Tạo sinh kế bền vững giữa khô hạn

Những năm gần đây, tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới ngay trong giai đoạn gieo cấy đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc canh tác lúa của người dân xã Bình Long (Võ Nhai). Để khắc phục trình trạng này, bà con đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Việc đưa cây dưa chuột bao tử vào trồng thay thế cho cây lúa đã giúp gia đình ông Lương Văn Sen (ở xóm Long Thành, xã Bình Long, Võ Nhai) khắc phục được tình trạng khó khăn về nguồn nước tưới.

Việc đưa cây dưa chuột bao tử vào trồng thay thế cho cây lúa đã giúp gia đình ông Lương Văn Sen (ở xóm Long Thành, xã Bình Long, Võ Nhai) khắc phục được tình trạng khó khăn về nguồn nước tưới.

Trước đây, cánh đồng rộng hơn 30ha thường được người dân 2 xóm Đèo Ngà và Long Thành, xã Bình Long, gieo cấy 2 vụ lúa và trồng 1 vụ màu mỗi năm. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, do thời tiết diễn biến thất thường, tình trạng khô hạn xảy ra tại thời điểm gieo cấy lúa, đặc biệt là trong vụ xuân, nên việc canh tác lúa của bà con bị ảnh hưởng không nhỏ.

Nhằm giảm thiểu rủi ro do thời tiết gây ra, bà con đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống cây phù hợp, có khả năng chịu hạn tốt vào gieo trồng.

Gia đình ông Lương Văn Sen, ở xóm Long Thành, hiện có 7 sào ruộng. Trước đây, ông vẫn gieo cấy 2 vụ lúa và trồng 1 vụ màu mỗi năm. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, 4/7 sào ruộng gặp khó khăn về nguồn nước tưới trong vụ xuân, mặc dù gia đình đã khắc phục bằng cách mua máy bơm về bơm nước từ suối lên nhưng cũng không đủ để gieo cấy lúa. Vì vậy, ông đã chủ động tìm hiểu và đưa cây dưa chuột bao tử vào trồng trong vụ xuân và vụ đông.

Ông Sen cho biết: Cây dưa chuột bao tử phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây, phát triển tốt, cần ít nước tưới hơn so với cây lúa.

Cũng có 5 sào ruộng thường xuyên thiếu nước tưới nhưng gia đình anh Tô Thanh Ký, ở xóm Đèo Ngà, vẫn cố gắng duy trì gieo cấy lúa qua từng vụ. Tuy nhiên, trước tình trạng hạn hán ngày càng phức tạp, năng suất lúa giảm, thu nhập ngày càng bấp bênh, vụ xuân này, gia đình anh đã chuyển sang trồng cây ớt ngọt. Sau hơn một tháng xuống giống, ruộng ớt phát triển xanh tốt, thích ứng với điều kiện khô hạn.

Anh Ký nói: Vì đây là cây trồng mới và cũng là vụ đầu tiên đưa vào canh tác nên tôi đặc biệt chú trọng chăm sóc, áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật từ khâu làm đất cho đến khi cây phát triển xanh tốt. Tôi hy vọng mô hình này sẽ mang lại hiệu quả cao, mở ra cơ hội nâng cao thu nhập cho gia đình.

Anh Tô Thanh Ký (ở xóm Đèo Ngà, xã Bình Long, Võ Nhai) xử lý đất để bón phân cho ruộng ớt.

Anh Tô Thanh Ký (ở xóm Đèo Ngà, xã Bình Long, Võ Nhai) xử lý đất để bón phân cho ruộng ớt.

Cùng với bà con 2 xóm Đèo Ngà, Long Thành, thời gian qua, người dân tại các xóm khác trên địa bàn xã Bình Long cũng đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Người dân đã đưa các giống cây cần ít nước, chịu hạn tốt hơn lúa vào trồng như: ớt ngọt, dưa chuột bao tử, đậu xanh, đậu tương, ngô, bí đỏ...

Trong vụ xuân năm nay, toàn xã có diện tích trồng cây dưa chuột gần 10ha (tăng 3ha so với năm 2023); cây ớt trên 3ha (tăng 2ha so với năm 2023); cây đậu đỗ 6ha và trên 27ha các loại cây màu khác. Sự thay đổi này không chỉ giúp thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà còn nâng cao thu nhập cho người dân trong sản xuất nông nghiệp.

Từ thực tế qua sản xuất mấy vụ gần đây cho thấy, các loại cây trồng trên chịu hạn tốt, giá trị kinh tế lại cao hơn hẳn so với cây lúa. Đơn cử như 1 sào dưa chuột bao tử nếu trừ hết chi phí đi, cho lãi trung bình từ 8-10 triệu đồng/sào; cây ớt ngọt cho lãi trên 10 triệu đồng/sào... cao hơn so với cây lúa khoảng 3-4 lần trên cùng một diện tích đất. Qua đó cũng giúp nâng cao giá trị giá trên 1ha đất trồng trọt của xã, năm 2024 giá trị này đạt gần 100 triệu đồng/ha, tăng hơn 10 triệu đồng so với năm 2020.

Để có được những mô hình hiệu quả trên, cách đây 3 năm, trước những khó khăn của bà con trong sản xuất nông nghiệp, chính quyền xã Bình Long đã có những giải pháp mang tính đột phá. Nhận thấy nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện Yên Thế (Bắc Giang) nằm tiếp giáp với xã mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại khắc phục được tình trạng khô hạn nên địa phương đã tổ chức cho người dân trong xã đi tham quan, học hỏi; chủ động kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã ở huyện Yên Thế để hỗ trợ người dân để triển khai các mô hình và bao tiêu sản phẩm cho bà con...

Ông Trần Quang Hưng, Chủ tịch UBND xã Bình Long, chia sẻ: Với việc liên kết này, người dân khi tham gia mô hình sẽ được các hợp tác xã, doanh nghiệp bên phía tỉnh bạn hỗ trợ trả chậm về giống, vật tư nông nghiệp; tập huấn, hướng dẫn trực tiếp về kỹ thuật trồng, chăm sóc cho cây trồng mới; bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra với giá cả ổn định. Nhờ đó, bà con trong xã đã mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân trong xã nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng phù hợp, hiệu quả.

Sự chủ động và linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ giúp người dân xã Bình Long vượt qua khó khăn do hạn hán mà còn mở ra hướng đi cho sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị trên một diện tích đất nông nghiệp.

Vũ Công

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202504/taosinh-ke-ben-vung-giua-kho-han-9b73145/