Tạo sinh kế cho người dân ảnh hưởng thiên tai ở huyện Đà Bắc
Đợt mưa lũ tháng 10/2017, huyện Đà Bắc chịu ảnh hưởng lớn bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá xảy ra ở nhiều xã đặc biệt khó khăn, khiến cuộc sống, sản xuất gặp nhiều gian khó. Để góp phần giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, hỗ trợ khôi phục, phát triển sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản (GCT-VN&TS) Hòa Bình đã đề xuất và được Bộ KH&CN, Sở KH&CN giao cho đơn vị triển khai thực hiện dự án 'Ứng dụng tiến bộ KH&CN để phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng của thiên tai tại huyện Đà Bắc' (dự án).
Dự án được triển khai tại 13 xã, thị trấn, 91 xóm trong huyện với 1.270 hộ tham gia, thực hiện từ tháng 10/2019. Với mục tiêu ứng dụng, chuyển giao thành công một số tiến bộ KH-CN trong xây dựng các mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người dân, Trung tâm GCT-VN&TS đã phối hợp với các đơn vị chức năng chuyển giao, tư vấn kỹ thuật 8 quy trình, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho người dân vùng dự án. Đào tạo 12 kỹ thuật viên cơ sở trở thành những hạt nhân về kỹ thuật để hướng dẫn, phát triển, mở rộng các mô hình trong quá trình thực hiện cũng như sau khi dự án kết thúc; tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ thuật cho 500 nông dân nòng cốt vùng dự án.
Tại 2 xã Đồng Ruộng, Tân Pheo đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn bản địa, quy mô 450 con. Trong đó, xã Đồng Ruộng có 75 hộ tại 6 xóm tham gia, được hỗ trợ 225 con lợn giống. Đây là những hộ bị thiệt hại do mưa lũ và có nhân lực, khả năng tiếp thu, ứng dụng tiến bộ KHKT cũng như khả năng đối ứng xây dựng chuồng nuôi đúng tiêu chuẩn, cho lợn ăn bằng các nông sản tại địa phương. Tham gia mô hình, gia đình ông Hà Văn Vững, xóm Hạ được hỗ trợ 3 con lợn giống, cùng thức ăn tổng hợp giai đoạn đầu, thuốc thú y. Theo chia sẻ của ông Vững, gia đình đã được hướng dẫn các quy trình, kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho từng giai đoạn sinh trưởng nên lợn bản địa lớn khá nhanh, không bị bệnh, đã mở ra hướng phát triển cho gia đình.
Đánh giá về hiệu quả mô hình, đồng chí Quách Công Lâm, Chủ tịch UBND xã Đồng Ruộng cho biết: Mô hình thực hiện ở xã đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Hiện nay, từ 60 - 70% lợn nái đang trong quá trình sinh sản, dự kiến trung bình mỗi nái cho từ 7 -10 lợn con/lứa, sẽ tạo sinh kế cho các hộ. Xã mong muốn từ hiệu quả này, mô hình được nhân rộng, giúp phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho người dân.
Cũng như Đồng Ruộng, 2 xã Mường Chiềng, Giáp Đắt được tham gia dự án, qua đó thực hiện mô hình thâm canh giống lúa mới chất lượng cao J02 trên diện tích 100 ha, thời gian từ tháng 11/2019 - 11/2020 với hơn 520 hộ tham gia. Các hộ được chuyển giao, tập huấn, tư vấn kỹ thuật KH-CN; cấp phát giống, vật tư nông nghiệp. Đánh giá sau mỗi mùa vụ cho thấy, cây trồng sinh trưởng tốt, năng suất đạt 5,2 - 5,6 tấn/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà tại địa phương. Mô hình đã giúp người dân nâng cao năng suất, sản lượng, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao cho thị trường. Từ hiệu quả ghi nhận thực tế, trong vụ xuân năm 2021, diện tích sản xuất giống lúa J02 đã tăng 1,5 - 2 lần so với năm 2020.
Cùng với mô hình chăn nuôi lợn bản địa, thâm canh giống lúa mới, dự án đã thực hiện các mô hình về: Trồng thâm canh cây có múi, quy mô 50 ha tại Cao Sơn, Tú Lý; chăn nuôi bò lai nhóm Zebu + mô hình trồng cỏ voi tại các xã: Tú Lý, Toàn Sơn, Nánh Nghê, Đoàn Kết, Tân Pheo, thị trấn Đà Bắc, quy mô 200 con và 5 ha trồng cỏ voi nuôi bò cho 200 hộ; nuôi gà ri lai thả vườn/đồi tại xã Hiền Lương, Nánh Nghê, quy mô 6.000 con; nuôi cá rô phi đơn tính tại Vầy Nưa, Tiền Phong, quy mô 60 lồng. Đồng chí Vũ Văn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm GCT-VN&TS cho biết: Các loại giống cây, con đưa vào đều phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân. Qua các mô hình, bà con đã được tập huấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, giúp chuyển đổi tư duy, cách làm, từ đó đạt được hiệu quả tốt. Hiện tại, nhiều mô hình đã được nhân rộng sản phẩm, điển hình như: Mô hình thâm canh giống lúa mới chất lượng cao J02 nhân lên 250 ha; nuôi gà ri lai tăng lên 100.000 con; nuôi cá rô phi đơn tính tăng lên 250 lồng.
Những kết quả thực tế là minh chứng thuyết phục cho thấy, các mô hình phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Các tiến bộ KHKT chuyển giao, tư vấn cho bà con nắm bắt, áp dụng vào sản xuất đã giúp tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập, là cơ sở để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.