Tạo sinh kế cho người dân vùng dân tộc thiểu số

Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh được thực hiện tại 5 huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì. Với các hợp phần được triển khai đồng bộ, hiệu quả; Chương trình đã góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất, hướng đến phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững, tạo sinh kế cho người dân.

Mô hình kinh tế hiệu quả của anh Lưu Văn Lợi, thành viên Nhóm cùng sở thích chăn nuôi vịt thôn Nà Pồng, xã Linh Hồ (Vị Xuyên).

Mô hình kinh tế hiệu quả của anh Lưu Văn Lợi, thành viên Nhóm cùng sở thích chăn nuôi vịt thôn Nà Pồng, xã Linh Hồ (Vị Xuyên).

Chương trình CPRP có mục tiêu thúc đẩy phát triển hàng hóa theo các chuỗi giá trị để giảm nghèo bền vững, phù hợp với năng lực của người dân và đáp ứng sự phát triển của thị trường; trong đó, tập trung xây dựng các chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, như: Chè, cam, gỗ rừng trồng, trâu, bò, mật ong, Thảo quả, lạc, lợn, cá, lúa chất lượng cao.

Năm 2019, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch ngân sách hoạt động của Chương trình với tổng nguồn vốn trên 222,4 tỷ đồng; trong đó, vốn ODA gần 127 tỷ đồng; vốn đối ứng Chính phủ Việt Nam gần 64 tỷ đồng và người hưởng lợi đóng góp gần 32 tỷ đồng.

Nhờ quyết tâm triển khai thực hiện các hợp phần; cấp ủy và chính quyền huyện, xã đã vào cuộc mạnh mẽ, tích cực chỉ đạo, kiểm tra, huy động các cơ quan chuyên môn tham gia thực hiện nên Chương trình đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong 6 tháng đầu năm, Chương trình đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng và phương pháp phân tích chuỗi giá trị nông sản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; kỹ thuật thâm canh một số loại cây trồng chính theo hướng phát triển hàng hóa cho hàng nghìn người tham gia; tập huấn kỹ năng quản lý sản xuất/kinh doanh cho thành viên nòng cốt nhóm cùng sở thích (CIG); quản lý nhóm CIG cho Trưởng nhóm và Thư ký nhóm CIG; triển khai mô hình chuyển đổi diện tích ngô nương năng suất thấp sang trồng cỏ chăn nuôi kết hợp cây lâm nghiệp tại xã Tả Nhìu, Bản Ngò (Xín Mần) với 25 hộ tham gia; thành lập mới 121 nhóm CIG với 1.304 thành viên; trong đó, đã phê duyệt đề xuất cho 119 nhóm và ký hợp đồng tài trợ cho 111 nhóm; tiến hành giải ngân trên 5,3 tỷ đồng cho 101 nhóm lần 1 và 11 nhóm lần 2; thành lập 60 nhóm Tiết kiệm tín dụng với 460 thành viên tham gia.

Đặc biệt, Chương trình đã giúp tỉnh thực hiện chuỗi giá trị trâu, bò với nhiều hoạt động được triển khai, như: Xây dựng đề án phát triển chăn nuôi, giai đoạn 2016 – 2020; kế hoạch nâng cao giá trị bò vàng vùng Cao nguyên đá Đồng Văn; hỗ trợ cho hơn 260 hộ vay vốn làm chuồng gia súc, gắn với xử lý nước thải; thành lập 169 nhóm CIG và thực hiện tài trợ cho 80 nhóm CIG chăn nuôi trâu, bò. Nhờ những nỗ lực trên, thịt bò vàng vùng cao Hà Giang đã được cấp Chỉ dẫn địa lý và đăng ký nhãn hiệu bản quyền.

Bên cạnh đó, Chương trình duy trì hoạt động của 23 hợp đồng hợp tác công tư đã ký trước năm 2019. Các đơn vị đã hoàn thành mua sắm và lắp đặt thiết bị, đầu tư nâng cấp nhà xưởng, nâng cao công suất chế biến, sản xuất; ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho trên 3.600 hộ dân; tạo 409 việc làm tại các cơ sở và cho thu nhập thu nhập tăng thêm từ 30 - 50%.

Việc triển khai thực hiện hiệu quả các hợp phần của Chương trình CPPR đang tác động tích cực đến mọi mặt đời sống của người dân; góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đẩy nhanh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; tạo sinh kế giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/201907/tao-sinh-ke-cho-nguoi-dan-vung-dan-toc-thieu-so-747308/