều hướng tăng.
Đồng chí Trần Quang Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy cho biết: “Để đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương và giải pháp thực hiện; một trong các giải pháp mà Đảng ta chỉ rõ đó là: Tăng cường và đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát gắn với công tác đấu tranh phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp phải triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng; xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, nhất là vi phạm về suy thoái và tham nhũng; nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh, được nhân dân, cán bộ, đảng viên đồng tình ủng hộ; đã có tác dụng cảnh báo, răn đe, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí”.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đã tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm, những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, như: Công tác cán bộ; quản lý và sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng; tài chính công... gắn kiểm tra, giám sát tổ chức đảng với kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở. Thực tế cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật cán bộ của Đảng đã có tác động tích cực, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, tạo được sự chuyển biến bước đầu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; khắc phục tình trạng “vùng cấm” và “hạ cánh an toàn”; qua đó góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị; xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Từ việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật Đảng đã giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp quan tâm, coi trọng nhiều hơn đến việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng và năng lực công tác; chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn; có những đổi mới về lề lối và phong cách làm việc; tự giác tự phê bình, nghiêm khắc với bản thân hơn trước, giữ gìn đạo đức, lối sống, bước đầu tự sửa chữa khuyết điểm, tự điều chỉnh hành vi và các hoạt động trong thực tiễn công tác và cuộc sống của bản thân, gia đình, tạo được uy tín đối với quần chúng.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận lại những mặt còn hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, qua ghi nhận tại cơ sở cho thấy việc đánh giá cán bộ dù đã có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung ngày càng chặt chẽ hơn, nhưng việc tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Qua một số vụ án đã khởi tố cho thấy nhiều trường hợp cán bộ để vi phạm, có sai phạm kéo dài nhưng hàng năm vẫn được xếp loại hoàn thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Một số trường hợp cán bộ có vi phạm, sai phạm nhưng chậm được xử lý gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài trong nhân dân. Vai trò giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên đã có chuyển biến nhưng hiệu quả chưa thực sự rõ nét...
Với quyết tâm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới của đất nước, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Trung ương đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về công tác cán bộ nhằm hoàn thiện về thể chế. Mới đây, chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định 205 đã đưa ra những nhận diện cụ thể về hành vi chạy chức, chạy quyền và quy rõ trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự cho Đảng và Nhà nước trong công tác cán bộ sắp tới. Đồng thời, ngày 1-10-2019, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Thông báo Kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng. Theo đó, trong thời gian tới các cấp ủy tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ, thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, chống chạy chức, chạy quyền, chạy khen thưởng; suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm.” Kiên quyết xử lý nghiêm minh những tổ chức đảng, đảng viên cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, sự phát triển của đất nước. Những thông điệp và hành động mạnh mẽ đã và đang được triển khai đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, củng cố thêm niềm tin vào cấp ủy, chính quyền các cấp.
Bài cuối: Chuẩn bị tốt nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ 2020-2025.
Hà Minh