Tạo nhiều cơ hội mới cho công nhân mất việc
Việc tổ chức sàn giao dịch việc làm có ý nghĩa thiết thực, bên cạnh hỗ trợ người dân tìm việc làm mới còn là cơ hội để doanh nghiệp tuyển dụng nguồn lao động sẵn có của địa phương.
Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và tình hình thế giới, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.HCM phải giảm lao động. Đặc biệt, DN trên địa bàn quận Bình Tân phải cắt giảm hơn 9.000 lao động.
Rào cản tuổi tác, trình độ
Từng là công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (TP.HCM) hơn 15 năm nhưng từ sau tết Quý Mão, công ty hết hàng, cắt giảm lao động, cuộc sống của chị Lê Thị Huệ (47 tuổi, ngụ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) đã khó khăn nay càng thêm chật vật.
Gặp chị ở sàn giao dịch giới thiệu việc làm cho lao động tại quận Bình Tân, chị nói không ngại việc gì, từ làm tạp vụ quét dọn, lau chùi đến gia công đồ trang trí chị đều làm được. “Chồng mất đã lâu, tôi thất nghiệp nhiều tháng trong khi con gái lớn vừa bước vào năm hai đại học, đứa nhỏ thì lên lớp 10. Tôi chỉ mong sớm tìm được việc làm ổn định, thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do tuổi cao nên tôi vẫn chưa tìm được chỗ làm phù hợp” - chị Huệ tâm sự.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trong bảy tháng đầu năm 2023, TP.HCM có gần 92.000 người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Toàn TP có 29 DN cắt giảm lao động từ 500 người trở lên với tổng số gần 38.500 người. Trong đó, gần 31.000 người không có chuyên môn kỹ thuật; 17.752 người trên 40 tuổi, chiếm tỉ lệ 30%.
Còn chị Nguyễn Thu Hương (35 tuổi, ngụ phường Tân Tạo) cho biết chị vừa bị DN cắt giảm biên chế trong đợt tháng 8 vừa rồi. Hiện tại, chị ở nhà làm nội trợ và không ngừng lên mạng rải đơn xin việc để tìm công việc phù hợp. “Chồng tôi là tài xế đường dài nên tôi tìm một công việc chỉ làm giờ hành chính, gần nhà để còn chăm sóc các con và cha mẹ già” - chị Hương tâm sự.
Theo chị Hương, tuổi tác và trình độ là hai rào cản lớn nhất khiến chị “tự ti” khi tham gia các sàn giao dịch việc làm. Nếu được đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, khởi nghiệp thì chị rất sẵn sàng.
Còn anh Lưu Đức Viên (43 tuổi, ngụ quận 1) đang chăm chú đọc từng tờ giấy tuyển dụng của các DN để mong sớm tìm được công việc phù hợp. Với lợi thế thành thạo tiếng Trung, sau khi thất nghiệp, anh Viên cũng tự tin tìm những việc làm thời vụ ở lĩnh vực biên, phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch…, tuy nhiên công việc cũng không thuận lợi, anh thường bị khách hàng “bom” tiền. “Tôi chỉ mong sớm tìm được công việc ổn định, có biên chế, đóng BHXH đầy đủ là tôi mãn nguyện rồi” - anh Viên bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Thu Nga, tổ trưởng Hội Phụ nữ của phường Bình Trị Đông, cho biết tại phường hiện có rất nhiều phụ nữ thất nghiệp, mong muốn tìm việc làm. Tuy nhiên, do tuổi đã cao và không có bằng cấp nên gặp nhiều khó khăn trong tìm việc.
“Hội Phụ nữ của phường cũng tạo điều kiện, hỗ trợ vay vốn, kết nối để xin việc làm nhưng vì số lượng người thất nghiệp quá đông nên không thể hỗ trợ hết được” - bà Nga cho biết.
Tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm
Theo chị Mỹ Hiền, chuyên viên tuyển dụng của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên TP.HCM, hiện nay nhu cầu học nghề của lao động chiếm tỉ lệ không cao do đối tượng lao động đa phần trên 40 tuổi. “Nhiều lao động thất nghiệp muốn tìm những công việc thời vụ, không phải đóng BHXH do đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ đợt giảm biên chế” - chị Hiền nói.
Chị Thùy Vy, chuyên viên tuyển dụng của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất mỹ nghệ Đại Phát, cho biết công ty đang cần tuyển 30 lao động ở nhiều vị trí. Ngoài mức lương thỏa thuận sẽ có các mức hỗ trợ tăng thêm cho người lao động như tiền ăn trưa, tiền xăng xe... Bên cạnh đó, công ty cũng mong muốn nắm bắt nguyện vọng của người lao động để điều chỉnh lương cho phù hợp.
Để giải quyết vấn đề việc làm trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung cho biết hiện quận tập trung các giải pháp để hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm mới. Đồng thời, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người dân, đặc biệt là tổ chức các sàn giao dịch việc làm.
“Việc tổ chức sàn giao dịch việc làm có ý nghĩa thiết thực và vô cùng quan trọng góp phần giải quyết và tạo việc làm mới cho người dân. Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN tuyển dụng nguồn lao động sẵn có của địa phương. Mới đây, quận đã tổ chức sàn giao dịch việc làm vào ngày 21-9 thu hút 33 DN trong và ngoài quận đăng ký tuyển dụng. Hơn 4.000 vị trí việc làm tại TP.HCM như nhân viên bán hàng, nhân viên hành chính, nhân viên kỹ thuật, điện lạnh, tạp vụ, thợ may… đang đợi người lao động ứng tuyển” - bà Dung thông tin.
Cạnh đó, gần 2.000 nhu cầu tuyển sinh học nghề với các ngành nghề như quản trị nhà hàng, khách sạn, trang điểm thẩm mỹ, điện công nghiệp - điện lạnh, sửa xe máy, xe tay ga, lái xe hạng B1, B2...
Hỗ trợ lao động nữ khởi nghiệp tại gia
Các ban ngành, đoàn thể cần chủ động nắm chắc tình hình công nhân đang tạm trú tại nhà trọ trên địa bàn các phường của quận. Đồng thời, phối hợp với các chủ nhà trọ để tuyên truyền cho công nhân lao động hiểu, chia sẻ khó khăn với DN.
Tổ chức các hội thảo về chuyển đổi nghề nghiệp, khởi nghiệp nhỏ tại gia đình cho nữ công nhân, lao động mất việc. Tăng cường các kỹ năng cần thiết để chuyển đổi nghề nghiệp hoặc khởi nghiệp tại gia để tạo thu nhập bền vững cho lao động nữ sau khi mất việc.
Bà LÊ THỊ NGỌC DUNG, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân
Nguồn PLO: https://plo.vn/tao-nhieu-co-hoi-moi-cho-cong-nhan-mat-viec-post753075.html