Tạo niềm tin với người tiêu dùng

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến thực phẩm theo hướng công nghiệp, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển ổn định. Dù vậy, số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này hiện vẫn rất ít. Đây là điều đáng phải suy nghĩ bởi Hà Nội là địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn, thị trường tiêu thụ ở nhóm đứng đầu cả nước.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Rào cản lớn nhất đang nằm ở các cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, nguồn vốn... còn bất cập, thiếu hấp dẫn trong bối cảnh hiện nay.

Trong khi đó, chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm ở Hà Nội phần lớn vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Thực trạng này kéo theo sự tồn tại rất khó kiểm soát của hàng trăm cơ sở giết mổ thủ công nằm xen kẽ trong khu dân cư. Đây là điều đáng lo ngại, bởi ngoài gây ô nhiễm môi trường, còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, lây lan dịch bệnh.

Một nghịch lý nữa là sản phẩm giết mổ, chế biến từ cơ sở công nghiệp lại đang không thu hút được người tiêu dùng. Lý do là giá cao bởi phải qua sơ chế, chế biến theo quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; trong khi người dân vẫn giữ thói quen "tiện đâu, mua đấy", ít khi sử dụng thịt đã qua chế biến công nghiệp.

Xu hướng phát triển của xã hội hiện đại là thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi đã qua chế biến. Để làm được điều này, trước tiên, các cấp, ngành cần tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, cần sớm rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan như tạo quỹ đất sạch, xem xét tăng thời hạn thuê đất, miễn giảm tiền thuế sử dụng đất; tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi... Đây là những yếu tố căn bản để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thực phẩm.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, tiến tới xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết, gắn kết cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo thành quy trình đồng bộ từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ; tăng cường thông tin, tuyên truyền về các lợi ích để dần hình thành thói quen sử dụng thịt đã qua sơ chế hoặc chế biến cho người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp là một "mắt xích" rất quan trọng để hướng tới một ngành công nghiệp giết mổ, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm chuyên nghiệp. Do đó, cùng với tăng cường nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này, các doanh nghiệp cần ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến nhằm tạo ra dòng sản phẩm phong phú, giá thành hợp lý, bảo đảm chất lượng.

Với người chăn nuôi, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo quy định. Đây là yếu tố quyết định để doanh nghiệp hợp tác, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi một cách ổn định. Trong khi đó, người dân cần từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng, chuyển dần sang sử dụng thực phẩm qua chế biến có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để bảo đảm an toàn.

Thêm cơ chế hỗ trợ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bên liên quan, ngành công nghiệp giết mổ, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm của Thủ đô sẽ dần tạo niềm tin với người tiêu dùng, phát triển bền vững.

Quỳnh Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/973253/tao-niem-tin-voi-nguoi-tieu-dung