Tạo quỹ đất để xây trường học
Nhiều năm qua, doanh nghiệp (DN) tiếp cận quỹ đất sạch để xây dựng trường học còn gặp nhiều khó khăn do quỹ đất của Hà Nội thiếu. Những hạn chế trong các quy định của pháp luật đang gây khó cho DN đầu tư lĩnh vực này...
Eo hẹp quỹ đất sạch các quận nội thành
Thời điểm trước khi bước vào năm học mới 2024-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có Công văn số 3898 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học.
Theo đó, Bộ này yêu cầu các cơ sở giáo dục đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo đúng quy định Điều lệ trường tiểu học 35 em/lớp. Được đánh giá là cần thiết, nhưng quy định này vẫn chỉ là “một giấc mơ” với nhiều học sinh và giáo viên ở những thành phố lớn, đông dân cư như Thủ đô Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương...
Tại Hà Nội, không ít phụ huynh có con theo học tại các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm… bức xúc cho hay, đó chỉ là các điều khoản, quy định trên giấy, vì nhiều năm nay những lớp mà con họ theo học, thì gần như sĩ số không bao giờ dưới 40 cháu, thậm chí có lớp gần 50 cháu. “Con tôi học cấp 2 một trường trên địa bàn quận Cầu Giấy, sĩ số lớp là 48 học sinh/lớp. Năm nay do số học sinh tăng, nhà trường phải bố trí cho các lớp học lệch ca, không ăn bán trú… và tình trạng này đang gây ra rất nhiều khó khăn trong việc đưa đón con của phụ huynh.
Giờ chỉ mong sao các cấp chính quyền sớm có giải pháp khắc phục, xây thêm trường học để đảm bảo chất lượng dạy và học cho các con, còn phụ huynh đỡ vất vả, đỡ áp lực hơn” - chị Trương Thu Hiền (quận Cầu Giấy) phản ánh.
Đại diện Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Phú Xuyên) cũng cho biết, các trường THPT tư thục tuyến huyện có khó khăn lớn trong hoạt động như điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí đào tạo. Do vậy, học sinh của các trường tư thục có nhiều thiệt thòi hơn so với các trường công lập, từ thực trạng trên, đại diện Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đề nghị TP Hà Nội có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn cho các trường THPT tư thục để có thể mở rộng trường, lớp.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, đối với GDĐT, đến nay các trường học công lập trên địa bàn thành phố vẫn còn thiếu (do chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt) hoặc thiếu đất để xây dựng trường (chủ yếu tập trung tại các quận nội thành).
Bên cạnh đó, các quỹ đất mới, đất trống để bổ sung trên địa bàn không còn, một số xã, phường nằm trong khu vực hành lang thoát lũ, việc xây mới, sửa chữa, cải tạo trường học gặp rất nhiều khó khăn do vướng Luật Đê điều.
Tính đến tháng 7/2024, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố đạt 79,6% (1.789/2.251 trường). Mỗi xã, phường, thị trấn có trường công lập theo tiêu chí: 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS, đảm bảo 3 - 5 vạn dân có 1 trường THPT. Bên cạnh đó, thành phố còn có 151 dự án đầu tư xây dựng trường học nguồn vốn ngoài ngân sách (vốn đầu tư trong nước). Trong đó, 62 dự án đã hoàn thành xây dựng công trình, đưa vào khai thác sử dụng; 89 dự án đang triển khai. Số trường tư thục tăng cả về số lượng và chất lượng, chiếm 20,5% (591/2.874 trường), số học sinh 14,8%, với 24.148 giáo viên, 8.000 nhân viên.
Gỡ khó cho lĩnh vực đầu tư, kinh doanh
Hiện còn nhiều khó khăn cho các DN đang hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, giải trí… trên địa bàn thành phố.
Theo đó, đối với trường học ngoài công lập, việc tiếp cận quỹ đất sạch để xây dựng trường học tư thục của các DN kinh doanh lĩnh vực giáo dục còn gặp nhiều khó khăn. Với việc bổ sung cấp học, khi giao đất để xây dựng trường học cho các DN thường được quy hoạch chỉ một cấp học (mầm non, tiểu học, THCS hoặc THPT), nhưng trên thực tế hoạt động hiện nay các DN thường muốn phát triển các trường tư thục có nhiều cấp học liên thông. Việc bổ sung thêm cấp học vào các ô đất đã được giao của các DN gặp nhiều khó khăn do liên quan đến thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch cần xin ý kiến nhiều sở, ngành.
Thông tin từ UBND TP Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp và sàng lọc trên 66 lượt kiến nghị của 57 DN, tổ chức và cá nhân, được tổng hợp theo 6 lĩnh vực với 20 nhóm vấn đề.
Trong đó, DN kiến nghị về bổ sung cấp học, thủ tục đầu tư xây dựng trường học ngoài công lập, thủ tục đăng ký hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa và cấp Giấy phép hoạt động. Cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; cấp phép cơ sở đào tạo và người lao động đào tạo nghề; cơ chế đặt hàng đào tạo nghề.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, thành phố luôn quan tâm lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực. Mới đây, Luật Thủ đô 2024 được thông qua, trong đó có nhiều quy định sẽ “mở đường” về quan điểm ở các lĩnh vực cụ thể, trong đó có lĩnh vực văn hóa - xã hội. Thành phố đặt kỳ vọng lớn vào những thay đổi căn bản hơn trong lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Đồng thời, thành phố cũng kiến nghị với Chính phủ những vấn đề cụ thể như có cơ chế PPP (hợp tác công tư) để giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư trong văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, du lịch để DN phát triển.
Vướng mắc về chính sách mà các DN nêu, thành phố sẽ cân nhắc, xem xét trong phạm vi quản lý, điểm nào không phù hợp sẽ nhanh chóng tháo gỡ. Lãnh đạo thành phố đề nghị các sở, ngành đổi mới việc giải quyết thủ tục hành chính, đưa các giải pháp công nghệ để DN thực hiện thủ tục dễ dàng, nhanh gọn.
Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, giai đoạn từ năm 2023 - 2025, Hà Nội phấn đấu xây dựng mới 135 trường học với kinh phí khoảng 10.800 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TP Hà Nội khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng mới các trường ngoài công lập, giảm gánh nặng ngân sách, đồng thời, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường học.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tao-quy-dat-de-xay-truong-hoc-10288505.html